Dường như chủ đầu tư thích xử lý vi phạm của nhà thầu Trung Quốc sau khi nó xảy ra hơn là tìm ra biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn trước hành vi của họ. Cách làm này chẳng khác nào tạo điều kiện cho nhà thầu Trung Quốc tiếp tục thực hiện hành vi gian dối của họ.
Khi chủ đầu tư chỉ thích xử phạt
Ngày 23.7.2016, ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, đơn vị này phát hiện ra nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) đã đổ, san gạt đất đắp nền đường có lẫn nhiều rễ cây, đá cục, đá vụn và hàm lượng hữu cơ cao tại gói thầu A3. Vật liệu này chỉ cần nhìn bằng mắt thường đã nhận thấy không đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, chủ đầu tư buộc nhà thầu Giang Tô phải lập tức dừng thi công tại những vị trí trên, cho đến khi loại bỏ và thay thế vật liệu đạt chuẩn.
Theo đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), những biện pháp nói trên được áp dụng ở công trường là công việc thường xuyên, liên tục và thuộc trách nhiệm của Ban quản lý dự án và tư vấn giám sát, áp dụng đối với tất cả nhà thầu, trong tất cả gói thầu, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất và tiến độ của dự án.
Tuy nhiên, có thể thấy đó không phải là biện pháp ngăn chặn hữu hiệu hành vi làm ăn gian dối của nhà thầu Trung Quốc, mà ngược lại đã tạo động lực cho nhà thầu Trung Quốc tiếp tục thực hiện những hành vi đó. Dường như chủ đầu tư thích xử lý vi phạm của nhà thầu hơn là ngăn chặn trước hành vi của họ.
Bởi vì trong khi đại diện VEC cho rằng, chỉ bằng mắt thường đã nhận thấy vật liệu nền đường tại gói thầu A3 không đạt tiêu chuẩn, vậy mà nhà thầu Trung Quốc vẫn có thể tự do đổ đầy vật liệu không đạt chuẩn rồi san gạt, sau đó tư vấn giám sát mới phát hiện, xử lý, buộc dừng thi công.
Hành vi gian dối của nhà thầu Trung Quốc chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy, đã không được ngăn chặn ngay từ đầu.
Như vậy chẳng khác nào chủ đầu tư cứ để cho hành vi gian dối hoàn thành rồi mới xử phạt, càng khiến cho nhà thầu Trung Quốc không có lý do gì không tiếp tục... gian dối. Thực tế điều đó đã liên tiếp xảy ra, mà người viết bài này từng đề cập trong bài “Làm chậm tiến độ - cách phá hoại kinh tế khủng khiếp nhất của nhà thầu Trung Quốc” trên Một Thế Giới.
Còn phát biểu của VEC rằng việc áp dụng biện pháp dừng thi công do gian dối trên công trường là công việc thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất và đảm bảo tiến độ của dự án... là một nghịch lý, ngay cả với công trình thi công bình thường.
Chất lượng sản phẩm luôn tỷ lệ nghịch với thời gian hoàn tất sản phẩm - đó là nguyên lý cho bất kỳ nghiệp vụ kinh tế phát sinh nào và với thi công trên công trường thì nguyên lý ấy luôn ứng nghiệm.
Để giảm mức độ tỷ lệ nghịch giữa chất lượng công trình với tiến độ thi công phải ngăn chặn hành vi gian dối, nhằm giảm tới mức thấp nhất việc phải xử lý hành vi vi phạm. Đây là 1 việc làm tạo nên 3 hiệu ứng tốt cho dự án, cho công trình, đó là: Chất lượng tốt - Thời gian tốt - Giá cả tốt.
Biện pháp phòng vệ không ngăn chặn được hành vi gian dối
Thiệt hại từ những hành vi gian dối của các nhà thầu nước ngoài, trong đó đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc, trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đã trở thành vấn đề nhức nhối thời gian gần đây.
Chính phủ Việt Nam đã nhận diện sự nguy hại của vấn đề đối với đất nước, bao gồm cả sự bao che cho những hành vi ấy. Do vậy Chính phủ đã có biện pháp đối phó với tình trạng đó.
Theo ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, gói thầu A3 do nhà thầu Trung Quốc đang thi công được đánh giá là có tính chất đơn giản, nhà thầu nào cũng làm được. Tuy nhiên, do dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) cho nên việc tổ chức đấu thầu phải theo thông lệ quốc tế.
Ngoài tiêu chí về kỹ thuật còn yếu tố quan trọng nữa là tài chính. Những dự án xây đường cao tốc luôn đòi hỏi năng lực tài chính rất lớn mà thông thường các nhà thầu Việt Nam không thể đáp ứng được.
