Chủ nhật, nghỉ lễ giỗ tổ vua Hùng, chúng tôi lại đi tiễn biệt một nhạc sĩ từng đưa ra những tuyên bố chấn động về đời sống âm nhạc đương đại. Nguyễn Ánh 9, người vô cùng khiêm nhường và thích ẩn dật, lại cũng là người kiên trì đương đầu với dư luận ấy, giờ đây đã “nằm ngủ” giữa những thảm hoa.
Tôi gặp Nguyễn Ánh 9 vài lần trước khi ông lên tiếng phê phán lối biểu diễn vô hồn của các nghệ sĩ tiếng tăm. Cảm nhận của tôi là ông rất tiết kiệm thời gian, khi uống cà phê ở gần cơ quan tôi, ông là người đứng dậy xin về trước. Sau này tôi được biết ngày nào ông cũng tập đàn và chơi đàn, tự mình chỉnh sửa những kỹ thuật những tình tiết nhỏ nhất trong khi biểu diễn hằng đêm dù chúng được ông thuộc lòng mấy chục năm rồi. Ngôi nhà của ông khá nhỏ trong cái hẻm có 4 gia đình và phòng khách thì chỉ thu xếp để được chiếc piano nhỏ.
Đột nhiên, báo chí đưa lên bài trả lời phỏng vấn, trong đó ông phê phán rất nhiều nghệ sĩ tiếng tăm, không chỉ là các diva được đào tạo chính quy mà cả những “ông hoàng bà chúa” của nhạc thị trường. Vâng, có thể coi như cuộc lật đổ thần tượng của một lão nhạc sĩ tuổi 70. Nhiều người trong giới nhạc không tin vào những bài viết đó. Một số nghĩ ông “đả kích không có cơ sở, hoặc ông không thể chấp nhận những giá trị âm nhạc không quen với mình”. Một số khác nói với tôi: “Báo chí giật gân, dựng chuyện thôi, Nguyễn Ánh 9 không dại gì nói những điều mất lòng nghệ sĩ tên tuổi như vậy đâu”. Tôi cũng đọc được sự hoang mang trong chính những nghệ sĩ mà ông phê phán, họ nói nếu những phê phán của “bố” (nhiều người thân mật gọi ông như vậy) là đúng đi, thì những giải thưởng tôn vinh họ thời gian qua là cái gì?
Hồi đó tôi đi gặp Nguyễn Ánh 9 để tìm hiểu thêm về sự kiện ấy. Tôi gặp ông ở quán nhạc quen thuộc mỗi tối ông vẫn chơi đàn. Đầu tiên, ông chơi một số bản viết riêng cho piano với ngón đàn cực kỳ điêu luyện và được tán thưởng như một nghệ sĩ solo. Sau đó, mới tới phần ông đệm đàn cho các ca sĩ hát các ca khúc của mình và các nhạc sĩ khác. Vẻ như hơi mệt, phần sau của chương trình thì một nghệ sĩ khác đệm thay ông.
Ban đầu, tôi nghĩ có thể ông sẽ thanh minh rằng các nhà báo diễn đạt không đúng ý của mình chăng? Hay muốn nói thêm điều gì xoa dịu các nghệ sĩ tiếng tăm? Ngược lại, nhạc sĩ đang chịu rất nhiều sự chỉ trích từ fan của các ca sĩ, phản ứng mạnh mẽ từ các nghệ sĩ ông chỉ trích, chỉ nói một câu thật gọn gàng dứt khoát: “Tôi chỉ nói thật”.
Để hiểu bối cảnh và ảnh hưởng từ phát ngôn của ông, chúng ta biết rằng người TPHCM chia âm nhạc ra hai dòng chính là âm nhạc sân khấu và âm nhạc phòng trà. Âm nhạc sân khấu quy tụ các ngôi sao lớn, những người giành các giải thưởng, phát hành băng đĩa nhiều, thường được gọi là “ông hoàng bà chúa” với giá vé hằng đêm nhiều triệu đồng, tương đương thu nhập cả tháng của người lao động. Bên kia là âm nhạc phòng trà, ca sĩ không chuyên hoặc muốn chọn những dòng âm nhạc mà họ yêu thích, cát xê mỗi tối vài ba trăm ngàn, tương đương công lao động của một anh phu hồ.
Lâu nay, người ta vẫn nghĩ ca sĩ sân khấu lớn thu nhập xứng đáng với giá trị của họ, cũng như ca sĩ phòng trà cũng “chỉ đáng nhận thế thôi”. Nhưng tuyên ngôn của Nguyễn Ánh 9, người từng đệm đàn cho Khánh Ly tại Nhật Bản trước 1975, tác giả hàng chục ca khúc nổi tiếng, đã khiến nổ ra cuộc tranh luận: Ai mới thật sự xứng đáng với đồng tiền khán giả bỏ ra, và đâu mới là giá trị thật!
Nguyễn Ánh 9 nói với tôi rằng “Đôi khi các ngôi sao chú ý kỹ thuật nhiều quá, họ thành công về kỹ thuật, nhưng không thành công về mặt tâm hồn”.
Hôm nay, ngõ hẻm nhỏ tràn ngập hoa viếng Nguyễn Ánh 9 và có thể khi bài báo này đến tay bạn đọc thì ông đã được hỏa táng và là một giáo dân, ông được làm các nghi thức tôn giáo để về với Chúa. Tôi sẽ nhớ mãi vẻ mặt thanh thản của ông trong những vòng hoa. Khuôn mặt ấy toát lên nụ cười rất đỗi hiền từ. Tôi nghĩ cố nhạc sĩ đã hài lòng với cuộc sống giản dị của mình. Tự ông chọn cuộc sống thánh thiện ấy. Ông từng nói: “Đệm cho ca sĩ hạng B, hạng C mà hát có hồn còn hơn ra sân khấu đệm cho người nổi tiếng mà hát không có hồn”. Ông chỉ mong những nghệ sĩ có tài thực sự thì phải biết giữ lấy phần hồn và đó có thể là điều ông hãy còn day dứt với cuộc sống này.
Khi thấy Nguyễn Ánh 9 nằm một mình giữa trăm vòng hoa trắng của đồng nghiệp và của khán giả, tôi không biết giờ đây, những nhận định của ông, những cảnh báo của ông về một nền âm nhạc Việt Nam đang thiếu dần đi một chữ “hồn” ấy, giờ đây liệu có bị lãng quên?
Trần Nguyễn Anh/Tiền Phong