Với hàng chục năm trong lĩnh vực giáo dục trẻ, TS. Nobuyoshi Hirai đã tập hợp lại những kinh nghiệm của mình thành những lời khuyên hữu ích trong cuốn sách “Kỷ luật trong nụ cười”. Cuốn sách cũng là tập hợp những góc nhìn mới mẻ về cách nuôi dạy trẻ.
Tên gốc của cuốn sách “Kỷ luật trong nụ cười” của TS. Nobuyoshi Hirai là “Cha mẹ nên và không nên làm gì?”. Trong cuốn sách này, TS. Nobuyoshi Hirai dành nhiều tâm huyết để tập hợp kinh nghiệm giáo dục trẻ mà ông có được trong suốt hàng chục năm làm việc với tư cách Tiến sĩ Y khoa, Hội trưởng hội nghiên cứu Nhi đồng học Nhật Bản …
Tuy vậy, giống như các cuốn sách khác của Nobuyoshi Hirai như “Khơi nguồn tiềm năng con trẻ”, “Giáo dục không la mắng”… những lời khuyên của TS. Nobuyoshi Hirai không phải là những kiến thức khô khan, khó hiểu mà là lời chia sẻ chân thành nhưng không kém phần sâu sắc mà bất cứ phụ huynh nào cũng có thể đồng cảm.
Dù được viết cách đây khá lâu, nhưng cuốn sách “Kỷ luật trong nụ cười” vẫn chứa đựng rất nhiều quan điểm mới mẻ về cách giáo dục trẻ. Ví dụ như việc TS. Nobuyoshi Hirai đặt câu hỏi “Trẻ có thành tích tốt ở bậc tiểu học lại là mối hiểm nguy?”.
Nghe thật bất ngờ, nhưng TS. Nobuyoshi Hirai đã chỉ ra có những đứa trẻ ta nghĩ rằng chúng chủ động, có ý chí nhưng thật ra chúng không hề học được tính tự giác và sự chủ động trong cuộc sống. Biểu hiện của chúng là chỉ có khả năng làm đúng yêu cầu khi được mẹ hoặc giáo viên ở trường giao bài tập, còn khi yêu cầu trẻ phải tự giác hành động thì trẻ hoàn toàn không đủ khả năng làm điều đó.
Đặc biệt, nếu trẻ luôn nghiêm túc và có kết quả học tập tốt thì những đứa trẻ bình thường khác nhìn vào sẽ cảm thấy khó gần nên ít chơi cùng. Đó là lý do vì sao có những đứa trẻ đạt thành tích rất tốt khi còn nhỏ nhưng dễ trở nên chán nản, thất vọng và thiếu tính chủ động khi lớn lên.
Hoặc khi TS. Nobuyoshi Hirai đưa ra quan điểm “Những đứa trẻ nghe lời không hẳn chúng là trẻ ngoan”. Bởi ông cho rằng, trẻ ngoan nên được định nghĩa là những đứa trẻ sống đúng với suy nghĩ, ước muốn của bản thân mình. Những đứa trẻ nghe lời cha mẹ răm rắp có thể chỉ vì chúng sợ cha mẹ la rầy nên phải giả ngoan mà thôi. Tất cả những điều này đều không có lợi cho sự phát triển lâu dài của trẻ.
“Kỷ luật trong nụ cười” cũng chứa đựng những lời khuyên dành riêng cho người làm cha, làm mẹ, thậm chí ông bà về cách tạo ra một môi trường gia đình ấm cúng – nơi ươm mầm cho nhân cách và tài năng của trẻ phát triển; cách để nuôi dưỡng cho con trẻ một tâm hồn phong phú và dạy dỗ một đứa trẻ tự giác, có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, thách thức và trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn. Cuốn sách phù hợp cho các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi từ tiểu học đến trung học.
Giống như chính tác giả của cuốn sách chia sẻ: “Thời buổi hiện nay, các gia đình đang bị thiếu thốn về mặt tình cảm. Khung cảnh gia đình vui vẻ, ấm cúng không thể có được, cảm xúc của con cái trở nên bất ổn. Rồi đa phần làm chúng chán nản học hành, dẫn đến trốn học hoặc bỏ học giữa chừng.” “Trẻ em như tờ giấy trắng”, mỗi một điều mà người lớn “vẽ” vào dù vô tình hay cố ý đều ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và phát triển của trẻ.
Cuốn sách “Kỷ luật trong nụ cười” là sẽ những lời khuyên thiết thực để các bậc phụ huynh có thể xây dựng một môi trường giáo dục con cái hiệu quả, hoàn thiện nhưng không kém phần yêu thương.
Nobuyoshi Hirai (1919-2006) tốt nghiệp Khoa Văn - Đại học Tokyo và Khoa Y - Đại học Tohoku. Ông là giáo sư danh dự Trường Đại học nữ Otsuma, là tiến sĩ y khoa, Hội trưởng Hội nghiên cứu Nhi đồng học tại Nhật Bản.
Các cuốn sách nổi tiếng của ông bao gồm: Kỷ luật trong nụ cười, Khơi nguồn tiềm năng con trẻ…