Tiêm vắc xin cho 70% dân số ở mọi quốc gia trên thế giới chống lại COVID-19 vào giữa năm 2022 là lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm chấm dứt đại dịch.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho 70% dân số thế giới có chấm dứt đại dịch?

Sơn Vân | 28/02/2022, 17:00

Tiêm vắc xin cho 70% dân số ở mọi quốc gia trên thế giới chống lại COVID-19 vào giữa năm 2022 là lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm chấm dứt đại dịch.

Gần đây, các chuyên gia y tế cộng đồng nói rằng dù việc tăng cường khả năng miễn dịch trên toàn cầu vẫn cần thiết, nhưng con số này không thể đạt được cũng như không có ý nghĩa.

Hiện tại, 12% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp mới nhận được tiêm một liều vắc xin COVID-19, theo trang Our World In Data. Các mục tiêu trước đó do WHO đặt ra cũng không đạt được.

Kate O'Brien, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng của WHO, cho biết 70% vẫn là mục tiêu xa vời, khi một số quốc gia được trang bị tốt với nhiều loại vắc xin cũng phải vật lộn để đạt được con số đó.

Bà Kate O'Brien nói với Reuters: "Chúng tôi kêu gọi các quốc gia nghiêm túc với các hành động của họ để đạt được mục tiêu đó, nhưng cũng phải thừa nhận rằng trên cơ sở từng quốc gia thì có thể có lý do chính đáng cho việc mục tiêu đó không phù hợp".

tiem-vac-xin-covid-19-cho-70-dan-the-gioi-co-cham-dut-duoc-dai-dich.jpg
Các công nhân chất lên một chiếc xe tải 350.000 liều vắc xin AstraZeneca tại Sân bay Quốc tế Kotoka ở Ghana - Ảnh: Reuters

Liên minh toàn cầu về vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), đối tác của WHO trong sáng kiến ​​COVAX nhằm tiêm vắc xin COVID-19 cho những người nghèo nhất thế giới, cũng bàn luận về mục tiêu 70% có phải một tỷ lệ phù hợp với tất cả.

Tại một cuộc họp ngắn tuần trước với WHO Châu Phi, bà Aurelia Nguyễn, Giám đốc điều hành COVAX thuộc Gavi, cho biết điều quan trọng là "đạt được các mục tiêu mà các quốc gia đặt ra cho mình, dù nó phù hợp với mục tiêu 70% của WHO hoặc thấp hơn hoặc cao hơn".

Việc đặt trước mục tiêu 70% là một dấu hiệu nữa cho thấy việc chấm dứt đại dịch trên toàn cầu có thể là một thách thức phức tạp hơn và lâu hơn so với những gì nhiều người đã hy vọng.

Các tài liệu từ cuộc họp nội bộ cấp cao của Liên Hợp Quốc được tổ chức vào đầu tháng này cho thấy 8 quốc gia cực kỳ khó đạt được mục tiêu vào tháng 6.2022 và đã được xác định để tập trung ngay lập tức là Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Ghana, Kenya, Nigeria, Sierra Leone, Sudan.

26 nước khác, trong đó có Yemen, Uganda và Haiti, cũng đang cần "sự hỗ trợ phối hợp", tài liệu cho biết.

Tuy nhiên có một vấn đề lớn hơn mà WHO đang tập trung vào, Kate O'Brien cho biết.

"Câu hỏi đặt ra ở đây và bây giờ, với việc Omicron xé toạc dân số trên toàn thế giới và tiếp tục làm điều đó, liệu 70% có còn giữ được không?", Kate O'Brien nói.

Kate O'Brien nói đây không bao giờ là "con số kỳ diệu", mà chỉ là đánh giá về rủi ro, một cái gì đó để hướng tới - một cách lạc quan - có thể giữ cho vi rút SARS-CoV-2 trong tầm kiểm soát.

