Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler bình chọn Việt Nam đứng thứ 9 trong 20 quốc gia du lịch được yêu thích nhất năm 2020. Và bức tranh thủy mặc Rừng tràm Trà Sư góp phần xác lập thứ hạng TOP vào cảnh quan du lịch mà giới xê dịch chọn bấm nút chấm điểm.

Tiếng chim hót trong rừng xanh – Kho tài nguyên vô giá ở rừng tràm Trà Sư

Phương Anh - Q.C | 18/12/2020, 18:12

Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler bình chọn Việt Nam đứng thứ 9 trong 20 quốc gia du lịch được yêu thích nhất năm 2020. Và bức tranh thủy mặc Rừng tràm Trà Sư góp phần xác lập thứ hạng TOP vào cảnh quan du lịch mà giới xê dịch chọn bấm nút chấm điểm.

Ngoài vẻ đẹp trác tuyệt của thiên đường xanh ngập nước, nơi đây còn là ngôi nhà chung để vạn vật quần tụ, sum vầy réo gọi ngày xanh. Như một phần thưởng vô giá cho những người ngày đêm bảo vệ những sinh mệnh chim muông là bản hòa tấu không ngừng, chúng cùng đồng thanh hòa giọng cất lên khúc hát ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp, ca ngợi cuộc sống bằng những giai điệu nồng nàn, thắm thiết.

chimsumvaytaohinhorungtramtrasu18122020.png
Những đàn chim sum vầy tham gia trò chơi "tạo hình" trên vùng trời bình yên ở rừng tràm Trà Sư

Vẽ đẹp cánh rừng tràm bất tận

Du khách không khỏi ngỡ ngàng với tiên cảnh trần gian, bị “hút” ngay tức khắc bởi vẻ đẹp bất tận qua cánh rừng tràm bạt ngàn cắm rễ sâu xuống đất là biểu tượng đáng tự hào đại diện cho phẩm chất cần lao đáng quý của người dân nơi đây. Càng tiến sâu vào khu rừng, một thế giới huyền bí, mướt xanh nguyên thủy dần mở ra với tấm thảm nhung bèo được thiên nhiên khéo trải, dài tận chân trời.

Ông Đinh Quang Thái – Giám đốc Khu du lịch Rừng Tràm Trà Sư, cho biết: “Gần đây, các ngày cuối tuần Khu du lịch đón khoảng 800 khách/ngày, tăng gần 3 lần so với ngày thường nhờ chương trình giảm 10% giá vé vào cổng và giảm giá các dịch vụ khác.”. Đây là một tín hiệu tích cực trong những ngày sắp Tết đón xuân về gần kề.

Giữa biển nước mênh mông, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng viết: Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở. Da diết lòng hương dịu tự vườn cau. Mùa nước nổi ở Trà Sư  là một kho tàng truyện cổ tích chưa bao giờ cũ, nơi du khách có thể lắng nghe những lời tự tình của chim muông vào mùa giao thoa rực rỡ.

Khung cảnh thiên nhiên thay đổi từ màn này sang màn khác sẽ đưa du khách lạc vào một vùng thiên nhiên trù phú. Và đã là thiên đường thì sẽ có nhiều cái “nhất”: “Rừng tràm đẹp nhất VN”, “Cầu tre xuyên rừng dài nhất VN”… Dạo bước qua những nhịp cầu tre uốn lượn, thả hồn dưới tán tràm rợp mát, du khách sẽ càng cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên hiện lên qua những kiến tạo độc đáo, tinh tế từ bàn tay tài hoa của con người nơi đây.

octhanhvancunggiadinhorungtramtrasu18122020.jpg
Ốc Thanh Vân cùng những thiên thần nhỏ đáng yêu của mình đi du ngoạn rừng Tràm

Khoảnh khắc đẹp nhất ở Trà Sư

Khi hoàng hôn buông xuống, là lúc mặt trời dần biến và để lại một phong cảnh của những sắc thái vàng. Những tia nắng cuối cùng trong ngày nhạt dần chỉ còn sót lại những sợi tơ vàng óng xuyên qua từng kẻ lá, mang đến sự lãng mạn, ấm áp và bình yên,… đó cũng là lúc đàn chim trú ngụ trong rừng tràm bắt đầu bay về tổ cất tiếng ngân vang gọi bầy trong gió chiều, tạo cảm giác hoang dã mà nên thơ. Du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng cảnh “Lạc hà dữ cô lộ tề phi” với những khoảnh khắc kỳ diệu nhất trong ngày ở rừng tràm Trà Sư.

