Làm việc với lãnh đạo các tỉnh Trà Vinh, Thừa Thiên-Huế, Thái Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh, nhất là những điểm nghẽn đối với sự phát triển, tạo tiền đề để triển khai kế hoạch 2021-2025, với tinh thần “các tỉnh mạnh thì trung ương mới mạnh”.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh ngày 18.12. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Làm việc với lãnh đạo tỉnh có vị trí quan trọng ở vùng duyên hải phía Đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào chiều tối nay (18.12), Thủ tướng nêu rõ, phát triển Trà Vinh trở thành một địa phương mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh, an toàn về xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước.
Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tỉnh về các công trình, dự án phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn với tinh thần bảo đảo không để người dân thiếu nước ngọt cũng như các công trình, dự án giao thông, lĩnh vực quan trọng đối với tỉnh vùng ĐBSCL.
Thủ tướng nhất trí hỗ trợ một khoản từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương đầu tư cấp bách 2 dự án Kè chống sạt lở khu vực thị trấn Cầu Kè và đê bao chống lũ, triều cường ven sông Hậu.
Theo tỉnh Trà Vinh, đối với khu vực thị trấn Cầu Kè, hiện nay bờ sông đang bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tài sản nhà cửa và đời sống của hơn 2.000 hộ dân sinh sống trong khu vực, cần xử lý cấp bách. Ven sông Hậu qua địa bàn các huyện Trà Cú, Tiểu Cần và Cầu Kè, vùng tập trung sản xuất cây ăn trái, nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh với hơn 5.000 ha, thường xuyên bị ngập úng khi triều cường hoặc lũ thượng nguồn đổ về, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Về hỗ trợ tỉnh 5 công trình phục vụ cho việc phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, các địa phương rà soát phương án quy hoạch thủy lợi và phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL phù hợp với diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để làm cơ sở đưa vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; trên cơ sở đó có kế hoạch đầu tư cụ thể để từng bước bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, dài hạn và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả.
Trước kiến nghị của tỉnh về cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 60 đoạn qua địa bàn tỉnh Trà Vinh, Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành cần quan tâm vấn đề giao thông đối với các tỉnh vùng ĐBSCL. Thủ tướng đồng ý, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương tìm nguồn lực đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày 17.12. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trước đó, làm việc với lãnh đạo Thừa Thiên-Huế (17.12), Thủ tướng nêu rõ, mấu chốt đối với tỉnh vùng Bắc Trung Bộ này là thể chế Nghị quyết 54/NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển Thừa Thiên-Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, đi liền với đó là xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương cố gắng gỡ các vướng mắc gây ra sự chậm trễ do thể chế, chính sách lạc hậu. Cần đề xuất cơ chế đặc thù để phát triển vùng đất có nhiều di sản thế giới hài hòa với thiên nhiên. Trong đó, kinh tế đô thị là một hướng đi quan trọng đối với Thừa Thiên-Huế.
Một nhiệm vụ trọng tâm nữa mà Thủ tướng nhấn mạnh là tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khu di tích kinh thành Huế, tạo không gian, quỹ đất để bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị vật thể, phi vật thể cố đô Huế. Hướng tới xây dựng Huế trở thành thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á.
Thủ tướng cơ bản nhất trí với các kiến nghị của Thừa Thiên-Huế nhằm giúp tỉnh gỡ các ách tắc trong phát triển.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt các nội dung đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế, đề án xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên-Huế. Văn phòng Chính phủ đôn đốc, tổng hợp, đăng ký kế hoạch trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua các đề án trên.
Liên quan đến Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, Thủ tướng đồng ý Thừa Thiên-Huế tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án và trùng tu, tôn tạo một số di tích xuống cấp nghiêm trọng từ nguồn vố hỗ trợ ngân sách Trung ương, trong đó cấp ngay một khoản kinh phí từ dự phòng ngân sách Trung ương để bảo tồn, tu bổ, phục hồi khẩn cấp 2 công trình di tích có nguy cơ cao là Điện Thái Hòa và Thái Miếu.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngày 16.12. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Làm việc với lãnh đạo Thái Bình (16.12), tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng có dân số 2 triệu người, Thủ tướng cho rằng, tỉnh có khát vọng đóng góp cho đất nước hùng cường rất rõ nét.
Thời gian tới, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ đối với “quê lúa”, Thái Bình cần tiếp tục chú trọng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Không thể chỉ có làm nông nghiệp, một hướng đi nữa là cần tập trung đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành một động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khá của Đồng bằng sông Hồng, “khí thế vươn lên của các tỉnh trong vùng rất cao, nếu không phấn đấu thì Thái Bình sẽ tụt hậu”.
Đối với các nội dung Thái Bình kiến nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép kết nối hệ thống giao thông theo đề xuất của tỉnh; các bộ, ngành liên quan phối hợp với tỉnh Thái Bình thực hiện công tác quy hoạch, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối.
Thủ tướng bày tỏ ủng hộ kiến nghị của tỉnh liên quan đến Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Thái Bình.
Thủ tướng đồng ý và sẽ chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu và hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng xem xét sớm phê duyệt thành lập các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình, giúp tỉnh có căn cứ đầu tư và thu hút đầu tư. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh kiến nghị thành lập 4 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình với tổng diện tích khoảng 2.000 ha.
Theo báo cáo của tỉnh Thái Bình, hiện nay, tỉnh đang triển khai lập quy hoạch phân khu chức năng để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư; đồng thời triển khai một số dự án trọng điểm trong Khu kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp một số khó khăn vướng mắc như Dự án không phù hợp hoặc xung đột giữa hiện trạng với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế, dẫn tới việc khó khăn khi triển khai thực hiện dự án.
Tỉnh kiến nghị điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình.
Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho tỉnh, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, giao UBND tỉnh Thái Bình lập Hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, gửi Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc bổ sung Khu bến cảng Ba Lạt, huyện Tiền Hải (thuộc Khu kinh tế Thái Bình) vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải cần sớm trình Thủ tướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về kiến nghị tỉnh Thái Bình chủ trì, phối hợp với các địa phương có liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận nghệ thuật hát Chèo là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Thủ tướng đồng ý tỉnh chủ trì, Bộ VHTT&DL hướng dẫn tỉnh Thái Bình về trình tự thủ tục, hoàn thiện hồ sơ và trình duyệt theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.