Khi các công tố viên Pháp chuyển sang tập trung điều tra cáo buộc hối lộ để giành quyền đăng cai Olympic 2020 của Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lập tức yêu cầu quan chức Nhật làm rõ ngay sự thật về quá trình vận động đăng cai mà họ liên tục khẳng định là sạch.
Ngày 12.5, các công tố viên Pháp cho biết họ đang điều travề khoản tiền 2 triệu USD được cho đã chuyển qua hai đợt từ một ngân hàng ở Nhật đến một tài khoản ở Singapore của công ty Black Tidings trong những tháng ngay trước và sau thời điểm bỏ phiếu chọn thành phố đăng cai Olympic 2020. Cụ thể là vào tháng 7 và tháng 10.2013. Trong khi đó Tokyo được chọn làm thành phố đăng cai Olympic 2020 hồi tháng 9.2013, sau khi vượt qua Madrid và Istanbul sau cuộc bỏ phiếu tại Buenos Aires. Hơn nữa, nội dung các giao dịch này được ghi là "Đăng cai Olympic Tokyo 2020". Từ đó, các nhà điều tra Pháp đặt ra câu hỏi về vai trò của số tiền này trong cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic 2020 của Tokyo.
Theo tờ Thời báo Nhật Bản, trước thông tin rúng động này, Thủ tướng Shinzo Abe đã lập tức yêu cầu làm rõ vụ việc ngay trong phiên họp toàn thể của Hạ viện Nhật Bản ngày 13.5: "Chúng tôi yêu cầu Chính quyền thủ đô Tokyo và Ủy ban Olympic Nhật Bản xác nhận ngay sự thật".
Ngay sau đó, ông Tsunekazu Takeda, Cựu chủ tịch Ủy ban vận động đăng cai Tokyo 2020, đưa ra tuyên bố tái khẳng định việc Tokyo được trao quyền đăng cai "là kết quả của một cuộc cạnh tranh công bằng và là thành quả của quá trình vận động".
Thông báo viết: "Ủy ban vận động đăng cai Tokyo 2020 có thể xác nhận rằng ủy ban đã chi trả một khoản tiền cho những dịch vụ chuyên nghiệp mà ủy ban sử dụng, bao gồm tư vấn, lập kế hoạch đăng cai, hướng dẫn thực hành thuyết trình, hướng dẫn về công tác truyền thông mang tính vận động trên phạm vi quốc tế, dịch vụ cung cấp thông tin và phân tích truyền thông. Tất cả những dịch vụ này đều có lập hợp đồng theo đúng thủ thục quy định".
Trong khi đó, Đảng Dân chủ Tự do thành lập lực lượng đặc nhiệm để điều tra vụ việc này. Trước việc các đảng đối lập ở Nhật Bản cũng gây sức ép yêu cầu chính phủ mở cuộc điều tra, ông Jun Azumi, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, đã cam kết sẽ tiến hành điều tra triệt để. Ông Azumi nói: "Nếu những cáo buộc của phía Pháp là đúng sự thật, thì hành động đó là phạm tội. Chúng tôi quyết tâm điều tra đến cùng bất chấp vụ việc có liên quan đến nhân vật nào hay quốc gia nào".
Black Tidings là một công ty có "tiền án" khi tài khoản của nó từng được dùng để chuyển các khoản tiền hối lộ để che đậy một trường hợp dính doping của thể thao Nga. Theo WADA (Cơ quan phòng chống doping thế giới), Ian Tan Tong Han, chuyên gia tư vấn tiếp thị thể thao, người đứng tên tài khoản Black Tidings, có quan hệ rất thân với gia đình Lamine Diack, cựu chủ tịch Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) thông qua một cựu thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Theo điều tra của WADA, Ian Tan Tong Han thân với Papa Massata Diack, con trai của Lamine Diack, đến mức đặt tên cho đứa con trai sinh năm 2014 của mình là "Massata"!
Ông Lamine Diack đang bị điều tra tại Pháp với các cáo buộc lạm quyền, tham nhũng, và bị cấm rời Pháp trong quá trình điều tra. Thời điểm bỏ phiếu chọn thành phố đăng cai Olympic 2020, ông Lamine Diack đang là Chủ tịch IAAF, nên ông không chỉ có một lá phiếu mà còn có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều lá phiếu khác. Ông rời chức Chủ tịch IAAF hồi tháng 8 năm ngoái, và đến tháng 11.2015 thì từ chức thành viên danh dự của IOC, một ngày sau khi bị BCH IOC tạm thời đình chỉ công việc.
Con trai của Lamine Diack là Papa Massata Diack, cựu cố vấn tiếp thị của IAAF, cũng đang bị Pháp triệu tập điều tra với các cáo buộc hối lộ, rửa tiền, và tham nhũng. Tuy nhiên, Senegal từ chối giao nộp Papa Diack dù lực lượng Interpol đã đưa tên "Diack con" vào danh sách đối tượng truy nã đỏ quốc tế.
Theo nguồn tin giấu tên theo luật điều tra của Pháp, thì quỹ của công ty Black Tidings cũng từng được dùng để mua nữ trang ở Paris với giá 170.000 USD. Đây cũng là một trong những cơ sở mà công tố viên Pháp dùng làm cái cớ hợp pháp để điều tra gia đình Diacks.
Vụ điều tra về quá trình đăng cai Olympic 2020 gây sức ép nặng nề đối với IOC, vốn tự hào là trong sạch so với FIFA và IAAF liên tục dính đến các vụ bê bối hối lộ. Theo phát ngôn viên của IOC: "Trưởng Ban Đạo đức của IOC đã liên lạc với những công tố viên Pháp phụ trách điều tra vụ IAAF, và với WADA, ngay từ khi bắt đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với mọi bên có liên quan để làm rõ mọi hành vi sai trái trong các cáo buộc".
Đây không phải lần đầu tiên Nhật bị cáo buộc vi phạm trong đăng cai tổ chức Olympic. Liên quan đến Thế vận hội mùa đông 1998 tại Nagano, Nhật Bản từng hào phóng chi nhiều triệu USD cho các đại biểu IOC, một khoản chi khủng được cho là "bất hợp pháp và vượt cái gọi là hiếu khách". Hệ quả là 10 thành viên IOC phải từ chức hoặc bị buộc ra đi.
Tại hội nghị chống tham nhũng ở London Anh ngày 12.5, Chủ tịch IOC Thomas Bach phát biểu: "Tương tự như những tổ chức khác, chúng tôi không miễn nhiễm với hành vi sai trái. Trong những trường hợp như thế, chúng tôi luôn hành động nhanh chóng". Còn Trưởng ban Đạo đức IOC Paquerette Girard Zappelli khẳng định: "Với những hành động nhanh chóng của chúng tôi, ông Lamine Diack không còn giữ bất kỳ chức vụ nào ở IOC. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục tích cực điều tra vụ việc này và hợp tác với Pháp trong cuộc điều tra của họ".
HOÀNG ANH