Thế nhưng, bằng chứng mới cho thấy vắc xin chỉ có tác động hạn chế trong việc giảm lây truyền vi rút SARS-CoV-2, cùng biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cho những người đã tiêm 2/3 mũi vắc xin hoặc từng khỏi COVID-19 trước đó, cho thấy rằng việc đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng và ngăn chặn vi rút lây lan là hy vọng không còn nữa.

"Chúng tôi đang trong quá trình xem xét các kịch bản về cách mà đại dịch có thể diễn ra. Rõ ràng trong các kịch bản, vai trò của vắc xin, mục tiêu 70%, mục tiêu giảm lây truyền, sẽ phải được đánh giá", Kate O'Brien chia sẻ.

Ví dụ, việc đặt ra các mục tiêu cao hơn cho các nhóm có nguy cơ có thể rất quan trọng để ngăn ngừa các trường hợp nhập viện và tử vong, bà nói thêm.

Một số chuyên gia y tế công cộng cho biết mục tiêu ban đầu của WHO hiện nay chủ yếu là tượng trưng.

Edward Kelley, cựu giám đốc dịch vụ y tế của WHO và hiện làm cho công ty ApiJect (Mỹ), nói tỷ lệ tiêm vắc xin 70% toàn cầu dựa trên những gì khoa học cho là cần thiết để kiểm soát sự lây truyền vi rút, vốn đã thổi bay khỏi mặt nước bởi Omicron.

Ông nói: “Tất nhiên chúng ta cần tiếp tục nâng cao mức độ miễn dịch ở mọi nơi. Thế nhưng, mục tiêu đang được giữ vào lúc này bởi cộng đồng quốc tế do không có bất cứ điều gì khác để bám vào".

Vắc xin pan-coronavirus là chìa khóa vượt qua đại dịch?

Các chuyên gia về đại dịch mà trang The Daily Beast đã trò chuyện đều nhất trí Omicron không phải là dấu chấm hết đại dịch. Các biến thể mới có thể sắp ra đời. Tệ hơn nữa, các loại coronavirus mới ẩn náu trong các quần thể động vật có thể lây lan sang con người bất cứ lúc nào, gieo mầm cho một đại dịch mới sau COVID-19.

Vắc xin pan-coronavirus hoạt động tốt chống lại tất cả biến thể SARS-CoV-2 cũng như bất kỳ loại coronavirus nào trong tương lai là điều mà nhiều người mong chờ và là chìa khóa để chấm dứt đại dịch. Hàng chục phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, bao gồm cả một số ở Mỹ, đang làm việc cật lực để phát triển loại vắc xin này.

Các nhà khoa học hy vọng vắc xin pan-coronavirus sẽ đơn giản hóa rất nhiều nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt dịch COVID-19 hiện tại và ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Một số người nhấn mạnh rằng đó là cách tiếp cận tốt hơn là cố gắng điều chỉnh vắc xin theo biến thể cụ thể, chẳng hạn nhắm đến Omicron.

James Lawler, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska (Mỹ), nói: “Chúng tôi sẽ phải đưa ra các giải pháp vắc xin lâu dài mà không cần thiết phải theo đuổi biến thể mới nhất”.

Vắc xin pan-coronavirus có tác dụng trước mầm bệnh vừa xuất hiện, còn vắc xin đặc trị biến thể sẽ chạy theo nó. Barton Haynes, nhà miễn dịch học của Human Vaccine Institute thuộc Đại học Duke (Mỹ), đã gọi cách tiếp cận thứ hai giống trò chơi đập chuột. "Chờ cho đến khi điều gì đó xảy ra, sau đó làm điều gì đó với nó", ông cho hay.

Barton Haynes nói giải pháp là “vắc xin COVID-19 thế hệ thứ hai đang được phát triển trong tương lai, tức là vắc xin pan-coronavirus”.

Khi đại dịch bắt đầu vào cuối năm 2019, ưu tiên là phát triển vắc xin phòng COVID-19. Trong khoảng một năm, thế giới đã tiếp cận được với một số vắc xin COVID-19 hiệu quả cao, trong đó có hai loại dùng công nghệ mRNA của Pfizer và Moderna.

