Nhìn gương mặt rạng ngời sức sống, mạnh khỏe và tươi trẻ dù đã ở tuổi 45 của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh, chủ doanh nghiệp trà ô long Hà Linh ở Lâm Đồng, không ai nghĩ bà có thể chết tức tưởi và oan nghiệt khi đang đi đàm phán hợp đồng bán trà cho một đối tác ở Quảng Châu, Trung Quốc. 

Thương cho doanh nhân Việt

08/10/2015, 15:53

Nhìn gương mặt rạng ngời sức sống, mạnh khỏe và tươi trẻ dù đã ở tuổi 45 của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh, chủ doanh nghiệp trà ô long Hà Linh ở Lâm Đồng, không ai nghĩ bà có thể chết tức tưởi và oan nghiệt khi đang đi đàm phán hợp đồng bán trà cho một đối tác ở Quảng Châu, Trung Quốc. 

Bà chết, nghi do bị đầu độc và bị đánh đập rồi bị cướp toàn bộ tài sản. Cho đến ngày 26/9, bốn ngày sau khi tử vong trong bệnh viện, gia đình vẫn chưa thể nhận thi thể bà để đưa về nước lo hậu sự.
Công việc điều tra chưa rõ đã được phía nhà chức trách địa phương Trung Quốc tiến hành chưa và không biết đến bao giờ mới tìm ra thủ phạm sát hại bà. Cái chết của bà Hà Thúy Linh là một cái chết đau đớn khi người chủ doanh nghiệp có tiếng năng động và là Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Lâm Đồng này đang tìm cách mở rộng thị trường cho sản phẩm của công ty bà và cũng là một sản phẩm xuất khẩu cao cấp của tỉnh Lâm Đồng và của Việt Nam.
Trước đó, công ty cũng đã từng bị đối thủ cạnh tranh ở Đài Loan chơi xấu bằng cách vu cho trà ô long Hà Linh bị nhiễm dioxin khiến công ty bị thiệt hại hàng tỉ đồng, và bà Linh cũng đã phải một thân một mình lặn lội qua Đài Loan để giải quyết vụ việc, giúp cho hàng xuất khẩu được thông quan trở lại. Cần nói thêm là với vùng nguyên liệu 200 ha trà ô long ở Xuân Trường - Cầu Đất, Đà Lạt, công ty đã mang lại việc làm cho nhiều nông dân ở địa phương và góp phần đưa Lâm Đồng trở thành một cái tên tầm cỡ trên bản đồ sản xuất trà ô long của các nước và lãnh thổ Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan.
Cái chết của bà Linh nhắc chúng ta rằng kinh doanh không hề là một công việc dễ dàng, không bao giờ thiếu rủi ro - không chỉ cho đồng tiền bỏ ra đầu tư mà có khi, như trường hợp bà Linh, cho cả tính mạng khi gặp phải đối tác gian manh, môi trường cạnh tranh không lành mạnh, độ tin cậy về mặt luật pháp kém. Nó cũng nhắc chúng ta biết trân trọng những doanh nhân thực sự tâm huyết với sự nghiệp, với sự giàu mạnh của đất nước, với cuộc sống của người lao động và gia đình họ.
***
Trong khi trân trọng những doanh nhân tâm huyết như vậy thì chúng ta lại thấy buồn cho những doanh nghiệp và cấp chính quyền bắt tay nhau để tạo độc quyền, loại bỏ cạnh tranh bình đẳng, ép người tiêu dùng chỉ được tiêu thụ sản phẩm của một doanh nghiệp “con cưng”. Đó là trường hợp của doanh nghiệp bia Sài Gòn Hà Tĩnh, với sự tiếp tay của chính quyền tỉnh Hà Tĩnh. Gửi công văn khẩn mời dự lễ hội bia Sài Gòn, kiểm điểm cán bộ Sở Giáo dục liên hoan mà không uống bia Sài Gòn, bắt các hộ kinh doanh ký cam kết chỉ bán bia Sài Gòn chỉ là một số trong những việc làm khó thể tưởng tượng nổi của chính quyền Hà Tĩnh trong thời buổi kinh tế thị trường, cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện nay.
Thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ, sản phẩm của địa phương nào tiêu thụ ở địa phương đó cũng đã xa hơn 30 năm. Ấy vậy mà không biết nên khóc hay cười trước những chủ trương của Hà Tĩnh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ bia Sài Gòn mà các báo đã đưa, như VnExpress: “Hà Tĩnh đẩy mạnh tiêu thụ bia (Sài Gòn) đến từng người dân” (!); Infonet.vn: “Hà Tĩnh: Đến văn nghệ cũng phải hát “Bia Sài Gòn”(!); Tuổi Trẻ: “Chỉ kinh doanh bia Sài Gòn, bày bia khác sẽ bị xử phạt”.
Trong bộ máy chính quyền Hà Tĩnh hẳn không thiếu những tiến sĩ, thạc sĩ, những người tốt nghiệp đại học kinh tế, thạc sĩ quản trị kinh doanh, vậy mà không hiểu sao họ lại tư duy, hành xử như thời ngăn sông cấm chợ. Còn doanh nghiệp thì không nghĩ đến phương thức cạnh tranh nào khác hơn là cậy đến quyền lực nhà nước, là đi cửa sau nhằm tạo thế độc quyền trên thương trường.
***
Buồn cho cung cách kinh doanh của bia Sài Gòn và cách hành xử của chính quyền Hà Tĩnh bao nhiêu, chúng ta càng cảm phục, trân trọng bấy nhiêu đối với những doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân Việt như bà chủ doanh nghiệp lớn tuổi kẹo dừa Bến Tre năm nào đã không chịu “ăn quẩn cối xay” ở nhà mà đơn thương độc mã đi mở thị trường nước ngoài, đã chiến đấu, đã thắng trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ thương hiệu của mình, và cũng có phen phải hy sinh cả tính mạng như nữ doanh nhân Hà Thúy Linh vừa qua.
Đất nước phải biết ơn họ, vì thiếu những doanh nhân giỏi giang và có tấm lòng, đất nước không thể giàu lên được. Còn những quan chức thường xuyên gây khó dễ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, bắt tay với những doanh nghiệp sân sau, cần phải cảm thấy xấu hổ.
Đoàn Khắc Xuyên / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương cho doanh nhân Việt