Những ngày gần đây, độ mặn trên hệ thống sông rạch ở tỉnh Tiền Giang giảm, các ngành chức năng và người dân địa phương khẩn trương lấy, trữ nước ngọt phòng chống hạn mặn có khả năng còn xâm nhập sâu.
Hôm nay 11.2, độ mặn nước trên sông Tiền địa bàn TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang giảm còn 0,4 gam/lít; tại Vàm Kỳ Hôn chỉ dao động trên dưới 2 gam/lít. Để tích trữ nước phòng ngừa xâm nhập mặn còn tiếp diễn vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 tới, hệ thống cống ở địa bàn TP.Mỹ Tho như cống Gò Cát, Bảo Định mở cửa. Ngành nông nghiệp cử cán bộ trực 24/24 để lấy nước vào kênh nội đồng. Riêng cống Xuân Hòa, huyện Chợ Gạo tổ chức lấy gạn khi độ mặn dưới 1 gam/lít (lấy nước vào khi đỉnh triều thấp). Đối với các cống ven kênh Chợ Gạo, sông Tra, sông Cửa Tiểu và ven đê biển Gò Công được đóng kín để ngăn mặn. Riêng toàn bộ hệ thống cống ở các huyện phía Tây là Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè đều mở cửa bình thường để cung cấp nước ngọt thường xuyên cho hàng chục nghìn ha vườn cây trái.
Theo Sở NN-Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay hơn 21.000 ha lúa Đông Xuân khu vực phía Đông đều ở giai đoạn từ trổ đòng đến giai đoạn chính và cho thu hoạch. Trong khi đó mực nước trong kênh nội đồng còn ở mức cao và được cấp bổ thường xuyên nên không bị thiệt hại do hạn mặn. Đối với hàng nghìn ha hoa màu, cây ăn trái, nông dân cũng tăng cường khâu bơm, trữ nước trong ao, hồ, mương vườn để ứng phó với hạn mặn.
Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang - đơn vị quản lý vận hành hệ thống cống đập ngăn mặn, trữ ngọt cho biết: “Tại TP.Mỹ Tho cống Gò Cát, Bảo Định đang mở trở lại bình thường, lấy nước vào được mấy ngày nay rồi. Cống Xuân Hòa nếu mặn dưới 1 gam/lít thì lấy vô. Các cống cặp kênh Chợ Gạo, Gò Công thì đóng hết. Hiện giờ nước trong nội đồng của dự án “Ngọt hóa Gò Công" còn khá. Với lại lúa thu hoạch gần 60%, nhu cầu nước cũng ít, nên bây giờ mình lấy nước vô trữ phục vụ cho rau màu, cây ăn trái mùa khô”. Còn chị Nguyễn Thị Kim Hoa-hộ trồng cây thanh long ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, nước ngọt dưới kênh mương còn nhiều. Vườn thanh long tưới liên tục nên cây rất tốt và cho trái khá nhiều. Vụ này giá thanh long gần 30.000 đồng/kg nên nhà vườn rất phấn khởi. Cây thanh long chịu khô hạn rất cao nên với lại khi mặn tấn công thì các cống đóng kín, trữ nước ngọt bên trong nên cũng không sợ thiệt hại.