Trung Quốc có thể sẽ xem xét lại hoặc trì hoãn bất kỳ động thái quân sự nào đối với Đài Loan trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraine vẫn chưa có hồi kết.

Chiến tranh tại Ukraine làm chùn bước Trung Quốc trong ý đồ ‘thống nhất Đài Loan'

Hoàng Vũ | 12/04/2022, 17:02

Trung Quốc có thể sẽ xem xét lại hoặc trì hoãn bất kỳ động thái quân sự nào đối với Đài Loan trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraine vẫn chưa có hồi kết.

"Nếu Trung Quốc có kịch bản thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, họ sẽ suy nghĩ lại, trì hoãn hoặc ít nhất là đảm bảo rằng mọi sự chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo trước khi tiến hành. Khó có thể dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ quyết định tiến hành tấn công Đài Loan trong thời gian tới”, ông Shin Kawashima, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tokyo, phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia Nhật Bản hôm 11.4.

Ông Kawashima đã nêu ra một số bài học kinh nghiệm cho giới lãnh đạo Trung Quốc vận dụng từ những gì đang xảy ra tại Ukraine. “Đầu tiên, giới lãnh đạo Trung Quốc thấy rõ cái giá phải trả của một tấn công như vậy. Nếu Nga phải chịu bao nhiêu thương vong khi tiến vào nước láng giềng, thì liệu Trung Quốc sẽ phải gánh chịu biết bao thiệt hại cho việc vượt biển chiếm Đài Loan”, ông nói.

Theo vị giáo sư, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu sự phản ứng trên toàn cầu đối với Moscow khi thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, gồm cả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, cộng với tính hiệu quả và hạn chế của các chế tài đó.

“Có lẽ điều khó chịu nhất đối với Bắc Kinh là chứng kiến ​​chiến dịch quân sự Nga đã mở rộng các lựa chọn ngoại giao cho Ukraine như thế nào. Nếu không gian ngoại giao của Đài Loan mở rộng do hoạt động của Trung Quốc, đó sẽ là tình huống xấu nhất", Giáo sư Kawashima nhận định.

Các chuyên gia toàn cầu đang cố gắng phân tích cách thức Bắc Kinh có thể theo dõi tình hình ở Đông Âu. Họ cho rằng Trung Quốc sẽ cân nhắc liệu một hoạt động thống nhất Đài Loan bằng vũ lực có bị gán cho cái mác "chiến tranh phi nghĩa" hay không.

Hầu hết cộng đồng quốc tế đồng ý rằng "chiến dịch quân sự" của Nga tại Ukraine vi phạm khoản 4 điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), trong đó kêu gọi các quốc gia thành viên “từ bỏ đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”.

Nghị quyết ngày 2.3 của Đại hội đồng LHQ, trong đó tuyên bố rõ ràng rằng Nga đã vi phạm khoản 4 điều 2 của hiến chương, đã được thông qua với sự ủng hộ của 141 quốc gia. Nghị quyết không có tính ràng buộc nhưng sẽ đóng vai trò như một dấu hiệu cho thấy nước Nga bị cô lập.

Tuy nhiên, phía Nga cho rằng mình đang "tự vệ" theo điều 51 của Hiến chương LHQ - quy định một ngoại lệ đối với việc sử dụng vũ lực trong các trường hợp tự vệ trước một cuộc tấn công vũ trang. Nga tuyên bố đang tự bảo vệ mình trước mối đe dọa từ Mỹ và các thành viên NATO khác.

“Không có nghi ngờ gì về những gì Nga đang làm là vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Nhưng trong trường hợp của Đài Loan, Bắc Kinh sẽ khăng khăng rằng hai bên là một phần của cùng một quốc gia và đó không phải là mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ. Còn phía Đài Loan sẽ bác bỏ những tuyên bố như vậy”, ông Kurahachi Sato, giáo sư quản lý khủng hoảng tại Viện Khoa học nghiên cứu Trung Quốc và là cựu quan chức pháp lý của Lực lượng phòng vệ (quân đội) Nhật Bản cho biết.

Khi nói về tình hình chiến sự tại Ukraine, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ sự tương đồng đối với Đài Loan.

"Vấn đề Đài Loan về cơ bản khác với vấn đề Ukraine. Sự khác biệt cơ bản nhất là Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc và vấn đề Đài Loan hoàn toàn là chuyện nội bộ của Trung Quốc, không có sự can thiệp từ bên ngoài”, người phát ngôn Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Chính phủ Trung Quốc, bà Chu Phượng Liên (Zhu Feng Lian) nói hôm 16.3.

Nhưng tại cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 11.3, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ cho biết sự lên án của quốc tế đối với chiến dịch quân sự của Nga là một trong 3 bài học mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể rút ra từ cuộc chiến tranh tại Ukraine.

Bài liên quan
Sự khác biệt lớn giữa Thung lũng Silicon ở Mỹ và 'đảo Silicon' Đài Loan
Nữ phóng viên Jane Lanhee Lee của hãng tin Bloomberg đã đặt chân đến Đài Loan, nơi sản xuất ra thế hệ chip tiếp theo, và nhận thấy có sự khác biệt lớn so với Thung lũng Silicon ở Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến tranh tại Ukraine làm chùn bước Trung Quốc trong ý đồ ‘thống nhất Đài Loan'