LS.Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng hệ thống pháp luật hình sự liên quan đến tín dụng đen đang chống nhầm mục tiêu. Vì vậy cần một định nghĩa rõ ràng về tín dụng đen.

Tín đụng đen đang có sân chơi độc quyền

18/03/2019, 13:27

LS.Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng hệ thống pháp luật hình sự liên quan đến tín dụng đen đang chống nhầm mục tiêu. Vì vậy cần một định nghĩa rõ ràng về tín dụng đen.

Tín dụng đen đang bùng nổ, tạo nhiều hệ lụy xấu lên đời sống kinh tế - xã hội tại một số địa phương - Ảnh minh họa từ Internet

Nhầm lẫn trong đấu tranh phòng chống tín dụng đen?

Phát biểu tại buổi tọa đàm về hoạt động cho vay tiêu dùng năm thứ ba với chủ đề “Phát triển Tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” ngày 15.3, LS.Trần Minh Hải cho biết, hệ thống pháp luật hình sự đang có sự phòng chống nhầm đối với tín dụng đen. Theo LS.Hải, để nâng tầm phòng chống tín dụng đen lên mức hình sự, hiện có điều luật đặc trưng là “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” thuộc Điều 201, Bộ luật Hình sự.

“Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

Theo ông Hải, quy định trên hướng tới việc xử lý nghiêm khắc các hoạt động cho vay mà lãi suất cao gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự. Mức lãi suất chạm ngưỡng hình sự là từ 100%/năm, bởi mức lãi suất cao nhất theo Bộ luật Dân sự là 20%/năm.

Trên thực tế có những trường hợp vay vốn mà người vay sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất vượt ngưỡng hình sự vì nhu cầu vay vốn cấp thiết và vì lợi ích thiết thực của chính họ. Chẳng hạn khi đến hạn trả 100 triệu đồng, để chuộc lại tài sản có giá 2 tỉ đồng thì người vay sẵn sàng chấp nhận khoản vay với lãi suất vài trăm phần trăm một năm để chuộc lại tài sản rất giá trị.

"Vậy nên, miễn là người vay và người đi vay đồng thuận, lãi suất cao đến đâu pháp luật hình sự cũng không nên can thiệp. Không thể lý luận cần xử lý hình sự cho vay nặng lãi để tránh bóc lột. Điều này không phù hợp với thị trường. Ngay giới ngân hàng hiện nay, các mức lãi suất lên đến 70-80%/năm vẫn áp dụng khi khách hàng vay vốn có yếu tố không rõ ràng về nguồn thu..., miễn là giới ngân hàng vẫn thấy có thể cho vay với mức lãi suất phù hợp rủi ro", LS.Hải nhấn mạnh.

Theo LS.Hải, Bộ luật Hình sự đã nhầm lẫn trong đấu tranh phòng chống tín dụng đen, vì không có một điều luật nào đặc trưng về tín dụng đen, chống thẳng vào bản chất nguy hiểm của loại hình cho vay gây mất an toàn xã hội này. Ngược lại, quy định hiện hữu tại Điều 201 khiến cho mọi tổ chức cho vay hợp pháp chùn bước, không dám giải phóng nguồn vốn tín dụng cho những khoản vay lãi suất cao từ 100%/năm.

Thực tế trên càng cho thấy tín dụng đen đang có sân chơi độc quyền bởi giới cho vay bất tuân pháp luật sẵn sàng vượt qua giới hạn của điều luật. Người đi vay không hề được bảo vệ hữu hiệu trong trường hợp này bởi hệ thống pháp luật. Ông Hải cho rằng nếu chống nhầm tín dụng đen sẽ vô tình co hẹp hoạt động của tín dụng tiêu dùng.

Tình hình này vô hình trung tạo ra lo ngại làm thế nào để hỗ trợ kịp thời nhu cầu tài chính của gia đình, cá nhân? Làm sao để những người đi vay biết được rằng đang có những món tín dụng hợp pháp, lành mạnh mà họ hoàn toàn có thể với tới?

Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý

Đề xuất về giải pháp xóa bỏ tín dụng đen, ông Nguyễn Thanh Phúc - Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit cho rằng các cơ quan quản lý - Ngân hàng Nhà Nước xem xét hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy định phù hợp với hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng.

Đối với nhu cầu vốn vay, theo quy định hiện nay, người đi vay phải liệt kê chính xác từng nhu cầu vốn trong khi nhu cầu tiêu dùng là những nhu cầu đa dạng, thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày. Vì thế yêu cầu người đi vay liệt kê chính xác các nhu cầu này gần như không thể thực hiện được.

Về nghiệp vụ tín dụng, khi người dân có nhu cầu vay cấp thiết thì nhiều quy định, thủ tục phức tạp trong việc đăng ký, xét duyệt vay khiến các tổ chức tín dụng không thể cạnh tranh với tín dụng đen. Đơn cử là điều kiện yêu cầu chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Theo ông Phúc, cần xem xét loại bỏ loại chứng từ này để giảm bớt gánh nặng chi phí hành chính không cần thiết, thay vào đó tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm có giá phù hợp, phục vụ tốt hơn cho khách hàng.

"Trên thực tế, việc yêu cầu người đi vay cung cấp các chứng từ này rất khó vì, gác khoản vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ; nhiều mục chi tiêu khác nhau; các nơi cung cấp hàng hóa bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng không có hóa đơn chứng từ; người tiêu dùng chưa có thói quen yêu cầu nhà cung cấp xuất hóa đơn, bản thân khách hàng cũng không thường xuyên lưu giữ các chứng từ chi tiêu", ông Phúc nói

Đối với chứng từ chứng minh thu nhập, ông Phúc cho rằng cần nghiên cứu để thay thế bằng các chứng từ khác đơn giản và hiệu quả hơn. Lý do là phân khúc khách hàng “dưới chuẩn” của ngân hàng thường đa phần là lao động tự do, lương được thanh toán bằng tiền mặt.

Ở vấn đề thu hồi nợ: Luật pháp bảo vệ người bị hại không chỉ là người đi vay mà còn là người cho vay - tức các tổ chức tín dụng trong trường hợp người đi vay vi phạm quy định pháp luật, vi phạm cam kết với người cho vay. Ông Phúc đề xuất cần có những quy định xử lý nợ riêng, thủ tục tố tụng rút gọn để xử lý hiệu quả những khoản nợ xấu, khó đòi.

Còn về hệ thống mạng lưới, ông Phúc cho rằng cơ quan quản lý cần xem xét gỡ bỏ các rào cản, nới lỏng các quy định để các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới các điểm giới thiệu dịch vụ nhằm hỗ trợ người dân ở vùng sâu vùng xa, nông thôn có thể tiếp cận với các kênh tín dụng chính thống dễ dàng hơn.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tín đụng đen đang có sân chơi độc quyền