NCIF dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,1%, CPI trung bình khoảng 3,9%.
Xu hướng xuất siêu cao khó có thể duy trì
Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khu vực nông lâm thủy sản giúp tăng trưởng kinh tế không giảm quá sâu năm 2020. Tuy vậy, với tỷ trọng đóng góp không cao (khoảng 14% GDP) và tốc độ tăng trưởng không vượt quá 3% thì khó có thể trở thành động lực hỗ trợ tăng trưởng khi nền kinh tế hồi phục.
Xu hướng xuất siêu cao khó có thể tiếp tục duy trì do trong điều kiện nền kinh tế hồi phục sản xuất sẽ làm tăng nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, trạng thái xuất siêu cao như năm 2020 khó có thể duy trì.
Theo NCIF, về phía cung, ngành chế biến, chế tạo dự báo sẽ tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng với việc nhu cầu thế giới và trong nước trên đà hồi phục, dự báo tăng trưởng của nhóm ngành chế biến chế tạo sẽ đạt cao và đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế.
Cùng với sự hồi phục khu vực công nghiệp xây dựng, khu vực dịch vụ có nhiều khả năng phục hồi chủ yếu ở nhóm ngành bán buôn, bán lẻ.
Về phía cầu, tiêu dùng nội địa trở thành động lực giúp hồi phục một số ngành kinh tế quan trọng. Ngoài việc giúp ngành chế biến chế tạo và bán buôn, bán lẻ phát triển, tiêu dùng trong nước có thể bù đắp cho sự khó khăn của một số ngành đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như du lịch, lữ hành, lưu trú khi thiếu hụt khách nước ngoài.
Bên cạnh đó, sự gia tăng đầu tư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài giúp hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp hồi phục. Tăng đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường châu Âu và Mỹ giúp phục hồi sản xuất.
Dù xuất khẩu sẽ kéo theo việc tăng nhập khẩu, qua đó làm giảm đóng góp của xuất khẩu ròng đến tăng trưởng, nhưng việc tăng các đơn hàng do nhu cầu thế giới hồi phục sẽ là điều kiện giúp doanh nghiệp xuất khẩu trong nước gia tăng sản xuất.
Trung tâm này cũng cho rằng chính sách hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công vào các công trình quy mô lớn, có sức lan tỏa lớn; niềm tin của người dân đang được củng cố; những nỗ lực bộ máy mới sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đều có thể trở thành những động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Ngoài ra, một số xu hướng mới có thể được đẩy nhanh hơn sau đại dịch COVID-19 cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn nền kinh tế như xu hướng chuyển đổi kinh tế số, tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử đều có thể sẽ làm tăng hiệu quả, năng suất lao động tại một số ngành/lĩnh vực.
Năm 2021, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội
NCIF cho rằng bước sang năm 2021, kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội. Kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh được kỳ vọng kiểm soát. Khu vực ASEAN được dự báo vẫn là khu vực kinh tế tăng trưởng cao và năng động nhất thế giới.
Với nền tảng vĩ mô khá ổn định và được đánh giá cao trong công tác kiểm soát và đối phó với dịch bệnh, Việt Nam đang có có lợi thế trong việc thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và kinh doanh quốc tế.
“Đây là một yếu tố quan trọng đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh và xung đột thương mại có thể đẩy nhanh quá trình dịch chuyển vốn sang các thị trường tiềm năng. Việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới (CPTPP và EVFTA) cũng là điều kiện để Việt Nam có thể mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 và giai đoạn tới”, NCIF nhận định.
Tuy nhiên, theo trung tâm này, diễn biến dịch COVID-19 còn có nhiều bất định, đặc biệt là ở nhiều nước đối tác thương mại đầu tư lớn của Việt Nam, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và thương mại trong nước.
Các yếu tố giúp duy trì tăng trưởng kinh tế năm 2020, như việc thực hiện các gói cứu trợ người lao động và doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cũng chưa mang lại nhiều hiệu quả; việc nâng cao tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn khó khăn, đầu tư tư nhân suy giảm; tâm lý tiêu dùng còn chưa ổn định làm giảm quy mô tiêu dùng.
Ngoài ra, nhiều ngành sản xuất truyền thống như dệt may và da giày, dịch vụ du lịch và bán lẻ đang đối mặt với nguy cơ suy giảm sản xuất do chuỗi cung ứng và tiêu thụ chưa được phục hồi; các biến động của môi trường quốc tế sẽ tác động đến Việt Nam nhanh hơn, sâu sắc hơn; những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết; những rủi ro phi truyền thống tiềm ẩn có nguy cơ bùng phát dưới nhiều hình thức và mức độ ngày một khốc liệt.
Tăng trưởng năm 2021 có thể đạt 6,1%
Theo NCIF, 2021 sẽ là năm kinh tế thế giới bước vào thời kì phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trung tâm này dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2021.
Kịch bản cơ sở: Tăng trưởng kinh tế bình quân năm của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,1%, CPI trung bình khoảng 3,9%.
Đây là kịch bản khả năng xảy ra nhiều hơn, diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, khi đại dịch COVID-19 dần được khống chế.
Ở kịch bản này, một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trở lại. Tăng trưởng của Mỹ giả định đạt 3%; tăng trưởng của Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại với giả định tăng trưởng ở mức 5%. Giá dầu giữ ở mức thấp, tương ứng năm 2020 là 45 USD/thùng.
Trong nước, sản xuất dần phục hồi, đầu tư khu vực nhà nước tăng trưởng ở mức 7%. Đóng góp của khu vực FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) dự kiến tiếp tục được duy trì. Chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng linh hoạt, phù hợp nhằm duy trì thị trường tài chính tiền tệ, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Kịch bản cao: Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 6,7%, CPI trung bình khoảng 4,2% năm 2021.
Kịch bản này ít khả năng hơn nhưng cũng có thể xảy ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh khi dịch COVID-19 trên thế giới hoàn toàn được khống chế. Qua đó, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ đạt khoảng 3,5%.
Ở kịch bản này, kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2021, quy mô nền kinh tế đạt trở lại như giai đoạn trước khi dịch COVID-19 diễn ra.
Thêm vào đó, tận dụng được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, luồng vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ khởi sắc trở lại. Đầu tư khu vực nhà nước đạt 8%. Các yếu tố khác không đổi so với kịch bản cơ sở.