Samuel Colt (1814-1862) là người đầu tiên chế ra súng lục ổ xoay, ông nổi tiếng đến mức người ta gọi tất cả súng ngắn là súng Colt và trở thành biểu tượng của súng ống.
Có người bảo nước Mỹ tự do, nhưng nước Mỹ không bình đẳng, nên mới có câu cách ngôn nói trên. Súng đạn “bổ khuyết” cho sự bất bình đẳng trong xã hội. Bất kể anh là ai, anh có súng, tôi có súng, tôi với anh bình đẳng. Bởi vậy mà cứ 10 người Mỹ thì có tới 9 khẩu súng, bất chấp mỗi năm có hơn 30 ngàn người Mỹ chết do người này dùng súng bắn người khác, dùng súng bắn nhau hay tự bắn vào mình.
Đối với người Mỹ, súng không chỉ để tự vệ. Súng là tài sản, là quà tặng, là trò chơi, là sức mạnh đàn ông, là bản lĩnh đàn bà, là mốt, là sành điệu, là triết lý, là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm.
“Văn hoá súng ống” của nước Mỹ có nguồn gốc lịch sử của nó. Từ thời Nội chiến (Civil War, 1861-1865) đã từng có một slogan nổi tiếng: “Abe Lincoln may have freed all men, but Sam Colt made them equal” ("Abe Lincoln giải phóng mọi người, nhưng Sam Colt mới đem lại bình đẳng”).
Do đặc điểm thời kỳ đầu dựng nước, người dân Mỹ phải đấu tranh khốc liệt để sinh tồn, nên các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã coi việc được dùng súng là quyền cơ bản của con người, chỉ đứng sau quyền tự do ngôn luận. Tu chính án thứ 2 Hiến pháp Mỹ (Second Amendment) ghi rõ: “Xét thấy lực lượng dự bị có tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí không bị vi phạm” (A well regulated Militia, being necessary to the security of a free State, the right of the people to keep and bear Arms, shall not be infringed). Tu chính án này cùng với 9 Tu chính án khác trong Tuyên ngôn nhân quyền được phê chuẩn năm 1791, Tuyên ngôn nhân quyền là 10 Tu chính án được phê chuẩn đầu tiên trong 27 Tu chính án của Hiến pháp Mỹ.
Hơn 200 năm qua, hầu như ngày nào nước Mỹ cũng có nhiều cái chết do súng ống vô tình hay hữu ý. Cứ mỗi lần có sự cố súng đạn dẫn đến cái chết thương tâm gây chấn động, chính trường và dân chúng Mỹ lại diễn ra tranh cãi. Nhưng tiếng nói của những người chống súng quá ít ỏi so với đông đảo những người ủng hộ súng.
Năm 1981, sau khi Tổng thống Reagan bị bắn trọng thương, những người chống súng đã nỗ lực vận động đưa ra một dự luật ngăn chặn bớt súng đạn với một số hạn chế như: cấm bán cho dân một số loại vũ khí tấn công của quân đội, quy định người mua súng phải đợi 5 ngày, đặt ra một số lệ phí và giấy phép sử dụng súng… Tuy chỉ có một số điều khoản “gãi ngứa” như vậy nhưng dự luật đã bị "ngâm" rất nhiều năm, mãi đến năm 1994 mới được Quốc Hội thông qua và Tổng thống Clinton phê chuẩn, sau khi những người chống súng và những người ủng hộ súng đạt được một thỏa hiệp cho đạo luật có giá trị chỉ trong 10 năm. Nhưng do vận động hành lang quyết liệt để làm vô hiệu hóa đạo luật này, nên năm 1998, điều khoản “đợi 5 ngày” cũng bị bãi bỏ. Và đến năm 2004, mặc dù đã hứa hẹn từ trước rằng sẽ xin gia hạn đạo luật này, nhưng Tổng thống Bush đã phớt lờ luôn để cho đạo luật tự động chấm dứt hiệu lực.
Một trong những sự kiện bi thảm trước đây là vụ Cho Seung Hui dùng súng bắn chết một lúc 32 sinh viên trường Đại học Virgina Tech ngày 16.4.2007 gây chấn động nước Mỹ. Tiếng nói đòi hạn chế súng lại vang lên, nhưng không ăn thua.
Trong những cuộc tranh cãi về quyền có súng ghi trong Tu chính án thứ 2, có hai cách giải thích. Phe chống tự do súng ống nói: “Nó chỉ cho phép các bang được duy trì quân đội riêng”. Còn phe ủng hộ súng thì bảo: “Nó cho phép các công dân bình thường được sở hữu và dùng súng”. Phải thừa nhận rằng, căn cứ toàn văn ngắn gọn của Tu chính án này thì cách giải thích của phe ủng hộ súng là đúng.
Ngày 26.6.2008, Tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã phán quyết bãi bỏ luật hạn chế dùng súng tại Washington DC. Tòa bác bỏ lý lẽ cho rằng quyền sở hữu và sử dụng súng chỉ dành cho việc phục vụ quân đội và tuyên bố đó là quyền của công dân theo Hiến pháp. Cả hai ứng cử viên Tổng thống McCain và Obama đều ủng hộ phán quyết của tòa.
