Đóng cửa hai trung tâm lớn ở TP HCM và Hà Nội, kinh doanh đi xuống, nhưng Pico vẫn là mục tiêu mà nhiều đại gia trong và ngoài nước "thèm muốn" nhờ sở hữu hệ thống siêu thị có vị trí đắc địa. Trong đó, nhiều khả năng một tỉ phú giàu nhất Thái Lan sẽ thâu tóm đại gia điện máy Pico
Từng nằm trong top 3 doanh nghiệp dẫn đầu ngành điện máy Việt Nam, nhưng 2 năm trở lại đây tình hình kinh doanh của Công ty Pico không mấy khả quan.
Đầu năm 2014, thị trường không khỏi bất ngờ khi siêu thị điện máy Pico ở quận Tân Bình, TP HCM tạm ngưng hoạt động để tái cấu trúc, và không lâu sau mặt bằng có vị trí đắc địa này đã được chuyển giao cho Lotte. Chưa dừng lại ở đây, Pico tiếp tục đóng cửa trụ sở ở số 35 Hai Bà Trưng (Hà Nội) sau hơn 6 năm kinh doanh. Cũng chính vì sự lao dốc này, trên thị trường đã xuất hiện những tin đồn về sự bán tháo thương hiệu của Pico với sự tham gia của bên mua gồm cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài.
Vài tuần trở lại đây giới kinh doanh điện máy liên tục bàn tán về thông tin Tập đoàn Central Group của tỷ phú Chirathivat, người giàu nhất Thái Lan đang thương thảo để thâu tóm hệ thống siêu thị điện máy Pico. Theo đó, đại gia Thái Lan có thể sẽ mua lại 49% cổ phần của Pico như từng mua Nguyễn Kim.
Một nguồn tin riêng cho biết, chính Nguyễn Kim cũng ngỏ ý muốn sở hữu Pico và đang lên phương án thực hiện một cách bài bản. Hiện hai bên đã thương thảo với nhau cả tháng nay và đưa ra nhiều phương án giao dịch, bởi một bên thì muốn mua trọn, phía bên kia lại chần chừ bán hết.
Cụ thể, Pico chỉ muốn bán 51% cổ phần cho Nguyễn Kim và mong hai bên hợp tác với thương hiệu Nguyễn Kim - Pico. Trong khi đó, Nguyễn Kim lại muốn chi phối toàn bộ hoạt động nên hai bên dù đàm phán với nhau liên tục vẫn chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Trước những thông tin trên, trao đổi với PV, đại diện Central Group không phủ nhận về thương vụ này nhưng cho biết chưa có bất cứ thông tin gì về vụ việc cũng như thỏa thuận chính thức. Còn về phía Nguyễn Kim, đơn vị này từ chối trả lời thông tin và cho rằng chưa có gì để tiết lộ.
Trong khi cả hai đại gia muốn sở hữu Pico không xác nhận về thương vụ mua bán, thì đại diện của Pico cho biết, từ vài năm trước, công ty này đã kỳ vọng có thể gặp một đối tác tốt để đàm phán hợp tác lâu dài giữa hai bên.
"Ý tưởng này được đặt ra từ vài năm trước. Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận thì có thể mất thêm nhiều thời gian hơn vì còn liên quan đến nhiều vấn đề, không thể trong ngày một ngày hai được", vị này cho biết.
Đại diện Pico cũng cho rằng, không nên đánh đồng việc một doanh nghiệp bán cổ phần với việc họ đang gặp khó khăn. Nên nhìn nhận việc mua bán ở góc độ là một bước tiến rất lớn đối với họ để có thể phát triển tốt hơn.
"Một nhà đầu tư có tiềm lực, đặc biệt là các đối tác nước ngoài sẽ không dại gì mua một doanh nghiệp nếu đơn vị đó nợ nần chồng chất hoặc không có tiềm năng, cơ hội phát triển", vị này lý giải.
