Tại Thông báo số 29/TB-VPCP vừa ban hành ngày 15.2, Thủ tướng đã có chỉ đạo để giải quyết vấn đề vật liệu thi công cao tốc, trong đó có chỉ đạo về đánh giá việc sử dụng cát biển cho đường bộ cao tốc.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đánh giá việc sử dụng cát biển cho đường bộ cao tốc

H.Đ | 16/02/2023, 07:39

Tại Thông báo số 29/TB-VPCP vừa ban hành ngày 15.2, Thủ tướng đã có chỉ đạo để giải quyết vấn đề vật liệu thi công cao tốc, trong đó có chỉ đạo về đánh giá việc sử dụng cát biển cho đường bộ cao tốc.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu (chủ động rà soát các mỏ vật liệu đã cấp, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục đối với mỏ cấp sai), xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng găm giá, liên kết với nhau để nâng giá làm ảnh hưởng thi công dự án.

Đối với các dự án đường cao tốc, trong đó có Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giao ban định kỳ với các địa phương, Ban quản lý dự án để kiểm điểm tiến độ, kịp thời xử lý vướng mắc, phát sinh liên quan đến giải phóng mặt bằng và triển khai thi công dự án.

Bộ GTVT cũng được giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác đánh giá việc sử dụng cát biển cho đường bộ cao tốc. Lưu ý phải làm nhanh nhưng bảo đảm tính khoa học và an toàn môi trường.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương có dự án đi qua thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu (chủ động rà soát các mỏ vật liệu đã cấp, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục đối với mỏ cấp sai), xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng găm giá, liên kết với nhau để nâng giá làm ảnh hưởng thi công dự án. Chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng theo quy định.

"Riêng UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cần rà soát, nâng công suất các mỏ cát phục vụ trực tiếp xây dựng các tuyến đường cao tốc khu vực ĐBSCL đáp ứng đủ về khối lượng, tiến độ và hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục mở mỏ cát mới", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT phải khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải bảo đảm nhà thầu có thể khai thác được ngay vật liệu xây dựng phục vụ thi công; chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các địa phương có liên quan rà soát, điều phối cát đắp cho các dự án đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN-MT đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu "đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, phục vụ nhu cầu san lấp tại các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL.

"Riêng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Bộ TN-MT có trách nhiệm hướng dẫn việc gia hạn thời gian khai thác các mỏ đất cấp cho các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, hoàn thành trong tháng 2.2023", kết luận nêu rõ.

Tại Hội nghị về triển khai nhiệm vụ năm 2023 về tình hình nghiên cứu cát biển làm vật liệu đắp cho các dự án cao tốc vùng ĐBSCL hồi tháng 1, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên cho biết, theo báo cáo, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL (khởi công trong giai đoạn 2022 - 2025) trong năm 2023 cần khoảng 17 triệu m3, đến năm 2024 - 2025 cần thêm khoảng 23 triệu m3.

Đó là chưa kể nhu cầu cát làm vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương khu vực ĐBSCL đến năm 2030 lên tới hàng trăm triệu m3. Trong khi đó, nguồn cát từ khai thác cát lòng sông chỉ đáp ứng được khoảng 50% trữ lượng.

Trước thực tế trên, Thủ tướng sớm đã có chỉ đạo cho các Bộ ngành liên quan về chuẩn bị nguồn vật liệu đắp nền (cát, đất…) cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL. Về phần mình, Bộ TN-MT đã lập dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL" để đánh giá tài nguyên cát biển.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết: "Bộ TN-MT cam kết sẽ có kết quả giai đoạn 1 trong tháng 8.2023 và báo cáo toàn bộ tài nguyên trữ lượng tại khu vực trong tháng 12.2023", đồng thời, ông Kiên thông tin: "Dự kiến, cuối năm 2023, chúng tôi có thể công bố kết quả việc sử dụng cát biển có đáp ứng, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, an toàn môi trường xung quanh trong sử dụng đắp nền thi công cao tốc".

Bộ GTVT cũng đã chấp thuận triển khai nghiên cứu, đánh giá thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025.

Vị trí được lựa chọn thí điểm là đường hoàn trả ĐT.978, chiều dài của đường là 986m tại Km79+820 tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau với nguồn cát biển được lấy từ Trà Vinh. Dự kiến thời gian thí điểm là khoảng 12 tháng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đánh giá việc sử dụng cát biển cho đường bộ cao tốc