Những ngày qua, dư luận huyện Châu Thành và tỉnh Tiền Giang xôn xao chuyện một công ty sử dụng cùng lúc ba ông kỹ sư giả và trúng thầu thi công một công trình giao thông trị giá hơn 5,7 tỉ đồng trên địa bàn xã Bình Trưng, huyện Châu Thành. Ông kỹ sư giả thứ nhất là Nguyễn Hữu Minh Luân (SN 1979, ngụ quận 3, TP.HCM).

Tiền Giang: Ba người dùng bằng kỹ sư giả thi công nhiều công trình thật

18/09/2020, 11:11

Những ngày qua, dư luận huyện Châu Thành và tỉnh Tiền Giang xôn xao chuyện một công ty sử dụng cùng lúc ba ông kỹ sư giả và trúng thầu thi công một công trình giao thông trị giá hơn 5,7 tỉ đồng trên địa bàn xã Bình Trưng, huyện Châu Thành. Ông kỹ sư giả thứ nhất là Nguyễn Hữu Minh Luân (SN 1979, ngụ quận 3, TP.HCM).

Đường liên xã Nhị Bình - Bình Trưng trị giá hơn 13,7 tỉ đồng do ba ông kỹ sư giả thi công năm 2017 - Ảnh: Thanh Anh

Ba ông kỹ sư giả cùng làm chung công ty

Từ tháng 1.2013 ông Luân ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng G.P.B. ở xã Đạo Thạnh (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) với nghề nghiệp là kỹ sư xây dựng cầu đường bộ.

Theo hồ sơ PV có được, ông Luân tốt nghiệp Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM năm 2011 theo hình thức đào tạo “Vừa làm vừa học”. Theo văn bằng tốt nghiệp số hiệu 00155986 của ông Luân do tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM ký cấp bằng ngày 11.4.2011, ông Luân được xếp tốt nghiệp đại học loại khá, ngành xây dựng cầu đường bộ.

Người thứ hai là ông Nguyễn Huỳnh Khiết (SN 1982) quê quán ở tỉnh Bến Tre. Ông Khiết tốt nghiệp Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM năm 2011 theo hình thức “Vừa làm vừa học”, được xếp loại tốt nghiệp hạng khá. Theo thông tin ghi trên bằng tốt nghiệp số hiệu 032041 do tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông - Vận tải) ký cấp bằng ngày 29.8.2011 thì ông Khiết tốt nghiệp kỹ sư ngành xây dựng đường bộ. Từ ngày 2.1.2013, ông Khiết ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng G.P.B. không qua thử việc.

Ông kỹ sư giả thứ ba là ông Võ Hữu Hiệp (SN 1985). Ông Hiệp tốt nghiệp kỹ sư Bảo hộ lao động của Trường đại học Tôn Đức Thắng (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) hệ đào tạo chính quy vào năm 2012. Theo thông tin trên bằng tốt nghiệp số hiệu 025953 do Nhà giáo ưu tú - tiến sĩ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng, ký cấp bằng cho ông Hiệp vào ngày 28.5.2012 thì ông Hiệp được xếp tốt nghiệp loại khá. Trong khi đó các thông tin từ phía Công ty TNHH Tư vấn xây dựng G.P.B. cho thấy ông Hiệp đã làm việc tại công ty này đã được 5 năm, là cán bộ chuyên trách an toàn lao động ở các công trình xây dựng của công ty.

Bản sao bằng tốt nghiệp đại học của ba ông kỹ sư giả - Ảnh: Thanh Anh

Theo thông tin của PV, từ khi đầu quân cho Công ty TNHH Tư vấn xây dựng G.P.B. đến nay, ba ông kỹ sư Luân, Khiết, Hiệp đã trực tiếp thi công nhiều công trình tiền tỉ trong tỉnh Tiền Giang. Cụ thể như các công trình đường liên ấp Hòa - Ninh - Thuận ở xã Phú Phong (huyện Châu Thành) trị giá hơn 9,8 tỉ đồng (năm 2018); đường liên xã Nhị Bình - Bình Trưng (huyện Châu Thành) trị giá hơn 13,4 tỉ đồng (năm 2017), công trình khu dân cư chợ Tam Hiệp (huyện Châu Thành)…

Trong các công trình này, ông Luân đảm nhiệm chức vụ chỉ huy trường công trình, ông Khiết phụ trách kỹ thuật thi công, còn ông Hiệp phụ trách an toàn lao động. Tuy ba ông kỹ sư này sử dụng bằng giả để làm việc, thi công nhiều công trình, dư luận đã râm ran, nhưng lâu nay không bị ai xử lý.

Những giải thích tréo ngoe của các cơ quan hữu trách

Đến tháng 3.2020, khi UBND huyện Châu Thành đồng ý cho mở thầu thi công xây dựng đường Phan Thanh (xã Bình Trưng, huyện Châu Thành) đang hư hỏng xuống cấp với tổng giá trị gói thầu là hơn 5,7 tỉ đồng, thì nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên, điều làm dư luận bất ngờ là trong lúc nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện bị cho rớt thầu với lý do “không đạt yêu cầu của hồ sơ mời thầu” thì ngày 12.5 ông Huỳnh Văn Bé Hai, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, có quyết định phê duyệt cho Công ty TNHH Tư vấn xây dựng G.P.B trúng thầu thi công xây dựng đường Phan Thanh. Trong danh sách nhân sự do công ty G.P.B. đưa ra dự thầu có ba ông kỹ sư Luân, Khiết, Hiệp, khiến các nhà thầu khác rất bất bình.

Ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp có ý kiến phản ứng việc ba ông kỹ sư này sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả, không đủ tiêu chuẩn để tham gia thi công công trình, nên Công ty TNHH Tư vấn xây dựng G.P.B. được phê duyệt trúng thầu là điều bất hợp lý, bất công trong việc đấu thầu.

Sau khi bị các doanh nghiệp phản ứng, ngày 13.7 Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Huỳnh Văn Bé Hai ký văn bản gửi Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Châu Thành, yêu cầu cơ quan này phối hợp đơn vị tư vấn tiến hành kiểm tra hồ sơ, trả lời về việc doanh nghiệp phản ánh thiếu khách quan trong việc xét gói thầu đường Phan Thanh, sau đó báo cáo về UBND huyện trước ngày 17.7.

Ngay trong ngày 13.7, ông Lê Công Tạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Châu Thành có văn bản, cho biết việc đánh giá hồ sơ dự thầu là do Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Tiền Giang - là đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu. Công ty này đã có báo cáo đánh giá gửi cho bên mời thầu là Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Châu Thành trình Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, trình UBND huyện Châu Thành phê duyệt theo đúng quy định.

Nhưng điều bất ngờ là trong văn bản tạo ông Tạo lại khẳng định đến thời điểm hiện tại bên mời thầu chưa có thông báo về kết quả lựa chọn nhà thầu, do đó doanh nghiệp gửi văn bản nêu ý kiến về bằng cấp của nhân sự chủ chốt (bên trúng thầu - PV) không hợp lệ có thể dẫn đến việc đánh giá hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu và việc thiếu khách quan trong xét thầu, là không có căn cứ.

Các văn bản xác định bằng cấp không có thật của Trường đại học Giao thông - Vận tải và Trường đại học Tôn Đức Thắng - Ảnh: Thanh Anh

Không đồng ý với cách trả lời của lãnh đạo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Châu Thành, các doanh nghiệp quyết làm cho ra lẽ, gửi công văn đến Trường đại học Tôn Đức Thắng và Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM xin xác minh văn bằng đại học của 3 ông kỹ sư Luân, Khiết, Hiệp. Ngày 21.7, thạc sĩ Nguyễn Trọng Trung, thừa lệnh Hiệu trưởng Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM ký 2 văn bản số 682/ĐHGTVT-ĐT và 683/ĐHGTVT-ĐT, xác định:

Bằng kỹ sư ngành xây dựng đường bộ số hiệu 00155986 do tiến sĩ Nguyễn Văn Thư ký cấp bằng cho Nguyễn Hữu Minh Luân, tốt nghiệp năm 2011 hình thức đào tạo vừa làm vừa học, xếp loại tốt nghiệp khá, số vào sổ cấp bằng 0164/XD08, không đúng với hồ sơ lưu của trường. Bằng tốt nghiệp kỹ sư xây dựng đường bộ của ông Nguyễn Huỳnh Khiết cũng bị xác định là không đúng với hồ sơ lưu của trường.

Đến ngày 30.7, Trường đại học Tôn Đức Thắng có văn bản số 1289-4/XMVB-TĐT, xác nhận nhà trường không cấp bằng tốt nghiệp đại học cho Võ Hữu Hiệp (SN 1985) ngành đào tạo bảo hộ lao động, số hiệu bằng 025953, ngày cấp 28.5.2012, số vào sổ cấp bằng 12248370134. Tuy nhiên, trước các chứng cứ về bằng cấp giả của ba ông kỹ sư, các cơ quan hữu trách của huyện Châu Thành vẫn… làm thinh.

Giữa tháng 9.2020, PV đã đến trụ sở UBND huyện Châu Thành đề nghị được nghe ý kiến của lãnh đạo huyện về việc xử lý vụ lùm xùm kỹ sư sử dụng bằng giả thi công các công trình thật. Sau khi nghe PV trình bày yêu cầu, các cán bộ của Văn phòng UBND huyện hướng dẫn PV ra gặp… cán bộ tiếp dân.

Tại đây, sau khi xem xét kỹ các giấy tờ của PV xuất trình và nghe PV trình bày yêu cầu, cán bộ Phòng Tiếp dân cho biết… lâu nay chẳng nghe ai thắc mắc, khiếu nại gì về vụ kỹ sư giả là nhân sự chủ chốt thi công gói thầu đường Phan Thanh và các công trình khác trong huyện. Khi PV đề nghị được gặp Chủ tịch UBND huyện - Huỳnh Văn Bé Hai để hỏi ý kiến, vị cán bộ tiếp dân từ chối, yêu cầu cơ quan phải có văn bản xin gặp Chủ tịch huyện mới được bố trí cho gặp.

Trong khi đó dù PV đã nhiều lần liên hệ với Công ty TNHH Tư vấn xây dựng G.P.B. theo số điện thoại ghi trên các giấy tờ, hồ sơ để tìm hiểu xem giám đốc công ty này có biết lâu nay sử dụng ba ông kỹ sư giả để thi công các công trình hay không, nhưng điện thoại chỉ đổ chuông mà không ai nghe máy.

Thanh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang: Ba người dùng bằng kỹ sư giả thi công nhiều công trình thật