Ngoài ra, Pico còn nhấn mạnh, nếu có việc bán cổ phần thì đây sẽ là tin vui cho họ. Đặc biệt hơn, nếu đối tác là doanh nghiệp nước ngoài, có dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, thì việc hợp tác mua một phần hay toàn bộ sẽ là bước tiến mới đáng mừng cho cả công ty lẫn người tiêu dùng.
Nhìn nhận về thương vụ trên, một chuyên gia đầu tư từng làm việc trong lĩnh vực điện máy đánh giá, mặc dù Pico gặp khó khăn trên thị trường nhưng thương hiệu cũng như giá trị tài sản mà công ty này nắm giữ có giá trị lớn, đặc biệt là những lô đất "vàng" đang sở hữu.
“Một khi doanh nghiệp gặp khó thì việc huy động vốn bằng cách bán một phần hoặc toàn bộ vốn chủ sở hữu, là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó, đơn vị muốn bán dường như có ý định chuyển đổi kinh doanh để theo đuổi hình thức khác thì đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư muốn sở hữu với mức giá thâu tóm hấp dẫn”, chuyên gia trên cho hay.
Ở một khía cạnh khác, ông cũng cho rằng, nhà đầu tư một khi đã thâu tóm Pico đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể đưa mô hình phát triển, còn không cũng dễ bị nhấn chìm khi thị trường điện máy ngày càng thách thức.
Thành lập từ tháng 7/2007 với số vốn đầu tư ban đầu 15 tỷ đồng, nhưng Pico nhanh chóng được giới đầu tư cũng như người tiêu dùng biết đến khi liên tục gia tăng chuỗi siêu thị điện máy. Thời gian đầu, doanh số của Pico liên tục tăng trưởng, có lúc công ty đạt mức doanh thu 3.000 tỷ đồng một năm. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, sức mua kém, cạnh tranh của thị trường khốc liệt khiến Pico phải giảm dần quy mô. Sau khi chi nhánh tại TP HCM được chuyển nhượng cho Lotte và đóng cửa siêu thị số 35 Hai Bà Trưng (Hà Nội), hiện tại Pico chỉ còn 6 siêu thị, nhưng đa phần nằm ở khu vực đắc địa của thủ đô Hà Nội.
Là một trong những ông lớn trong ngành bán lẻ châu Á, Central Group nổi tiếng với chuỗi trung tâm mua sắm mang tên Robinson. Đặt chân vào thị trường Việt Nam chưa đầy 2 năm nhưng đại gia này nhanh chóng mở 2 trung tâm bán lẻ ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM với tên gọi Robins có vốn đầu tư gần 10 triệu USD. Để đẩy mạnh hoạt động và đánh chiếm thị phần nhanh gọn, đầu 2015, Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group nhanh chóng mua 49% cổ phần tại công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, với hệ thống 21 siêu thị trên cả nước. Với ngân sách 460 triệu USD dành cho thị trường Đông Nam Á, Central Group được xem là sẽ còn thâu tóm nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ.
Không có nguồn vốn lớn mạnh như Central Group nhưng Nguyễn Kim cũng nổi đình nổi đám ở thị trường điện máy suốt 10 năm qua. Với nguồn lợi nhuận khổng lồ thu được ở thời kỳ đầu Nguyễn Kim đẩy mạnh đầu từ vào rất nhiều lĩnh vực trong đó có nông nghiệp, dược phẩm và du lịch.
Cứ ngỡ sẽ đem lại giá trị đầu tư lớn nhưng vài năm trở lại đây các mảng này lại tiêu tốn quá nhiều tiền của công ty, buộc đại gia này phải thoái vốn dần. Trong khi đó, hoạt động của các công ty mà Nguyễn Kim còn đang đầu tư vẫn vấp phải nhiều cản trở trong bối cảnh sức mua của thị trường giảm sút do suy thoái kinh tế. Vì thế, để tăng cường sức mạnh, Nguyễn Kim đã chính thức "se duyên" với Central Group từ đầu năm nay khi bán 49% cổ phần cho đại gia này.
Theo VnExpress