Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đang diễn ra tại TP.HCM vào chiều 5.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên tọa đàm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên tọa đàm cao cấp Diễn đàn Kinh tế Việt Nam

P.V | 05/06/2022, 15:49

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đang diễn ra tại TP.HCM vào chiều 5.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên tọa đàm.

Chiều ngày 5.6, tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới".

thutuong2.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4. - Ảnh: VGP

Cùng dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; đại diện các đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết diễn đàn năm nay có nhiều điểm đặc biệt, trong đó việc tổ chức tại TP.HCM là một đô thị đặc biệt và là một cực tăng trưởng đóng vai trò là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, thành phố năng động và đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Phát biểu chào mừng diễn đàn, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết dưới tác động của dịch COVID-19, TP.HCM là địa phương có mức độ lây nhiễm nặng, các hoạt động kinh tế xã hội suy giảm nghiêm trọng. Ngay khi tình hình được cải thiện, thành phố đã xây dựng và triển khai chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận chủ đề diễn đàn rất phù hợp tình hình thực tế của thành phố.

Cũng theo người đứng đầu UBND TP.HCM, trong những năm qua, TP đã triển khai nhiều chương trình kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn có giá trị gia tăng cao đối với tất cả các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Đây cũng là hướng chủ yếu để chuyển các quan hệ kinh tế từ lệ thuộc thị trường, lệ thuộc vào đối tác bên ngoài sang mối quan hệ tương thuộc với mọi đối tác.

TP.HCM cũng nhận thức rằng để thu hút nguồn vốn FDI có hiệu quả phải nâng cao vai trò đối tác của khu vực kinh tế trong nước, nhất là tầm quan trọng của khu vực tư nhân. Dĩ nhiên đây đang là một quá trình cần sự hỗ trợ nhiều chính sách khung về vĩ mô.

"Do đó, từ diễn đàn này kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp về cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm cụ thể hóa đường lối và chủ trương của Đảng về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong tình hình mới" - ông Phan Văn Mãi nói.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là sự kiện thường niên được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức từ năm 2017.

Năm 2022, để có căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ và UBND TP.HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề: "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới" theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là vấn đề đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tại nhiều diễn đàn trong và ngoài nước.

Tại các hội thảo chuyên đề của VEF lần này, các đại biểu đã thảo luận về phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19, phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Phiên toàn thể sẽ tập trung thảo luận các nội dung như: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên tọa đàm cao cấp Diễn đàn Kinh tế Việt Nam