Trong hai ngày 24 và 25.10, tại Trà Vinh, Diễn đàn Mekong Salt Lab 2024 đã được tổ chức thành công với sự tham gia của các đơn vị trong nước và quốc tế.
Bảo vệ môi trường

Tìm giải pháp sống chung với xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Văn Kim Khanh 15:42 30/10/2024

Trong hai ngày 24 và 25.10, tại Trà Vinh, Diễn đàn Mekong Salt Lab 2024 đã được tổ chức thành công với sự tham gia của các đơn vị trong nước và quốc tế.

Tại Diễn đàn Mekong Salt Lab 2024, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như chính quyền địa phương cùng thảo luận và đưa ra giải pháp hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững về kinh tế - môi trường trước tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt là xâm nhập mặn (XNM) và hạn hán ngày càng phức tạp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

anh-1-tv.jpg
Đoàn đại biểu đến từ Cồn Chim, xã Hòa Minh (Châu Thành, Trà Vinh) - Ảnh: V.K.K

Diễn đàn có hai hoạt động chính: Hoạt động tham quan các mô hình thử nghiệm đang được triển khai và vận hành tại Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành diễn ra vào ngày 24.10; hoạt động thứ 2 diễn ra vào ngày 25.10 là buổi thảo luận chuyên môn về các chiến lược xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp nước mặn với sự tham gia của các nhà khoa học trong việc phát triển các mô hình của dự án Mekong Salt lab trong thời gian sắp tới (giai đoạn 3).

Sự kiện có sự tham gia của ông Daniël Coenraad Stork - Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM; ông Willem Timmerman - Bí thư thứ nhất về khí hậu và nước, Đại sứ quán Hà Lan; ông Gregor Van Essen - Giám đốc The Water Agency, Hà Lan, Giám đốc dự án Mekong Salt Lab; GS-TS Phạm Tiết Khánh - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Trà Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam; PGS-TS Diệp Thanh Tùng - Phó hiệu trưởng Trường đại học Trà Vinh; đại diện lãnh đạo đến từ các sở ban ngành của Sóc Trăng, Trà Vinh; đại diện các công ty, doanh nghiệp, trường đại học trong và ngoài nước, chuyên gia Mekong Salt Lab…

anh-2-tv.jpg
GS-TS Phạm Tiết Khánh - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Trà Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: V.K.K

GS-TS Phạm Tiết Khánh - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Trà Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam - đã nêu lên tầm quan trọng trước tình hình BĐKH và XNM ngày càng nghiêm trọng ở khu vực ĐBSCL nói chung, Trà Vinh nói riêng và khái quát về những kết quả đạt được của dự án ở giai đoạn 2.

Ông Khánh cũng cảm ơn sự hỗ trợ từ Vương quốc Hà Lan, xem sự hợp tác này là nền tảng trong hợp tác nhằm hạn chế những tác hại của BĐKH và XNM ở ĐBSCL.

anh-3-tv.jpg
Ông Daniël Coenraad Stork - Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại TP.HCM phát biểu - Ảnh: T.T.N.B

Tại hội thảo ở Cồn Chim, ông Gregor Van Essen - Giám đốc công ty The Water Agency, Hà Lan - đã chia sẻ tổng quan về dự án và mong muốn nhân rộng mô hình thành công này đến các tỉnh thành khác đang đối mặt với thách thức nước mặn và BĐKH. Mục tiêu của dự án là xây dựng một nền nông nghiệp thích ứng và quản lý nguồn nước bền vững cho ĐBSCL và Việt Nam.

Các khách mời tham quan Cồn Chim đã được tìm hiểu và lắng nghe về cách thức hoạt động của các mô hình như hệ thống thủy canh, thu gom và trữ nước ngọt, xử lý nước, nước thải và đất ngập nước nhân tạo. Trong buổi tham quan, ông Daniël Coenraad Stork bày tỏ sự tin tưởng vào những kết quả của dự án sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho người dân ĐBSCL và ngành nông nghiệp khu vực.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, một hộ đang hợp tác với dự án để thực hiện thí điểm mô hình về sống chung với BĐKH và XNM, cho biết mô hình triển khai có nhiều lợi ích thiết thực cho gia đình bà. "Từ các thiết bị và hồ chứa, thiết bị lọc, chúng tôi có thể dùng nước cho sinh hoạt gia đình và cơ sở kinh doanh du lịch, nước để trồng rau, nước để tưới cây trồng quanh năm. Với những cách làm rất đơn giản và thân thiện môi trường thiên nhiên, chúng tôi làm quen với sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu như hạn hán và XNM. Vấn đề hiện nay là chúng tôi phải nắm rõ quy trình lắp đặt, vận hành và có kiến thức để sau này hỗ trợ cộng đồng trong việc đầu tư, vận hành các mô hình dự án đã phổ biến trong thích ứng và phát triển bền vững với hạn hán và XNM", bà Vân nói.

msl-6.jpg
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, một hộ gia đình đang hợp tác với dự án - Ảnh: V.K.K

Ông Huỳnh Công Lập, Bí thư Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Qua thông tin từ dự án Mekong Salt Lab 2024 và những mô hình thí điểm để người dân sống chung với BĐKH và XNM, chúng tôi cho rằng mục tiêu của dự án đi đúng hướng mà địa phương chúng tôi đang cần, lợi ích thiết thực. Thích nghi với BĐKH đặc biệt là hạn hán và XNM; chuyển dịch kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường là chiến lược phát triển mà địa phương đang thực hiện. Vì vậy chúng tôi sẽ tuyên truyền vận động nhân dân hợp tác và nhân rộng những mô hình hiệu quả từ dự án".

anh-5-tv.jpg
Ông Willem Timmerman - Bí thư thứ nhất về khí hậu và nước, Đại sứ quán Hà Lan - Ảnh: T.T.N.B

Trong phiên làm việc ngày thứ hai (25.10) tại Trường đại học Trà Vinh, hội thảo tập trung vào thảo luận triển vọng phát triển các mô hình nông nghiệp thích ứng, quản lý nước hiệu quả; những chia sẻ về rào cản, thách thức và cơ hội xây dựng nền nông nghiệp bền vững cho ĐBSCL. Các khách mời của diễn đàn nhất trí về nhu cầu cấp thiết phải chung tay hành động để củng cố vị thế của ĐBSCL – là trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy sản, đồng thời là nơi đóng góp giá trị văn hóa, đa dạng sinh học lớn trong bối cảnh BĐKH khó lường.

Kết thúc diễn đàn, ông Willem Timmerman - Bí thư thứ nhất về khí hậu và nước, Đại sứ quán Hà Lan - bày tỏ niềm tin rằng những bài học từ Mekong Salt Lab và các nỗ lực hợp tác về sử dụng nước bền vững sẽ tạo ra bước tiến quan trọng cho nền nông nghiệp thích ứng với BĐKH, đặc biệt là hạn mặn và XNM đang diễn ra ngày càng khốc liệt.

Bài liên quan
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với thị trường bất động sản trên thế giới
Trong thế giới đang vật lộn với biến đổi khí hậu, thị trường bất động sản cũng chịu ảnh hưởng. Từ đây, vai trò của thông tin càng cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
‘Một bộ phận cán bộ coi nhẹ việc chống lãng phí, chưa xem đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội’
4 giờ trước Theo dòng thời sự
ĐBQH cho rằng một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí trong hoạt động quản lý. Lâu nay họ chỉ coi lãng phí là hành vi cần khắc phục nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm giải pháp sống chung với xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu tại ĐBSCL