NXB Trẻ vừa quyết định tiêu hủy toàn bộ ấn phẩm Truyện Kiều bị lỗi và thay thế bằng bản in mới hoàn thiện hơn. Sách được ra mắt vào sáng ngày 24.11 tại TP.HCM.
Về bản Truyện Kiều bị lỗi
Vào tháng 8.2015 NXB Trẻ phối hợp cùng Ban Văn bản Truyện Kiều – Hội Kiều học Việt Nam, cho ra đời ấn bản Truyện Kiều đặc biệt để kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du. Bản Truyện Kiều do Ban Văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo, chú giải. Sách được ra mắt dưới dạng bản thảo để phục vụ cho hội thảo quốc tế về Nguyễn Du tổ chức tại Hà Nội. Bản Truyện Kiều được in song đôi chữ quốc ngữ và chữ Nôm, cùng những khảo dị và chú giải trên tinh thần hiện đại. Trước đó, trong quá trình làm việc, Ban Văn bản Truyện Kiều gồm: các nhà nghiên cứu Hán - Nôm Thế Anh và Nguyễn Khắc Bảo, cố giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Khóa, Vũ Ngọc Khôi, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, GS Trần Đình Sử và nhà thơ Vương Trọng đã dồn nhiều tâm sức nghiên cứu nhiều năm để đi đến một văn bản đồng thuận.
Tuy nhiên bản Truyện Kiều này chưa kịp phát hành ra thị trường thì các nhà nghiên cứu và các học giả đã phát hiện còn một số chỗ chưa chuẩn xác và đồng thuận hoàn toàn.
Phần lỗi được phát hiện cụ thể nằm ở trang 29. Từ một câu thơ mô tả về thân phận của nhân vật Đạm Tiên được chú giải như sau: Từ “ca nhi” trong câu “Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi” được giải thích: “Ca nhi: Tống thư có câu: “Ca nhi, vũ nữ” (con trai hát, con gái múa)”. Với cách chú giải như vậy, người đọc sẽ hiểu ca nhi là “con trai hát” còn nghĩa của vũ nữ là “con gái múa”. Đồng thời với cách giải thích đó cũng đã vô tình "chuyển giới tính" của Đạm Tiên từ nữ thành nam.
Quyết định tiêu hủy và cho ra đời bản mới
Từ những sai sót trên, NXB Trẻ cùng Hội Kiều học Việt Nam đã đi đến quyết định tiêu hủy toàn bộ bản Truyện Kiều trước đó (bản ra mắt vào ngày 8.8.2015) và thay thế bằng bản mới hoàn chỉnh hơn. Bản mới này cũng đã được ban thẩm định gồm GS Nguyễn Khắc Phi, PGS.TS Trần Nho Thìn và TS Trần Trọng Dương thẩm định nhằm mục đích nâng cao chất lượng bản Truyện Kiều đặc biệt này.
|
Bìa bản Truyện Kiều ra mắt ngày 24.11.2015 |
Tại buổi ra mắt ấn phẩm Truyện Kiều bản mới, GS Trần Đình Sử, Phó chủ tịch Hội Kiều học đã chia sẻ: “Để xảy ra một số từ sai, lỗi sai trong cuốn sách là một sự việc đáng tiếc khiến chúng tôi thấy rất có lỗi. Nhưng không thể phủ nhận công sức nghiên cứu chú giải của cả một tập thể. Sau khi phát hiện sự cố, chúng tôi đã cố gắng chỉnh sửa để có được ấn bản Kiều mới hoàn thiện hơn”.
|
Giáo sư Trần Đình Sử (giữa) tại buổi ra mắt ấn bản Truyện Kiều mới vào sáng 24.11 ở TP.HCM. |
Nói về việc quyết định tiêu hủy toàn bộ ấn phẩm Truyện Kiều bị lỗi trước đó, ông Nguyễn Minh Nhựt, GĐ NXB Trẻ cho biết: "Với những sai sót như vậy, chúng tôi có thể khắc phục bằng biện pháp kỹ thuật hoặc có thể đính chính. Nhưng để tỏ lòng kính trọng Đại thi hào Nguyễn Du, chúng tôi đã đi đến quyết định tiêu hủy và in lại 2.000 bản hoàn toàn mới".
Về bản Truyện Kiều mới
Truyện Kiều bản mới ra mắt ngày 24.11.2015 được Hội Kiều học biên soạn dựa trên 8 bản Kiều chữ Nôm khắc in trong khoảng thời từ năm 1866 đến 1896. Ngoài ra còn được tham khảo từ các bản Truyện Kiều ra đời sau đó. Với lần xuất bản này, các nhà biên soạn cũng đã phục nguyên hơn 400 chữ so với các bản Truyện Kiều thông dụng đang được phổ biến khác.
Truyện Kiều bản mới được cải tiến rõ rệt nhất ở phần chú thích với cách thể hiện rõ ràng, gọn gàng, dễ hiểu và rất khoa học. Sách được trình bày trang trọng, đẹp mắt mang tính mỹ thuật cao. Theo nhận định của giới chuyên môn, bản Truyện Kiều lần này có thể được xem như cuốn từ điển Nôm – quốc ngữ chứa đựng nhiều ngôn ngữ phong phú từ áng văn chương bất hủ của Đại thi hào Nguyễn Du.
Tiểu Vũ