Thế nhưng, việc phân phối vắc xin COVID-19 không đồng đều và các nhóm thiểu số chống vắc xin ở các quốc gia dễ dàng tiếp cận với mũi tiêm, đã tạo cơ hội cho SARS-CoV-2 phát triển.

Các loại vắc xin đã làm dịu tác động của COVID-19 cho đến khi xuất hiện biến thể Delta gây chết người nhiều hơn vào giữa năm 2021. Mũi vắc xin tăng cường vừa làm giảm sự nguy hiểm của Delta chưa được bao lâu thì Omicron lộ diện vào cuối năm ngoái và gây bùng phát dịch toàn cầu.

Omicron với hàng tá đột biến phần nào làm giảm hiệu quả của vắc xin, thúc đẩy một số hãng dược phẩm hàng đầu phát triển các phiên bản mới đặc trị biến thể này và hy vọng khôi phục mức hiệu quả trước đó của vắc xin.

Omicron có khả năng lây truyền cao nhưng gây bệnh ít nghiêm trọng hơn Delta. Ngày càng có nhiều khả năng cho rằng vào thời điểm vắc xin đặc trị Omicron sẵn sàng trình làng thì biến thể này không còn là mối đe dọa chính nữa. James Lawler nói: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ tiêm vắc xin đặc trị Omicron kịp thời để tác động đến làn sóng dịch này. Gần như chắc chắn sẽ có biến thể mới thay thế Omicron”.

Trong khi đó, các coronavirus khác có thể sẽ xuất hiện. Tất cả chúng đều có hai điểm chung - loại protein gai đặc biệt giúp vi rút bám vào các tế bào và có xu hướng gây nhiễm trùng đường hô hấp ở người.

Các nhà khoa học đã đặt tên cho 46 coronavirus đến nay. Phần lớn cư trú trong các quần thể động vật như dơi, tê tê, cầy hương... Bất kỳ loại coronavirus nào trong động vật này đều có thể lây lan sang con người. Nhân loại đã phải chịu đựng đợt bùng phát dịch SARS-CoV-1, MERS và bây giờ là SARS-CoV-2. “Tại sao không có SARS-CoV-3?”, Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng nạn phá rừng đang diễn ra và việc buôn bán động vật hoang dã ngày càng tăng có thể đồng nghĩa với việc con người tiếp xúc với coronavirus ngày càng nhiều trong những năm và thập kỷ tới.

Changchuan Yin, nhà khoa học thuộc Đại học Illinois tại thành phố Chicago (Mỹ), đã nghiên cứu hàng chục coronavirus và xác định một số dường như gây ra rủi ro cao với quần thể con người (nếu nhảy từ vật chủ là động vật sang chúng ta).

Tốc độ tiến hóa của SARS-CoV-2 ngày càng tăng – từ vi rút cơ bản thành Delta đến Omicron – đã làm giảm bớt hiệu quả các vắc xin hiện tại và nhấn mạnh sự cần thiết của vắc xin pan-coronavirus.

Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Duke, do Barton Haynes và đồng nghiệp Kevin Saunders dẫn đầu, là một trong những người đầu tiên bắt tay vào nghiên cứu loại vắc xin pan-coronavirus vào mùa xuân năm 2020. Sau nhiều tháng làm việc, họ đã tìm thấy một loại kháng thể đặc biệt mạnh mẽ trong mẫu lấy từ người khỏi bệnh sau khi nhiễm SARS-CoV-1 vào năm 2003.

Kháng thể đó, DH1047, nhắm vào protein gai. Barton Haynes, Kevin Saunders và nhóm của họ đã miễn dịch cho khỉ và chuột bằng DH1047, sau đó cho chúng tiếp xúc với các mầm bệnh gồm SARS-CoV-2 và các coronavirus khác.

