Thủ tướng đề nghị thảo luận cả việc sớm đưa vắc xin ngừa COVID-19 đến người dân trong quý 1/2021.

Thủ tướng: Sớm đưa vắc xin COVID-19 đến người dân trong quý 1/2021

Lam Thanh | 02/02/2021, 09:10

Thủ tướng đề nghị thảo luận cả việc sớm đưa vắc xin ngừa COVID-19 đến người dân trong quý 1/2021.

thu-tuong-vc.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: VGP

Sáng nay, ngày 2.2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1.2021.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Dễ thấy nhất, đó là sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1.2021 ước tính tăng tới 22,2% so với tháng 1.2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%. Đây là con số tăng trưởng khá tích cực.

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng tăng, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1.2021 ước tính đạt 479,9 ngàn tỉ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động.

Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp tăng 10,5% so với tháng 1.2020. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 10.100 doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khác cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế so với tháng đầu năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1.2021 ước tính đạt 53,9 tỉ USD, tăng 45,2% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỉ USD, tăng 46,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,9 tỉ USD, tăng 43,7%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 100 triệu USD.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tiếp tục điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả kinh tế và y tế. Cần thúc đẩy 3 không gian kinh tế mới; phải lo Tết cho nhân dân chu đáo…

Đề cập đến tình hình COVID-19, Thủ tướng cho biết từ 27.1 đã xuất hiện một số ca COVID-19 trong cộng đồng, đến nay có 271 ca ở 10 tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và các địa phương đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, vào cuộc với biện pháp đúng đắn, kịp thời.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Chính phủ về tình hình và các giải pháp lớn khi mà thời gian qua chúng ta đã thực hiện “những chủ trương như tăng cường lực lượng, khoanh ổ dịch, truy vết, xét nghiệm diện rộng, dừng một số hoạt động, kiểm tra, đôn đốc quyết liệt…”.

Hiện nay, dù còn có diễn biến phức tạp nhưng tình hình cơ bản được kiểm soát. Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đề nghị thảo luận cả việc sớm đưa vắc xin ngừa COVID-19 đến người dân trong quý 1 này.

Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận các biện pháp chỉ đạo điều hành trước tác động của ổ dịch COVID-19 mới với nền kinh tế. Nhấn mạnh việc tận dụng thời cơ, tạo ra môi trường đầu tư, thu hút dòng vốn đầu tư, nhất là các tập đoàn công nghệ như Foxconn, kể cả mở rộng quy mô đầu tư như Intel, Samsung, Thủ tướng nêu rõ tinh thần, chúng ta không đảo ngược chính sách, tiếp tục thúc đẩy cởi mở hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài làm ăn thành công ở Việt Nam.

“Chúng ta phải tiếp tục điều hành vĩ mô tốt, ổn định, tạo niềm tin cả kinh tế và y tế”, Thủ tướng nói. Chúng ta cần thúc đẩy 3 không gian kinh tế mới, đó là kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với nhiều hiệp định thương mại tự do và kinh tế số. Trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nhiều lần về kinh tế số, xã hội số và những vấn đề liên quan. “Chúng ta phải đặt vấn đề này rõ nét hơn”, Thủ tướng nói.

Một vấn đề lớn nữa mà Thủ tướng lưu ý phải lo Tết cho nhân dân chu đáo, nhất là vùng thiên tai, vùng sâu, vùng xa, vùng bị phong tỏa do có dịch, chỉ còn ít ngày nữa là Tết, phải kiểm điểm lại việc chuẩn bị các nguồn lực, bao gồm các siêu thị lớn, các thành phố lớn, đặc biệt là các địa phương, như chuẩn bị hàng hóa dồi dào, an toàn, kiểm soát tốt giá cả, chống đầu cơ.

“Chúng ta cũng thảo luận sau Tết sẽ làm gì để tiếp tục thúc đẩy phát triển”, Thủ tướng đề nghị.

Bài liên quan
Sáng 2.2: Hải Dương thêm 1 ca mắc COVID-19, Quảng Ninh phong tỏa nội đảo Cái Bầu, Gia Lai giãn cách toàn bộ xã Chư Rcăm
Bản tin 6h ngày 2.2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết có thêm 1 ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng ghi nhận tại Hải Dương. Việt Nam hiện có 1.851 bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Sớm đưa vắc xin COVID-19 đến người dân trong quý 1/2021