Một nghiên cứu mới cho thấy việc tiêm vắc xin sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể góp phần làm giảm gánh nặng của các triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Tiêm vắc xin sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể giảm triệu chứng hậu COVID-19

Sơn Vân | 20/05/2022, 08:15

Một nghiên cứu mới cho thấy việc tiêm vắc xin sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể góp phần làm giảm gánh nặng của các triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 6.729 tình nguyện viên từ 18-69 tuổi sau khi hồi phục từ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và báo cáo các triệu chứng COVID-19 kéo dài ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào ít nhất một lần từ tháng 2-9.2021. Sau khi nhiễm SARS-CoV-2, những người này từng tiêm hai mũi vắc xin AstraZeneca (công nghệ vectơ vi rút), Pfizer-BioNTech hoặc Moderna (công nghệ mRNA).

Tỷ lệ báo cáo COVID-19 kéo dài (các triệu chứng dai dẳng ít nhất 12 tuần) giảm trung bình 13% sau khi tiêm liều vắc xin đầu tiên, các nhà nghiên cứu cho biết trên Tạp chí The BMJ.

Họ nói liều vắc xin thứ hai, được tiêm 12 tuần sau liều đầu tiên, có liên quan đến việc giảm thêm 9% tỷ lệ bị COVID-19 kéo dài (trung bình kéo dài ít nhất 9 tuần). Tỷ lệ báo cáo COVID-19 kéo dài đủ nghiêm trọng để dẫn đến suy giảm chức năng cũng giảm tương tự, theo các nhà nghiên cứu.

Theo các nhà nghiên cứu, kết quả tương tự nhau bất kể tiêm loại vắc xin nào, khoảng thời gian từ khi nhiễm SARS-CoV-2 đến lúc nhận liều đầu tiên, tình trạng sức khỏe cơ bản hoặc mức độ nghiêm trọng của COVID-19. Tuy nhiên, nghiên cứu không được thiết kế để phát hiện những khác biệt như vậy, cũng như không thể chứng minh chắc chắn vắc xin làm giảm tỷ lệ bị COVID-19 kéo dài.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Cần phải nghiên cứu thêm để đánh giá mối quan hệ lâu dài giữa tiêm vắc xin và COVID-19 kéo dài, đặc biệt là tác động của biến thể Omicron”.

tiem-vac-xin-sau-khi-nhiem-sars-cov-2-co-the-lam-giam-trieu-chung-hau-covid-19.jpg
Tiêm vắc xin sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể góp phần làm giảm gánh nặng của các triệu chứng hậu COVID-19 - Ảnh: Internet

"Màn không khí" có thể làm chệch hướng các hạt vi rút

Các nhà nghiên cứu phát hiện khi chúng ta không thể duy trì khoảng cách an toàn để tránh sự lây lan của SARS-CoV-2, một "màn không khí" để bàn với thiết kế mới có thể chặn các aerosol được thở ra trong không khí.

Aerosol là những giọt cực nhỏ có thể trôi nổi trong khoảng cách xa hơn trong nhà và định cư trực tiếp vào phổi, nơi vi rút SARS-CoV-2 gây hại nhiều nhất.

Quạt chắn gió hay quạt cắt gió điều hòa (những luồng không khí nhân tạo) thường được sử dụng để bảo vệ bệnh nhân trong phòng mổ. Tại Đại học Nagoya (Nhật Bản), các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thiết bị để bàn mới bằng cách mô phỏng quầy lấy máu, trong đó một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm ở gần bệnh nhân.

Các aerosol khí bị thổi về tấm màn "bẻ cong đột ngột về phía cổng hút" mà không đi qua màn không khí, họ báo cáo trên Tạp chí AIP Advances.

Họ cho biết, ngay cả việc đặt một cánh tay qua “màn không khí” cũng không làm phá vỡ dòng chảy hoặc giảm hiệu quả của nó. Theo các nhà nghiên cứu, một bộ lọc không khí dạng hạt (HEPA) hiệu quả cao có thể được lắp đặt bên trong cổng hút.

Nếu thử nghiệm thêm trong điều kiện thực tế xác nhận tính hiệu quả của hệ thống, nó có thể "hữu ích như rào cản gián tiếp không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn ở các tình huống không thể duy trì đủ khoảng cách vật lý, chẳng hạn như tại quầy tiếp tân".

Thuốc kháng axit hỗ trợ COVID-19 bằng cách giúp hạn chế viêm nhiễm

Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra cách thức famotidine (thuốc kháng axit thường được bán dưới tên Pepcid bởi một đơn vị của hãng dược Johnson & Johnson) có thể giúp giảm bớt các triệu chứng COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng.

Trong các nghiên cứu trên chuột, họ phát hiện ra rằng famotidine kích thích dây thần kinh phế vị, điều khiển hệ thống miễn dịch và các chức năng cơ thể không tự chủ khác. Khi bị kích thích, dây thần kinh phế vị có thể gửi tín hiệu để ngăn chặn các phản ứng miễn dịch nghiêm trọng - cái gọi là cơn bão cytokine - trong đó mức độ cao của các protein gây viêm được giải phóng vào máu quá nhanh.

Khi cho chuột dùng famotidine, nó làm giảm đáng kể mức độ protein gây viêm trong máu, lá lách và cải thiện khả năng sống sót. Song khi dây thần kinh phế vị bị cắt, famotidine không còn ngăn được các cơn bão cytokine nữa, theo một báo cáo được công bố trên Tạp chí Molecular Medicine.

“Dữ liệu chỉ ra vai trò của phản xạ viêm dây thần kinh phế vị trong việc ngăn chặn cơn bão cytokine trong COVID-19", đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Kevin Tracey của Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstein ở thành phố New York (Mỹ), cho biết.

Kích thích điện trực tiếp vào dây thần kinh phế vị được biết là có thể cải thiện nhiều loại bệnh.

Các nhà nghiên cứu kết luận: "Famotidine, loại thuốc uống được dung nạp tốt, có thể cung cấp một phương pháp bổ sung để kích hoạt dây thần kinh phế vị để giảm sự tạo ra protein gây viêm, dẫn đến tổn thương mô trong COVID-19 cùng các bệnh khác”.

Dây thần kinh phế vị là dây thần kinh thực vật phó giao cảm lớn nhất của cơ thể, chi phối vận động, cảm giác tại hầu hết các phủ tạng ở ngực và ổ bụng như động mạch, tim, phổi, đường tiêu hóa. Từ lâu, khoa học đã xác định dây thần kinh phế vị vô cùng quan trọng với sự thức tỉnh não bộ nên thường sử dụng phương pháp kích thích nó cho bệnh nhân trầm cảm hoặc động kinh.

Bài liên quan
Nhận mũi vắc xin thứ 4 vẫn có thể nhiễm chủng Omicron mới và truyền vi rút: Có nên tiêm?
Có nên tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường lần hai (hay liều thứ 4) không là câu hỏi mà nhiều người quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm vắc xin sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể giảm triệu chứng hậu COVID-19