Với việc 217 tỉ đồng chưa được minh bạch trong sử dụng, tiểu thương chợ An Đông không đồng ý ký vào bản dự thảo hợp đồng mới. Đồng thời mong muốn có “Giấy chứng nhận góp vốn” để ổn định buôn bán lâu dài.

Tiểu thương chợ An Đông phản đối dự thảo hợp đồng mới

Hồ Đông | 18/06/2019, 13:43

Với việc 217 tỉ đồng chưa được minh bạch trong sử dụng, tiểu thương chợ An Đông không đồng ý ký vào bản dự thảo hợp đồng mới. Đồng thời mong muốn có “Giấy chứng nhận góp vốn” để ổn định buôn bán lâu dài.

Cần minh bạch 217 tỉ đồng

Theo đơn kêu cứu của tiểu thương chợ An Đông cho biết, tháng 4.2013, đã cùng nhau đóng góp số tiền tổng cộng là 217 tỉ đồng để sửa chữa chợ đang bị xuống cấp. Vào ngày 27.2.2013, Ban quản lý chợ cũng xác nhận qua biên bản làm việc với bà con tiểu thương số tiền 217 tỉ đồng sẽ được dùng vào nâng cấp, cải tạo chợ An Đông.

Thế nhưng, kể từ thời điểm năm 2013 cho đến nay, chợ An Đông chỉ sửa chữa được vài hạng mục nhỏ. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là sửa chữa bốn mặt tiền chợ An Đông vẫn không được tiến hành.

"Doanh thu tiểu thương giảm đến phân nửa so với trước đây do cơ sở vật chất xuống cấp nặng. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu minh bạch số tiền 217 tỉ đồng nhưng vẫn không được giải quyết. Cụ thể, chúng tôi muốn biết số tiền đó đã được dùng vào việc gì, sửa chữa những gì, còn bao nhiều tiền nhưng Ban quản lý vẫn không trả lời”, một tiểu thương ở chợ An Đông cho biết.

Trước đó, UBND quận 5 cho biết, số tiền 217 tỉ đồng đã gửi trong Kho bạc Nhà nước vì tiền cho thuê sạp được nộp cho ngân sách Nhà nước. Việc chi tiền để sửa chữa các hạng mục chợ An Đông đều theo quy định Nhà nước về đầu tư công.

Tuy nhiên, theo tiểu thương chợ An Đông, số tiền 217 tỉ đồng không thể nào thuộc diện ngân sách nhà nước.

“Vì chúng tôi được biết rằng tiền thu ngân sách là nguồn thu từ các hoạt động đúng quy định của pháp luật, nhưng số tiền này UBND quận 5 đã thu sai quy định của pháp luật, vì bản hợp đồng đã ký với hơn 2.000 tiểu thương đã là không đúng thì nguồn thu này không thể gọi là tiền ngân sách được?”.

Không đồng tình với bản hợp đồng mới

Hình ảnh Ban Quản lý hợp với tiểu thương về dự thảo bản hợp đồng mới

Vừa qua (10.6-14.6.2019), Ban Quản lý chợ An Đông đã liên tục mời hơn 1.300 tiểu thương chợ An Đông họp lấy ý kiến để tiến hành ký vào bản hợp đồng “Sử dụng điểm kinh doanh” mới (thời hạn từ 2019-2028). Kèm theo đó, tiểu thương phải ký vào “Biên bản thanh lý hợp đồng” được ký vào năm 2013 (đến năm 2021 mới hết hạn).

Thế nhưng, tiểu thương chợ An Đông đã không đồng tình và lo ngại với bản hợp đồng mới từ phía Ban Quản lý. Bởi vì, theo tiểu thương, chợ An Đông là chợ truyền thống đầu mối loại I (theo điểm a’, khoản 2, Điều 2 nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14.1.2003 của Chính phủ về quản lý và phát triển chợ).

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố và UBND quận 5 cũng đã khẳng định An Đông là chợ truyền thống loại I của thành phố. Ngoài ra, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương cũng đã khẳng định chợ truyền thống thì không thu tiền thuê quầy sạp mà chỉ thu phí và lệ phí.

Từ đây, tiểu thương cho rằng hợp đồng cho thuê quầy sạp có thời hạn mà Ban Quản lý đã phát hành và buộc tiểu thương ký vào tháng 4.2013 là một bản hợp đồng không đúng quy định, Nghị định của Chính phủ.

Đồng thời, UBND quận 5 không chứng minh được mình là chủ sở hữu của tòa nhà chợ An Đông. Vì nếu là chủ sở hữu thì quận 5 phải dùng tiền ngân sách của nhà nước để xây dựng thì mới là quyền chủ sở hữu, mới có quyền cho người khác thuê quầy sạp.

“Chúng tôi muốn UBND quận 5 phải ra “Quyết định hủy bỏ hợp đồng” chứ không được dùng là “Biên bản thanh lý hợp đồng”. Thêm vào đó, chúng tôi mong muốn UBND quận 5 hãy cấp cho tiểu thương “Giấy chứng nhận góp vốn” giống như các tiểu thương ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) để có thể yên ổn buôn bán.

Bởi vì sao, vào năm 1989, tiểu thương chợ Bà Chiểu cũng bỏ tiền để xây dựng chợ và được phía quận Bình Thạnh cấp giấy chứng nhận. Từ đó đến nay, tiểu thương ở chợ Bà Chiểu yên ổn buôn bán mà không phải có hợp đồng đi thuê quầy sạp như chúng tôi”, một tiểu thương chợ An Đông cho hay.

Hồ Đông
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiểu thương chợ An Đông phản đối dự thảo hợp đồng mới