Cũng như phần lớn các Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tỏ rõ quan điểm chống lại các nỗ lực hạn chế súng đạn. Sau vụ xả súng khiến 17 người chết tại một trường trung học ở Parkland, Florida mới đây, Tổng thống Trump vừa có thái độ nước đôi. Một mặt, ông ủng hộ việc cấm các thiết bị chuyển đổi súng bán tự động sang tự động, ủng hộ việc cải thiện các biện pháp kiểm soát lý lịch người mua súng, Nhà trắng còn đưa ra tín hiệu sẽ xem xét việc mở rộng luật giới hạn độ tuổi mua súng trường tấn công AR-15, nhưng mặt khác ông Trump ủng hộ việc trang bị súng ống cho giáo viên và nhân viên nhà trường “để có thể sớm chấm dứt các cuộc xả súng”. Thái độ nước đôi đó có thể xoa dịu chút ít sự bức xúc của những người muốn kiểm soát súng mà không làm phật lòng những người mê súng.
Có thể nói cuộc chiến chống lại súng ống ở nước Mỹ là không khả thi. Có 3 lý do :
Thứ nhất, đa số người Mỹ ủng hộ việc sở hữu súng ống. Không có ứng cử viên nào dám công khai chống súng nếu không muốn chuốc lấy thất bại trên chính trường. Đó là chưa nói đa số các chính khách Mỹ đều mê súng.
Thứ hai, Hội súng của Mỹ (NRA) với hơn 5 triệu hội viên, đứng sau nó là những tay lái súng cá mập, là một tổ chức kinh khủng. Nó có đủ tài chính và thực lực lobby để triệt hạ bất cứ một dự luật hoặc bất cứ mưu đồ nào làm tổn thất đến lợi ích của ngành công nghiệp súng ống khét tiếng của nước Mỹ.
Thứ ba, muốn chống súng hữu hiệu, nhất thiết phải bãi bỏ Tu chính án số 2 trong Hiến pháp. Nhưng đây là nhiệm vụ bất khả.
Bởi lẽ theo Điều 5 của Hiến pháp Hoa kỳ, phải có đủ 2/3 số thành viên của Hạ viện và Thượng viện xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan lập pháp ở 2/3 các bang thì Quốc Hội mới được đưa ra những điều sửa đổi đối với Hiến pháp và triệu tập Đại hội để đề xuất những sửa đổi này. Điều này không bao giờ có thể xảy ra đối với Tu chính án thứ 2, vì NRA đủ sức chi phối các nghị sĩ, vả lại đa số họ vốn mê súng, nếu không mê họ cũng không dám chống lại những cử tri mê súng của mình, thì lấy đâu ra 2/3? Chưa hết, sau đó nó còn phải được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp của 3/4 các bang hoặc Đại hội của 3/4 các bang theo một thể thức vô cùng rối rắm.
Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã đưa ra những thủ tục quá khó khăn như vậy nhằm bảo vệ sự trường tồn của Hiến pháp. Trong hơn 200 năm tồn tại của Hiến pháp Hoa Kỳ, đã có hơn 9.000 điều bổ sung Hiến pháp được đệ trình, nhưng mới chỉ có 33 điều được đưa ra xem xét và chỉ có 27 điều được phê chuẩn. Riêng Tu chính án thứ 27 được phê chuẩn sau… 202 năm, kể từ khi nó được đề xuất.
Cái Tu chính án thứ 27 đó chỉ vỏn vẹn có một câu như thế này: “Trước cuộc bầu cử hạ nghị sĩ, không một điều luật nào nhằm thay đổi các khoản trợ cấp cho công việc của thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ có hiệu lực”. Điều này được hiểu rằng Quốc Hội không được bỏ phiếu tăng lương cho chính mình, nếu các ông bà có bỏ phiếu tăng lương cho các nghị sĩ thì các nghị sĩ nhiệm kỳ sau mới được hưởng, còn các ông bà thì không được. Kể từ khi James Madison đề xuất điều bổ sung này và Quốc Hội thông qua ngày 25.9.1789, mãi hơn 200 năm vẫn chưa có đủ số bang phê chuẩn. Cho đến khi dư luận chỉ trích gay gắt tình trạng Quốc Hội tăng lương cho chính mình, khiến cho bang Michigan không im lặng được phải phê chuẩn vào ngày 7.5.1992, khi đó mới đủ số bang phê chuẩn, Tu chính án mới có hiệu lực. Một chút lợi nhỏ như vậy thôi mà hơn 200 năm mới chịu từ bỏ, huống hồ là những cái lợi lớn do các lái súng đem lại!
Nền dân chủ nào cũng có khiếm khuyết. Người Mỹ chấp nhận sống hòa bình với sự khiếm khuyết đó, và họ vẫn hát mãi bài ca “God made man, but Mr. Colt made them equal”.
Hoàng Hải Vân