Các doanh nghiệp (DN) ngành đồ uống cho rằng việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) liên tục với mức thuế lên đến 90 - 100% thực sự là cú sốc, và họ không nhìn thấy triển vọng phục hồi sáng sủa trong những năm tới.
Thị trường và chính sách

Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng nhanh và mạnh: Cần đánh giá kỹ tác động!

Lam Thanh 09/08/2024 09:51

Các doanh nghiệp (DN) ngành đồ uống cho rằng việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) liên tục với mức thuế lên đến 90 - 100% thực sự là cú sốc, và họ không nhìn thấy triển vọng phục hồi sáng sủa trong những năm tới.

Doanh nghiệp ngành đồ uống lo lắng

Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) điều chỉnh tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hằng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Ban soạn thảo đề xuất 2 phương án tăng thuế suất TTĐB với mặt hàng bia, rượu.

Với phương án 1: năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025. Còn phương án 2: năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025.

Bộ Tài chính nghiêng về phương án thứ 2.

Đáng chú ý, trong vòng 4 năm tiếp theo, trong cả hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất tăng 5%/năm liên tiếp khiến giá bán sẽ tăng 2 - 3% so với năm trước. Đến năm 2030, thuế suất TTĐB với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90 - 100% (cao hơn hiện hành 25 - 35%) rượu dưới 20 độ lên mức 60 - 70% (cao hơn hiện hành (25 - 35%).

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng báo cáo đánh giá tác động của ban soạn thảo mới chỉ đề cập tới con số tăng thu ngân sách, chưa có các đánh giá định lượng mức độ ảnh hưởng cụ thể như: DN giảm sản lượng, doanh thu bao nhiêu, ảnh hưởng tới lao động, an sinh xã hội như thế nào, tác động tới các ngành hàng liên quan trong chuỗi cung ứng, dịch vụ ra sao?

00-viet-1.jpeg
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA)

"Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Nhà nước về tăng thuế, tuy nhiên, 2 phương án ban soạn thảo đưa cần được xem xét, đánh giá cẩn trọng và có lộ trình; xem xét lùi thời điểm áp dụng, giãn tiến độ và giảm mức tăng thuế suất đối với ngành rượu, bia trên cơ sở đánh giá toàn diện các tác động trong điều kiện thực tế ở Việt Nam”, ông Việt nói.

Đối với mặt hàng nước giải khát có đường, ông Việt cho rằng hiện nay còn rất nhiều tranh luận về các bằng chứng khoa học liên quan tới đối tượng áp dụng, nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì, bệnh không lây nhiễm... Do đó, VBA kiến nghị xem xét chưa bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc SABECO, cho rằng việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế rất nhanh và trong thời gian ngắn khiến các DN trong ngành đồ uống nói chung rất lo lắng.

Theo ông, "hậu" COVID-19 với nhiều khó khăn, DN lại đối mặt với biến động của kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức mua suy giảm mạnh. Thêm vào đó, việc kiểm tra gắt gao nồng độ cồn thực hiện Nghị định 100 khiến tiêu dùng giảm mạnh, thậm chí thay đổi thói quen của người Việt về sử dụng đồ uống có cồn.

"Do đó, việc đề xuất tăng thuế liên tục trong những năm tiếp theo đến năm 2030 với mức thuế lên đến 90 -100% thực sự là cú sốc. DN không nhìn thấy triển vọng phục hồi sáng sủa trong những năm tới. Điều này có thể khiến DN, đặc biệt là các DN nhỏ phải đóng cửa", ông Giang nhấn mạnh.

00-viet-2.jpeg
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc SABECO

Bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Quan hệ đối ngoại cấp cao của HEINEKEN Việt Nam cho biết, để đạt được mục tiêu về thuế, bảo vệ sức khoẻ người dùng và ổn định phát triển kinh tế, thì Việt Nam cần một bộ giải pháp tổng thể như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng các sản phẩm có cồn thông qua các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức...

“Tăng thuế TTĐB với các sản phẩm có cồn phải theo một lộ trình và mức tăng vừa phải, giãn giảm để các doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao đặc biệt là chi phí logistics do các mâu thuẫn địa chính trị trên toàn cầu. Việc thay đổi hành vi phải đúng hướng, dần dần, chứ không phải chuyển đổi sang tiêu thụ các sản phẩm không có nguồn gốc...”, bà Ánh nêu.

Cần đánh giá tác động toàn diện

Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng mức thuế TTĐB cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng, nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân cũng như các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát; đảm bảo sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB.

“Trong điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước COVID-1919 và đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng, cần xác định mức thuế suất tạm thời để theo dõi mức độ đạt được kết quả phù hợp mục tiêu và các yếu tố liên quan”, ông Việt gợi ý.

00-viet-4.jpg
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Theo đó, ông Việt đề nghị nếu chưa rõ mọi tác động tổng thể toàn diện thì chỉ tăng thuế một lần vào 2026 rồi giãn cách 2 - 3 năm để có thời gian xem xét các mục tiêu lẫn tác động khác nhau. Ông đề xuất 1 mức giữa phương án 1 hoặc cao hơn chút của Bộ Tài chính là 5 - 7%. Sau năm 2028 có thể tăng thêm một mức thuế suất cụ thể theo kết quả đánh giá tác động của lần tăng thuế suất năm 2026.

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu, bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cần hướng đến chính sách thuế TTĐB hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể.

00-viet-3.jpeg
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA)

Theo bà Cúc, việc tăng thuế TTĐB cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế TTĐB đề ra. Việc tăng thuế có thể làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu, bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu, bia.

“Lý do là thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, đồ uống không rõ nguồn gốc, rượu dân tự nấu vì giá rẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, mục tiêu đảm bảo sức khỏe cộng đồng không đạt được mà lại thất thu thuế...”, bà Cúc nói.

Do đó, bà Cúc khuyến nghị cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ thêm tác động tăng thuế nhanh, cao theo dự luật đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng; xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng nhanh và mạnh: Cần đánh giá kỹ tác động!