Barton Haynes nói: “Nó hoạt động tốt một cách tuyệt vời”. Một thí nghiệm đã tạo ra hiệu giá (thước đo nồng độ kháng thể) là 47.000. Con số này cao hơn 6 lần so với hiệu giá điển hình do một trong hai loại vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA (Pfizer hay Moderna) tạo ra.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã trao tài trợ cho nhóm Đại học Duke để bắt đầu sản xuất kháng thể này. Nó không chỉ có thể tạo thành cơ sở của một loại vắc xin pan-coronavirus mạnh mẽ, mà còn là thành phần quan trọng trong một liệu pháp điều trị COVID-19 và các bệnh nhiễm coronavirus khác.

Một nhóm do Kayvon Modjarrad đứng đầu tại Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed ở bang Maryland (Mỹ) đang nghiên cứu vắc xin pan-coronavirus của riêng mình và cũng cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn. Nhóm của Kayvon Modjarrad đã phân lập được đoạn protein gai của coronavirus được gọi là hạt nano spike-ferritin và cho tiếp xúc với khỉ, sau đó là người bắt đầu từ mùa xuân năm ngoái.

Các kết quả đến nay là đáng khích lệ. Kayvon Modjarrad cho biết: “Loại vắc xin này rất nổi bật. Hạt nano spike-ferritin có thể kích thích khả năng miễn dịch theo cách chuyển thành khả năng bảo vệ rộng hơn đáng kể, mục tiêu là bảo vệ an toàn, hiệu quả và lâu dài chống lại nhiều chủng và loài coronavirus”.

Nếu có nhược điểm, đó là vắc xin pan-coronavirus có thể kém hiệu quả hơn một chút so với vắc xin mRNA hiện tại khi chống lại chủng SARS-CoV-2 ban đầu. Các vắc xin mRNA đạt hiệu quả cao nhất ở mức 90% hoặc cao hơn với chủng SARS-CoV-2 gốc, nhưng giảm dần tác dụng khi vi rút tiến hóa và các biến thể mới ra đời.

Vắc xin pan-coronavirus có khả năng kém hiệu quả hơn về tổng thể, nhưng sẽ không mất hiệu lực ngay cả khi các coronavirus khác nhau đột biến.

Một loại vắc xin toàn cầu cũng có thể đơn giản hóa đáng kể hậu cần của việc tiêm vắc xin cho các quần thể lớn. Bạn nhận được một loại vắc xin chống lại hàng loạt loại coronavirus và biến thể khác nhau. Cuối cùng, bạn có thể cần một mũi vắc xin tăng cường. Thế nhưng nếu mũi vắc xin tăng cường hoạt động như được quảng cáo, bạn sẽ không cần phải lo lắng theo dõi cảnh báo khác mỗi khi một số biến thể mới xuất hiện.

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để biến những kháng thể và hạt nano đầy hứa hẹn này thành những loại vắc xin mạnh mẽ, thử nghiệm chúng trên những quần thể người đủ lớn và được các cơ quan quản lý phê duyệt.

Barton Haynes nhấn mạnh nhóm của ông đang cố gắng tiến tới các cuộc thử nghiệm quy mô lớn trên người “càng nhanh càng tốt”. Trong trường hợp xấu nhất, có thể mất nhiều năm để phát triển, thử nghiệm và triển khai vắc xin pan-coronavirus, theo Yoshihiro Kawaoka, nhà vi rút học tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) đang nghiên cứu về loại vắc xin dạng này của riêng mình.

Chúng ta đã bước vào năm thứ ba của đại dịch COVID-19 và chưa có hồi kết. Chúng ta sẽ phải sống chung với loại vi rút này và có thể là các coronavirus khác trong một thời điểm. Đã đến lúc suy nghĩ lâu dài về các loại vắc xin có thể vượt qua vi rút.

Bài liên quan
Trưởng nhóm khoa học WHO: Đại dịch vẫn chưa kết thúc, sẽ có thêm nhiều biến thể đáng sợ
Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn chưa kết thúc vì sẽ có thêm nhiều biến thể SARS-CoV-2.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm vắc xin COVID-19 cho 70% dân số thế giới có chấm dứt đại dịch?