Mặc dù ban tổ chức đề ra nhiều giải pháp, nhưng nạn ném tiền, "cướp lộc" lại một lần nữa tái diễn trong đêm khai ấn đền Trần Nam Định.

Tiền được vo tròn, 'bay' vèo vèo tại lễ khai ấn đền Trần

11/02/2017, 18:33

Mặc dù ban tổ chức đề ra nhiều giải pháp, nhưng nạn ném tiền, "cướp lộc" lại một lần nữa tái diễn trong đêm khai ấn đền Trần Nam Định.

Biển người chen chúc, xô đẩy tiến vào khu làm lễ
Tối 10.2, dòng người ùn ùn đổ dồn về đền Trần khiến nhiều đoạn đường tắc nghẽn, đặc biệt là trên đường Trần Thừa, đoạn trước của đền Thiên Trường, đền Cố Trạch. Nhiều thời điểm, du khách, người dân phải đứng chôn chân tại chỗ.
Đến 21 giờ, trên 1.000 đại biểu có thẻ được vào khu vực hành lễ ở sân đền Thiên Trường. Đến 22 giờ, ban tổ chức bắt đầu nghi lễ dâng hương tới các vị vua Trần. Lúc 23 giờ, nghi lễ khai ấn chính thức với đoàn rước kiệu ấn đền Trần từ đền cố Trạch sang đền Thiên Trường. Bắt đầu từ đây, sự hỗn loạn như mọi năm lại tái diễn, cũng bắt đầu từ số đại biểu được ban tổ chức cấp thẻ vào dự lễ khai ấn quá đông.

Ngay khi kiệu lễ bắt đầu vào sân đền Thiên Trường, lập tức dòng người cuộn thành sóng, lấn dần đến gần kiệu ấn, cố chạm tay vào kiệu ấn để lấy may. Mặc dù đã tăng cường lực lượng, tạo thành 2 - 3 vòng nhưng lực lượng an ninh có mặt cũng dần bất lực, để cho một số người tiếp cận được kiệu ấn.

Chen lấn, cố đến gần kiệu ấn

Cũng từ lúc này, tiền được vo tròn, "bay" vèo vèo trên đầu mọi người hướng về phía kiệu ấn. Sau khi tế lễ tại sân đền Thiên Trường, mặc dù ban tổ chức và nhà đền cắt cử người trực tại các ban thờ, bàn lễ để thu dọn đồ thờ cúng, nhưng cảnh tượng "cướp lộc" vẫn diễn ra. Không ít người sấn vào cố "cướp hoa, cướp lộc ngay trên tay nhân viên nhà đền.

Cảnh tượng hỗn loạn xảy ra trầm trọng hơn vào lúc hơn 1 giờ sáng ngày 11.2, khi lễ khai ấn kết thúc, ban tổ chức mở hàng rào sắt để người dân, du khách vào đền Trần dâng hương, cầu tài lộc. Hàng vạn người đã chen lấn, xô đẩy nhau từ cổng chính đền Trần để vào được sân đền Thiên Trường, sau đó lại xô lấn, chen đẩy nhau tiến vào được gần ban thờ để xoa tiền lẻ vào thanh kiếm, lư hương lấy may trong những tiếng hò hét “đừng đẩy nữa”, “đổ tượng mất”, “lấy được lộc rồi”.

Chen lấn, xô đẩy để được xoa tiền, chạm tay vào bàn thờ


Từ thời điểm này, lực lượng chức năng hầu như không thể ngăn cản được dòng người ngày càng đông đúc đổ về. Những người sức yếu, không thể chen vào đành dừng ở cạnh đền, cài tiền vào cửa, vách đền để cầu tài, xin lộc.

Nhiều người cố chạm tay vào thanh kiếm trên bàn thờ
Đến hơn 2 giờ sáng, trật tự dần được vãn hồi. Sau khi thỏa mãn được mong muốn có mặt tại khu hành lễ, dòng người tản ra. Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy nhưng một số lượng không nhỏ người dân, du khách vẫn tập trung tại khu vực cổng chính và sân đền để đợi đến giờ phát ấn. Trong sân đền, và trên vỉa hè đường Trần Thừa, nhiều người trải bạt, áo mưa tạm ngả lưng để đợi đến giờ lấy ấn.

Đến 5 giờ sáng, nhân viên nhà đền bắt đầu đưa các hòm ấn đến 3 nhà Giải Vũ, Trùng Hoa và nhà trưng bày để phát. Rất may là hầu hết người dân đều biết ấn có nhiều nên trật tự xếp hàng đợi đến lượt.

Trải chiếu ngủ ngay sân đền, lề đường để đợi phát ấn
Mặc dù chưa từng công bố sẽ bán ấn hay đưa ra mức giá ấn, nhưng các nhân viên nhà đền vẫn “liệu cơm, gắp mắm”, nhìn tiền đưa của người xin ấn để phát ấn. Những người xin ấn lấy được số lượng ấn theo mức 20.000 đồng/chiếc ấn. Đến 9 giờ sáng ngày 11.2, dòng người vẫn xếp hàng dài để đợi lấy ấn đền Trần.

Chưa khai, ấn đền Trần đã được bán 50 nghìn một lá

Theo thông báo của Ban tổ chức Lễ hội đền Trần, đến 5 giờ sáng ngày 11.2 (tức 15 tháng Giêng) bắt đầu phát ấn, sớm hơn các năm trước 30 phút. Tuy nhiên, đến 21 giờ ngày 10.2, chúng tôi nhận được thông tin có ấn đã bán ngay tại cổng đền Trần.

Có mặt tại đoạn đường Trần Thừa trước cổng đền Trần, PV và nhiều người dân đã mua được ấn đền Trần trước giờ phát. Nhiều người dân và du khách có mặt tại đây được một phụ nữ tìm hỏi: “Có muốn mua ấn đóng sớm không?" và bán cho những người mua với giá 50.000 đồng/1 lá. Giải đáp vì sao có ấn trước khi khai lễ, chị này cho biết vì có người nhà tham gia đóng ấn nên mang ra được và bán cho những người không đợi được đến giờ phát ấn.

Mua một tờ ấn, PV đối chiếu với lá ấn phát năm 2016 thì phát hiện cả hai hoàn toàn giống nhau, từ chất liệu đến dấu ấn. Điểm khác biệt duy nhất là trên miếng giấy nhỏ đi kèm chiếc ấn ghi rõ năm phát ấn là năm Đinh Dậu (2017).

Theo ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng ban quản lý Di tích đền Trần thì toàn bộ ấn đều được đóng thủ công 2 tuần trước ngày phát ấn. Khi PV thông tin việc mua được ấn trước giờ phát, bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức Lễ hội đền Trần 2017 cho biết sẽ giao cho đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành xác minh. Bà Oanh cũng khẳng định "tất cả ấn xuất hiện trước giờ phát đều là giả".

Theo TNO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đầu tuần, giá vàng 'bốc hơi' gần 3 triệu đồng/lượng
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giá vàng miếng SJC sáng nay đã "bốc hơi" tới 2,8 triệu đồng mỗi lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền được vo tròn, 'bay' vèo vèo tại lễ khai ấn đền Trần