“Nhưng khi tui làm xong xuôi thủ tục thì họ tìm mọi cách chối từ, khiến tui lâm cảnh khốn đốn”, ông Phong nói.

Tiền Giang: Cán bộ 'đổ' nhau chuyện không cho tàu vào bến

Thanh Anh | 09/12/2020, 08:41

“Nhưng khi tui làm xong xuôi thủ tục thì họ tìm mọi cách chối từ, khiến tui lâm cảnh khốn đốn”, ông Phong nói.

Giấy phép của tỉnh thua quyền quan huyện

Ông Võ Thanh Phong (SN 1970) Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Việt Phong (gọi tắt là Công ty Việt Phong), có địa chỉ ở ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết ông đã quá mỏi mệt. Bởi gần 2 tháng qua ông phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để xin phép cho đội tàu đón khách du lịch của công ty hoạt động, nhưng không được ai giải quyết.

1.jpg
Những chiếc tàu của Công ty Việt Phong nằm phơi mưa nắng từ đầu năm đến nay - Ảnh: Thanh Anh

Cầm trên tay xấp giấy tờ gồm Giấy phép Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, Chứng chỉ Nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa, Giấy Chứng nhận ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa… ông Phong ngao ngán trình bày: “Doanh nghiệp của tui hoạt động kinh doanh đưa đón khách du lịch sông nước trên địa bàn H.Cái Bè đã lâu. Từ năm 2014, doanh nghiệp chuyên kinh doanh đưa đón khách quốc tế đi theo đoàn, với 6 chiếc tàu du lịch trị giá bạc tỉ và 10 nhân viên phục vụ chuyên nghiệp. Trong suốt thời gian hoạt động, doanh nghiệp của tui chưa hề có vi phạm nào, thực hiện đóng góp kinh phí đầy đủ theo quy định của huyện, sẵn sàng điều động tàu đi hỗ trợ khi địa phương có yêu cầu”.

Từ đầu năm 2020 đến nay, khi đại dịch COVID 19 bùng phát toàn cầu, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hầu như không còn, nên doanh nghiệp du lịch Việt Phong đành tạm ngưng hoạt động, toàn bộ nhân viên đều thất nghiệp. Trong hoàn cảnh khó khăn, ông Phong vẫn cắn răng chi trả cho mỗi nhân viên 3 tháng lương để họ có điều kiện tạm ổn định cuộc sống trong thời gian đầu bị mất việc, để lo tìm việc làm mới, với lời căn dặn: “Khi doanh nghiệp hoạt động trở lại chỉ mong anh chị em quay về tiếp tục hợp tác”.

Giữa năm 2020, khi dịch COVID 19 tạm lắng dịu, ông Phong hay tin Bộ VH-TT&DL có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ để doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, phục hồi, góp phần đưa ngành du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường. Song song đó phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng xây dựng và tổ chức triển khai chương trình “Kích cầu Du lịch Việt Nam 2020” tầm cỡ quốc gia, huy động sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp du lịch, địa bàn triển khai được mở rộng trên cả nước.

Chương trình nhằm từng bước khôi phục hoạt động của ngành du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đi du lịch tới các vùng miền trong cả nước, nhất là những vùng không có dịch bệnh như các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Bắc, ĐBSCL, Côn Đảo, Phú Quốc...

2.jpg
Giấy phép hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa- Ảnh: Thanh Anh

Biết được thông tin Nhà nước đang khuyến khích phát triển thị trường du lịch nội địa trong khi không có khách du lịch quốc tế, ông Phong đã chủ động liên hệ với các cơ quan hữu trách của H.Cái Bè và tỉnh Tiền Giang, xin phép được tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Ông Phong xin phép cho tàu đón khách di du lịch dạng gia đình, bạn bè. Ông chỉ muốn khôi phục phần hoạt động của công ty, tạo điều kiện cho nhân viên của mình có công ăn việc làm, chờ cho đến khi dịch COVID 19 chấm dứt, khách quốc tế quay trở lại Việt Nam. Hơn nữa, 6 chiếc tàu của Công ty Việt Phong đậu một chỗ phơi mưa nắng từ đầu năm đến nay, tốn rất nhiều tiền bảo trì, nên đưa vào hoạt động thì sẽ nhẹ được phần nào kinh phí này.

“Lúc tui trình bày mục đích của mình, mấy ông sếp của Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT), Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh (VH-TT&TT) huyện - nơi phụ trách bến tàu du lịch, đều đồng ý. Từ đó tui mới đi vay 100 triệu đồng đóng tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa vào ngày 30.9, mỗi tháng trả tiền vốn gốc và lãi hơn 6,5 triệu đồng”, ông Phong kể.

