Việt Nam nằm trong số quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn để chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA.
Để giúp các quốc gia thu nhập trung bình và thấp tự sản xuất được vắc xin mRNA, trong đó có vắc xin COVID-19, WHO hợp tác với đội ngũ khoa học Nam Phi phát triển công nghệ này. Dự án đến nay đã phát triển được một nguyên mẫu vắc xin COVID-19 tương tự nhưng không giống với sản phẩm do hãng Moderna sản xuất.
Nguyên mẫu dựa trên cùng một mẫu trình tự gien sẵn có công khai, nhưng Moderna từ chối hỗ trợ dự án nên đối tác của WHO là Afrigen phải tự tìm hiểu phần còn lại.
Tuần trước, WHO chọn 6 quốc gia châu Phi vào diện nhận công nghệ vắc xin mRNA gồm Ai Cập, Kenya, Nigeria, Senegal và Tunisia. Giữa tuần qua có thêm 5 quốc gia được chọn là Việt Nam, Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia. Các nước đều trải qua xét duyệt của một nhóm chuyên gia, được xác định có khả năng tiếp nhận công nghệ, đào tạo có mục tiêu, chuyển sang giai đoạn sản xuất tương đối nhanh chóng.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus: “Một trong những rào cản chính để chuyển giao công nghệ thành công ở quốc gia thu nhập thấp và trung bình là thiếu lực lượng lao động tay nghề cao, và hệ thống quản lý yếu kém. Xây dựng năng lực này đảm bảo họ có thể sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt, không cần chờ đợi nữa”.
Ngoài thông báo đưa thêm 5 quốc gia vào diện nhận công nghệ vắc xin mRNA, WHO còn cho biết cơ quan này hợp tác cùng Hàn Quốc thành lập trung tâm đào tạo sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học, giúp quốc gia thu nhập trung bình và thấp sản xuất vắc xin, kháng thể đơn dòng, phương pháp điều trị ung thư và insulin.