Mà theo lời ông Hưng thì điều quan trọng hơn cả là nhà thầu Trung Quốc bỏ giá rất rẻ, vì vậy dù tiêu chí giá rẻ có gây nhiều tranh cãi nhưng với một dự án quy mô lớn như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giá rẻ lại là yếu tố quan trọng nhất. Đó cũng là lý do nhà thầu Trung Quốc hay dễ dàng thắng thầu tại Việt Nam.
Như vậy, rõ ràng khó mà ngăn chặn, sàng lọc nhà thầu nước ngoài qua điều kiện dự thầu nếu chỉ chú trọng vào mức giá rẻ. Chúng ta chỉ còn cách tránh thiệt hại do nhà thầu nước ngoài làm ăn gian dối thông qua biện pháp quản lý khi triển khai dự án, gói thầu.
Tuy nhiên, những biện pháp mà Việt Nam đã và đang áp dụng cho thấy vẫn không đủ khả năng hoá giải nguy cơ, tức là ngăn chặn được các hành vi làm ăn gian dối của nhà thầu nước ngoài. Có thể đưa ra một ví dụ:
Thông tư số 14/2016/TT-BXD ngày 30.6.2016 của Bộ Xây dựng, hướng dẫn về cấp giấy phép và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam, hiệu lực từ ngày 15.8.2016, có Điều 12 quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc chủ dự án đối với nhà thầu nước ngoài. Trong đó, tại Khoản 3 và Khoản 4 của Điều 12 này có nhiều kẽ hở có thể khiến cho những người muốn làm hại đất nước dễ dàng thực hiện ý đồ:
Khoản 3: Xem xét khả năng cung cấp thiết bị thi công xây dựng trong nước trước khi thỏa thuận danh mục máy móc, thiết bị thi công của nhà thầu nước ngoài xin tạm nhập - tái xuất.
Khoản 4: Xem xét khả năng cung cấp lao động kỹ thuật tại Việt Nam trước khi thỏa thuận với nhà thầu nước ngoài về danh sách nhân sự người nước ngoài làm việc cho nhà thầu xin nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện các công việc thuộc hợp đồng của nhà thầu nước ngoài.
Kẽ hở của điều luật này nằm ở chỗ, đáng ra khả năng cung cấp thiết bị thi công xây dựng trong nước, khả năng cung cấp lao động kỹ thuật tại Việt Nam đến giai đoạn này (cấp giấy phép và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam) đã phải có số liệu, tài liệu phân tích số liệu để dùng làm căn cứ, chứ không phải lúc này mới đi xem xét.
Chủ đầu tư phải có 2 loại số liệu, tài liệu vừa nói ở trên trước khi quyết định mời thầu, mở thầu và duyệt thầu. Số liệu và tài liệu phân tích số liệu thể hiện việc có hay không, đủ hay thiếu kỹ thuật máy móc và kỹ thuật con người phải là cơ sở ngay từ khi mời thầu một dự án, công trình.
Khi quyết định cho dự án được triển khai, công trình được thi công thì chủ đầu tư, chủ dự án không phải mới bắt đầu xem xét khả năng cung cấp thiết bị và lao động kỹ thuật tại Việt Nam, mà phải thực hiện đối chiếu với những số liệu đã có từ khi mời thầu, mở thầu.
Nội dung trên cho thấy, chỉ cần chủ đầu tư và nhà thầu tuân thủ Khoản 3 và Khoản 4, Điều 12 của Thông tư 14/2016/TT-BXD cũng có thể khiến cho gói thầu hay công trình, dự án bị chậm khởi công, thi công và hoàn công; qua đó tạo điều kiện cho những hành động gian dối của nhà thầu và đơn vị thi công, khi thời hạn hoàn thành dự án trở thành mục tiêu quan trọng nhất, gây ra hậu quả dây chuyền là chất lượng không đảm bảo và phát sinh chi phí.
Bện pháp phòng vệ phù hợp là phải có cách ngăn chặn hiệu quả hành vi gian dối của các nhà thầu Trung Quốc
Tóm lại, nhà thầu nước ngoài, nhất là nhà thầu Trung Quốc chỉ có thể thực hiện được "ý đồ" gian dối của họ khi những biện pháp phòng vệ chưa đảm bảo an toàn, cùng với đó là thói quen thích xử lý hành vi gian dối sau khi xảy ra hơn là ngăn chặn trước hành vi gian dối của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát.
Rất nhiều tài sản của người dân và đất nước đang bị thất thoát hằng ngày, hàng giờ bởi hành vi gian dối của các nhà thầu như nhà thầu Trung Quốc, tình hình này sẽ không thể được ngăn chặn nếu không có giải pháp, phương pháp và biện pháp thích hợp.
Ngọc Việt