3.jpg
Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa của Công ty Việt Phong - Ảnh: Thanh Anh

Ngày 9.10, Công ty Việt Phong được ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang cấp Giấy phép Kinh doanh lữ hành nội địa. Cầm tờ giấy phép của sở trong tay, ông Phong hí hửng mang về nộp cho các cơ quan hữu trách của H.Cái Bè, nhưng nhận ngay gáo nước lạnh. Ông Lê Văn Lâu, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT H.Cái Bè cương quyết không đồng ý cho Công ty Việt Phong đưa tàu vào đậu trong bến tàu du lịch Cái Bè để đón khách kinh doanh lữ hành nội địa theo sự cho phép của tỉnh.

“Bóng đổ thầy, thầy đổ bóng”

Gần 2 tháng qua, ông Phong liên tục tới lui, gặp gỡ các quan chức của Phòng VH-TT và Trung tâm VH-TT&TT huyện để hỏi rõ lý do vì sao đội tàu của ông không được vào đậu trong bến tàu du lịch Cái Bè để hoạt động đón khách lữ hành nội địa theo sự cho phép của tỉnh, nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Thậm chí, các quan chức của 2 cơ quan này còn bảo ông Phong chờ… đến năm 2021 sẽ giải quyết, khiến ông rất uất ức.

“Tui phải vay tiền đóng tiền ký quỹ để được cấp phép hoạt động, bây giờ mấy ông quan huyện cương quyết không cho hoạt động, bất chấp thiệt hại của doanh nghiệp, bất chấp việc Nhà nước đang khuyến khích phát triển du lịch nội địa ở những vùng không bị dịch bệnh COVID 19. Không lẽ quyền của quan huyện lớn hơn tờ giấy phép hợp pháp của tỉnh?”, ông Phong chua xót nói.

PV đã trao đổi qua điện thoại với ông Lê Văn Lâu, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT H.Cái Bè về vụ việc của Công ty Việt Phong. Ông Lâu cho biết, ông không làm khó doanh nghiệp, nhưng mọi thủ tục thẩm định đều do Phòng VH-TT xem xét và quyết định thời gian nào sẽ cho tàu của Công ty Việt Phong vào bến du lịch đón khách. Phía trung tâm chỉ thực hiện theo ý kiến quyết định của Phòng VH-TT và UBND H.Cái Bè.

Khi được PV hỏi về vụ việc của Công ty Việt Phong, ông Trần Văn Nhu, nguyên Trưởng Phòng VH-TT H.Cái Bè (nay đang giữ chức Phó Văn phòng Huyện ủy) khẳng định chuyện này thuộc thẩm quyền của phòng. Việc chưa cho phép tàu của Công ty Việt Phong vào bến đón khách là do sợ những công ty khác đang hoạt động tại bến tàu này đi thưa, bởi lẽ Công ty Việt Phong là đơn vị mới làm thủ tục kinh doanh lữ hành nội địa. Theo ông Nhu, đầu năm 2021 sẽ cho tất cả các công ty được đưa tàu vào bến đón khách, ông Phong… cố gắng chờ thêm một thời gian.

4.jpg
Bến tàu du lịch Cái Bè, nơi các ông quan ngành văn hóa huyện không đồng ý cho Công ty Việt Phong đưa tàu vào đón khách - Ảnh: Thanh Anh

Tuy nhiên trong cùng ngày, khi trao đổi qua điện thoại với ông Phong thì ông Trương Minh Tú, Trưởng Phòng VH-TT H.Cái Bè cho biết phòng đã đồng ý cho tàu của Công ty Việt Phong vào bến đón khách, không có trục trặc gì, việc sắp xếp tài chuyến là do phía Trung tâm VH-TT&TT thực hiện, nhưng Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT không chịu làm. Nhưng khi PV gọi điện đăng ký làm việc thì ông Tú từ chối, cho rằng chưa biết vụ gì của Công ty Việt Phong, từ trước đến nay cũng không nghe công ty này khiếu nại chuyện gì.

Đầu tháng 12, PV đến UBND H.Cái Bè xuất trình giấy tờ đăng ký gặp ông Trần Văn Út, Chủ tịch UBND huyện kiêm người phát ngôn, để hỏi về chuyện doanh nghiệp có phép hoạt động vẫn bị hành, thì Văn phòng UBND huyện yêu cầu PV phải làm văn bản, cơ quan đóng dấu ký tên đàng hoàng mới sắp xếp thời gian cho gặp và trả lời các vấn đề PV quan tâm.

Trong khi đó theo ông Võ Phạm Tân, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang, sở hoàn toàn không biết vụ việc Công ty Việt Phong được sở cấp phép nhưng huyện không cho phép hoạt động và việc làm này là không đúng. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang: Cán bộ 'đổ' nhau chuyện không cho tàu vào bến