Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng không thể có chuyện doanh nghiệp phát hành trái phiếu, huy động tiền người dân rồi muốn sử dụng ra sao thì sử dụng. Tất cả phải thực hiện trên cơ sở trung thực, rõ ràng, đúng mục đích và tuân thủ pháp luật.
Trái phiếu là công cụ rất hữu hiệu của doanh nghiệp khi muốn huy động nguồn vốn từ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp đã bị khởi tố vì lợi dụng phương thức huy động vốn bằng trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư.
Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, vì sao các doanh nghiệp như Tân Hoàng Minh, Tập đoàn An Đông phát hành trái phiếu lại bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Theo khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Cụ thể, trái phiếu là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của công ty phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định. Vì thế đây là công cụ rất hữu hiệu của doanh nghiệp khi muốn huy động nguồn vốn từ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp đã lợi dụng phương thức huy động vốn bằng trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư. Điển hình là vụ việc công ty Tân Hoàng Minh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan hành vi phát hành trái phiếu.
Tại sao những công ty như Tân Hoàng Minh, Tập đoàn An Đông lại bị khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”? Đây có lẽ là thắc mắc của nhiều người, liệu rằng có hình sự hóa mối quan hệ dân sự hay không?
Về hình thức giao dịch, việc mua trái phiếu giữa doanh nghiệp và người mua trái phiếu được thực hiện hoàn toàn tự nguyện. Nội dung ghi nhận rất rõ ràng về việc mua bán, kỳ hạn hoàn trả tiền, được bảo lãnh tài sản hoặc bên thứ 3 hoàn trả tiền (ngân hàng/tổ chức tài chính).
Nếu nhìn vào sự thỏa thuận như trên rõ ràng nhiều người cùng chung suy nghĩ đó là giao dịch dân sự. Tuy nhiên, về cơ bản lừa đảo là hành vi dùng thủ đoạn gian dối, thông tin, tài liệu giả để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Vậy theo ông, các doanh nghiệp trên gian dối ở những khâu nào?
Khi doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn, trong hồ sơ có đưa ra đề án kinh doanh rất cụ thể, kế hoạch trả nợ, tài sản đảm bảo, bên bảo lãnh thanh toán.
Người mua trái phiếu cũng vì tin tưởng thông tin, tài liệu, cam kết trên của doanh nghiệp mới mua trái phiếu. Nói cách khác nhà đầu tư mua trái phiếu vì tin tưởng rằng số tiền của mình được đầu tư vào đúng dự án như đã cam kết, tính thanh khoản được đảm bảo.
Nếu như số tiền mua trái phiếu được thực hiện đúng như cam kết thì vụ việc cũng chỉ là dân sự. Tuy nhiên, dấu hiệu gian dối thể hiện ở việc đề án kinh doanh không chính xác, các thông tin, cam kết đưa ra chỉ là hứa hẹn và không có.
Ngay từ đầu, phía doanh nghiệp tự dựng hồ sơ lên để hợp thức hóa việc huy động vốn, tạo lòng tin cho người mua. Bằng mọi cách khiến cho nhà đầu tư tin tưởng và mua trái phiếu. Ngay từ thời điểm huy động này thì tội phạm lừa đảo đã hoàn thành, đủ căn cứ để khởi tố hình sự.
Dấu hiệu nữa chứng minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đó là phía doanh nghiệp sau khi chiếm đoạt được tiền thì sử dụng vào mục đích khác như trả nợ hoặc sử dụng trái với mục đích ban đầu dẫn đến việc nợ, mất khả năng thanh toán, gây thất thoát, thiệt hại cho nhà đầu tư.
Rất nhiều doanh nghiệp với suy nghĩ rằng tiền đã vào tài khoản công ty thì việc làm gì, như thế nào là quyền của họ, miễn là họ trả nợ như đã cam kết. Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng phát hành trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp khi muốn phát hành trái phiếu, không còn chuyện thích vẽ vời về dự án, phương án kinh doanh ra sao cũng được để huy động tiền người dân, xong rồi muốn sử dụng dụng ra sao thì sử dụng. Tất cả phải thực hiện trên cơ sở trung thực, rõ ràng, đúng mục đích và tuân thủ pháp luật.
Nhiều ý kiến băn khoăn liệu có hình sự hóa mối quan hệ dân sự trong những vụ án như thế này, ông nghĩ sao về điều này?
Dưới góc độ nghiên cứu pháp luật, tôi nghĩ không có chuyện hình sự hóa mối quan hệ dân sự trong vụ án như thế này. Đây là những vụ án mà hành vi, thủ đoạn hết sức tinh vi, thực hiện trên quy mô lớn, số tiền chiếm đoạt rất lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không xử lý nghiêm những vụ việc như thế này thì nguy cơ sẽ còn rất nhiều vụ việc tương tự mà hậu quả rất khó lường.
Vì thế, cần nhận diện và làm rõ hơn hành vi lừa đảo của các doanh nghiệp dưới hình thức phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, các quy định luật pháp liên quan đến lĩnh vực này cũng tương đối đầy đủ, nhưng các doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm vì thiếu giám sát. Để thị trường trái phiếu lành mạnh, trở thành một nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế thì cần thiết phải xử lý nghiêm những vi phạm.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời phải công khai minh bạch về tài chính cũng như có các tài sản làm đảm bảo chắc chắn.
Ngoài ra, cần có tổ chức thị trường riêng OTC (thị trường phi tập trung) cho trái phiếu doanh nghiệp, giống như ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Theo đó, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không công khai tài chính thì phải ở trên thị trường OTC. Lúc này, nhà đầu tư lựa chọn mua trái phiếu của doanh nghiệp họ đã biết rủi ro và xác định tâm lý “được ăn cả, ngã về không”.
Các nhà đầu tư cần phải hiểu biết mình là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)