Những đàn chim đông nghịt hiếm hoi quần tụ bay lượn, chao nghiêng rồi nhập vào nhau thành hình tròn cùng xoay cuồng trên không trung nhạt nắng như “trò chơi tạo hình”, vẽ nên một bức họa toàn bích trong những ngày cuối đông còn vương vấn gọi mầm xuân chớm nở:

“Xuân thời nghĩa đượm trải nồng say
Xướng chạm nhành hoa lộc phủ dày
Xuất nhạc bình yên nhường tứ thắm
Xen lời hạnh phúc chuyển điều hay
Xuồng lay ngọn sóng mơ màng vẫy
Xoắn xuýt trao duyên dệt tháng ngày
Xoải cánh chim trời gieo ước mộng
Xây tình gởi nắng... nhẹ nhàng bay.”

Nhức nhối vấn nạn tận diệt chim trời

Ấy thế nhưng “kho báu” của Trà Sư đang bị đe dọa mỗi ngày bởi những “cò tặc - cá tặc” lộng hành. Nếu như nhà đầu tư chăm bẵm, nâng niu, bảo vệ và dành tình yêu thương trọn vẹn cho muôn loài bao nhiêu thì những kẻ săn bẫy công khai thách thức Luật pháp bấy nhiêu. Ngày nào cũng có những chú chim vô tội, đáng yêu bị sát hại.

Hàng giờ đều có những kẻ sử dụng đủ các loại hình dụng cụ để diệt cá, diệt chim. Thậm chí, tận diệt chim trời giờ trở thành nghề hái ra tiền của nhiều người ở các xã vùng ven Trà Sư. Đơn vị quản lý rừng, lực lượng kiểm lâm, nhà đầu tư, công an xã, dân quân tự vệ đã phối hợp cùng dân địa phương nhiều lần truy đuổi “Bắt tận tay day tận trán” nhưng tới thời điểm này chưa có “tặc” nào bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự về bẫy diệt chim trời.

cotacrungtramtrasubibat18122020.jpg
"Cò tặc" bị bắt quả tang

Cảnh vặt lông “sống”, chế biến, mời chào, bày bán công khai ở các chợ và nhiều quán ăn dọc bìa rừng tràm Trà Sư xem như đây là đặc sản để “câu khách”, phục vụ cho khoái khẩu của nhiều người trên tiếng kêu cứu tuyệt vọng của các loài thiên điểu. Tàn nhẫn hơn, cò tặc còn dùng những con chim mồi bị buộc dây, khâu mắt để dụ các con chim khác sà xuống rồi rơi vào “thiên la địa võng” và đành bất lực khi dính bẫy.

Thế giới sẽ như thế nào khi tắt lặng tiếng chim muông ríu rít ? Và đến khi nào nạn tận diệt chim trời được chấm dứt ? Câu trả lời chắc hẳn nằm ở “Ý thức” bảo vệ môi trường của mỗi chúng ta, sự quyết liệt ngăn chặn và nghiêm trị thích đáng đối với hành vi săn bắt, tận diệt chim trời trái pháp luật của các cấp chính quyền và sự quan tâm bảo vệ động, thực vật thiên nhiên từ Chính phủ.

Sinh cảnh tự nhiên - nơi cư ngụ của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái độc nhất vô nhị tại Rừng Tràm Trà Sư cần được chở che, bảo vệ và gìn giữ cẩn thận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếng chim hót trong rừng xanh – Kho tài nguyên vô giá ở rừng tràm Trà Sư