Các chuyên gia y tế khuyến cáo cần phải tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, vì COVID-19 cũng như các bệnh do vi rút, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em: Lợi ích lớn hơn nhiều rủi ro

Lam Thanh | 19/02/2022, 10:28

Các chuyên gia y tế khuyến cáo cần phải tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, vì COVID-19 cũng như các bệnh do vi rút, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tại tọa đàm “Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng”, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng nếu được miễn dịch bằng vắc xin thì xã hội sẽ trở lại tình hình bình thường mới; gia đình phòng chống được COVID và sẽ không tốn kém về tiền bạc, không gây ra sự lo lắng, căng thẳng, lo âu. Đặc biệt, sẽ không ảnh hưởng đến thể chất của con người, nếu không may chúng ta mắc.

“Với tư cách của một bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên các ông bố bà mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng. Trong xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới rất mong muốn chúng ta phủ được rộng hơn nữa ở nhóm tuổi thấp hơn nữa, nếu như có các nghiên cứu của các nhà sản xuất đưa ra các vắc xin ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi”, ông Điển nói và cho rằng đây thực sự là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ. Hy vọng rằng các nhà khoa học tìm hiểu để có thể tìm ra thêm những chế phẩm vắc xin dành cho trẻ dưới 5 tuổi, tương tự như vắc xin sởi bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi.

vx-1.jpg
PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương

Ông Điển cho rằng các ông bố bà mẹ nên cho con mình có cơ hội để phòng chống dịch bệnh và nếu không may mắc, thì sẽ không chuyển nặng và đặc biệt là không dẫn đến tình trạng tử vong.

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng nhìn nhận, dưới góc độ công tác tiêm chủng, chúng ta đã giảm được gánh nặng bệnh tật rất rõ rệt. Theo đó, giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em so với nếu chúng ta không tiêm chủng.

“Chúng tôi cũng khuyến cáo là cần phải tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, vì COVID-19 cũng như các bệnh do vi rút, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chúng ta cần phải đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm”, bà Hồng nói.

“Chúng ta nhớ lại trong quá khứ, có vắc xin nhưng trẻ không được tiếp cận tiêm chủng và đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Đó là vụ dịch sởi cách đây vài năm, rất thương tâm. Trẻ chưa được tiêm chủng mắc sởi và các cháu đã có những biến chứng rất trầm trọng và tử vong trong khi chúng ta có nguồn vắc xin dồi dào và tỷ lệ tiêm chủng sởi rất cao trên 90%; nhưng có những gia đình nhất định chưa đưa con mình đi tiêm chủng và hệ luỵ đã xảy ra”, bà Hồng nêu.

“Đối với COVID-19 cũng như vậy”, bà Hồng nói và nhấn mạnh “chúng tôi rất mong muốn rằng các bậc cha mẹ hãy tin tưởng, tới đây công tác tổ chức tiêm chủng vắc xin COVID-19 sẽ tiếp tục được triển khai một cách an toàn, từ kinh nghiệm của các đợt tiêm chủng trước đây và đặc biệt là đối với đợt triển khai cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Chúng ta sẽ có một chiến dịch thành công, công tác tiêm chủng an toàn”.

Bà Hồng cũng bày tỏ: “Một lần nữa, chúng tôi rất vững tay để chúng ta có một chiến dịch tiêm chủng an toàn để bảo đảm cho nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, với mong muốn đạt được độ bao phủ trên 90%, thậm chí 95% các cháu sẽ được bảo vệ, chủ động phòng chống dịch COVID-19”.

PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng đồng tình với những ý kiến của PGS-TS Dương Thị Hồng và PGS-TS Trần Minh Điển. Ông cho biết khi làm ở Nhi khoa, hằng ngày nhận được những cuộc gọi tham vấn của phụ huynh về các trường hợp trẻ em mắc COVID-19, đặc biệt nhiều ca dưới 12 tuổi. Qua theo dõi nhiều tài liệu cho thấy trẻ em nhóm nguy cơ béo phì, bệnh lý bẩm sinh, sinh non, thiếu cân có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là khi chưa được tiêm vắc xin. Song song với đó là những di chứng để lại như thế nào khi các cháu bị nhiễm COVID-19 thì rõ ràng còn quá mới, chúng ta vẫn chưa tìm hiểu và nghiên cứu được hết.

Mới đây, các nhà khoa học đã khảo sát 510 trường hợp ở Italy và Anh nhiễm COVID-19 từ tháng 1.2020 đến tháng 1.2021 cho thấy các cháu có những triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần. COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến các cháu, các cháu cảm thấy mệt, khó thở, đánh trống ngực, tinh thần không ổn định; chỉ có 10% các cháu trở lại sinh hoạt bình thường. Qua đó cho thấy ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của COVID-19 đối với trẻ em như thế nào là vấn đề quan trọng.

“Có những lúc chúng tôi nhận điện thoại của những bậc phụ huynh qua đó mới hiểu lo lắng của cha mẹ như thế nào, lo cho tương lai của các cháu. Đặc biệt gần đây. sau khi nhiễm COVID-19, 4 đến 6 tuần sau bị tổn thương đa cơ quan, đe dọa tử vong. Cho đến nay Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tiếp nhận 60 trường hợp nặng, may mắn được điều trị tích cực nên không có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên chúng ta thấy COVID-19 vẫn đe dọa tử vong nếu nhiễm bệnh và viêm đa hệ thống đối với những trường hợp này”, ông Hùng nêu.

thanh-hung.jpg
PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)

Ông Hùng cũng cho biết hết sức thông cảm với phụ huynh khi lo lắng lúc tiêm gặp phải những biến chứng, sốc phản vệ. CDC Mỹ và châu Âu cũng đã nghiên cứu và đánh giá rất kỹ trước khi cấp phép vắc xin để đưa vào sử dụng. Ví dụ đối với vắc xin Pfizer, theo nghiên cứu của CDC Mỹ về phản ứng phụ sau tiêm, trong 4.000 trường hợp trẻ tiêm Pfizer thì không có trường hợp nào sốc phản vệ.

So sánh liều sốc phản vệ ngay cả người lớn khi tiêm Pfizer và những vắc xin khác thì tỷ lệ phản vệ nói chung chỉ khoảng 10/1 triệu liều tiêm. Đặc biệt đối với vắc xin Pfizer thì tỉ lệ là 9,3/1 triệu liều tiêm và không có ca nào tử vong. So sánh với những vắc xin khác đã tiêm cho các cháu như: Dại, viêm não, sởi, quai bị, rubella, HPV thì vaccine COVID-19 hiện dùng gặp phản ứng bất lợi sau tiêm vẫn đứng hàng thứ 5.

Do đó để tiêm cho trẻ em thì kế hoạch tiêm phải kỹ càng, thận trọng, chu đáo, trước hết phải tạo sự đồng thuận cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và học sinh; thấy rõ lợi ích của tiêm vắc xin cao hơn nhiều so với không tiêm để lại những biến chứng khi mắc COVID-19 rất nguy hiểm. Chỉ còn 10% trẻ chưa tiêm sẽ trở thành yếu thế và nguy cơ mắc COVID-19 rất cao. Do đó phải giải thích cụ thể cho phụ huynh yên tâm và có kế hoạch tiêm cụ thể, thận trọng.

Song song với đó là tổ chức mạng lưới cấp cứu ngay sau khi tiêm, túc trực 24/24h. Nếu 10% trẻ lứa tuổi này được tiêm sẽ tạo được mảnh ghép còn lại, các cháu sẽ được đi học, yên tâm và phát triển bình thường.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em: Lợi ích lớn hơn nhiều rủi ro