Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 61 công trình xanh, ít hơn rất nhiều so với 2.100 dự án tại Singapore và tại Đài Loan là 500; tuy chưa nhiều nhưng đang dần được phổ biến.

Tín hiệu xanh từ kiến trúc Việt Nam

Nhịp Cầu Đầu Tư | 25/01/2017, 11:17

Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 61 công trình xanh, ít hơn rất nhiều so với 2.100 dự án tại Singapore và tại Đài Loan là 500; tuy chưa nhiều nhưng đang dần được phổ biến.

Ngày càng có nhiều giải thưởng kiến trúc xanh được trao cho các đại diện Việt Nam. Điều này cho thấy một xu hướng rất tích cực khi Việt Nam nỗ lực thúc đẩy các công trình thân thiện môi trường.

Liên Hiệp Quốc đã dự báo rằng 40% người dân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ sống ở các đô thị và đến năm 2050, sẽ có tới 2/3 dân số sống trong các đô thị và đại đô thị. Châu Á cũng là một trong những khu vực có quá trình đô thị hóa nhanh hơn so với bất kỳ khu vực khác trên thế giới, kéo theo sự bùng nổ về khí thải carbon, ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, giới lãnh đạo của khu vực đang nỗ lực thúc đẩy kiến trúc xanh để giải quyết tình trạng ô nhiễm và góp phần giảm thiểu các tác động của sự nóng lên toàn cầu.

Khái niệm “kiến trúc xanh” đã thay thế cho khái niệm “kiến trúc bền vững” sau hệ thống đánh giá công trình xanh của Mỹ xuất hiện (LEED) năm 1995. Từ “làn sóng mới”, đến năm 2010, kiến trúc xanh đã trở thành “cuộc cách mạng” trong xu hướng bảo vệ sinh thái Trái đất. Đặc biệt, đi đầu trong xu thế này luôn là Singapore. Hai trong 8 công trình xanh nổi tiếng thế giới thuộc về đảo quốc Singapore. Khi dân số và nền kinh tế Singapore phát triển, độ phủ xanh cũng gia tăng tương ứng; tỉ lệ này là khoảng 36% trong những năm 1980 và ở mức 47% vào 2007 và hiện tại cây xanh đã che phủ hầu hết ở các công trình của Singapore.

Nhiều công trình xanh của Singapore khiến cả thế giới phải thán phục như Esplanade - nhà hát trên vịnh, Gardens by the Bay, cầu Helix, khách sạn Marina Bay Sands, vòng quay khổng lồ, bến cảng Clarke, bông viên trên trời Sky Park, khách sạn Park Royal... Đại diện Hội đồng Công trình xanh Singapore, chia sẻ: “Nếu xây dựng một công trình mới, bạn phải tạo ra thảm cây xanh tương tự với thảm cây xanh bạn đã thay thế”. Chính phủ nước này cho rằng, bảo vệ môi trường không mâu thuẫn với phát triển kinh tế.

Theo các chuyên gia trong Cơ quan Xây dựng Singapore (BCA), các công trình xanh ở Singapore có chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn khoảng 5% so với các công trình thông thường nhưng hầu hết chi phí này được bù đắp trong vòng 7 năm sau khi sử dụng. Điều này dẫn đến kết quả là mỗi năm, có hàng triệu USD được tiết kiệm cho các chủ đầu tư xây dựng từ ứng dụng kiến trúc xanh. Singapore đặt mục tiêu sẽ có tới 80% các tòa nhà của thành phố sẽ đạt tiêu chuẩn kiến trúc xanh vào năm 2030.

Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 61 công trình xanh, ít hơn rất nhiều so với 2.100 dự án tại Singapore và tại Đài Loan là 500. Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, kiến trúc xanh tại Việt Nam chưa nhiều nhưng đang dần được phổ biến. Trên thế giới, mỗi nước có những tiêu chí về công trình xanh khác nhau, để phù hợp với điều kiện và môi trường của từng quốc gia. Tuy nhiên, kiến trúc trồng nhiều cây xanh không có nghĩa đó là một công trình kiến trúc xanh.

Trên thế giới, kiến trúc xanh đã được nhắc đến vào thập niên 80 của thế kỷ XX và trở thành xu thế phát triển của kiến trúc hiện đại. Ở Việt Nam, những năm đầu của thế kỷ XXI, khái niệm kiến trúc xanh mới được đưa ra.

Theo khái niệm kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ra đời từ năm 2011, kiến trúc xanh được tạo dựng nên bởi những vật liệu thân thiện với môi trường, hài hòa, không phá vỡ cảnh quan xung quanh, gắn bó con người với thiên nhiên, không làm ô nhiễm môi trường sống và tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng… Cũng theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, trước đây, khi xây nhà, người ta dùng đất nung làm tiêu hao rất nhiều năng lượng nên các công trình xanh chuyển sang dùng gạch không nung giúp giảm bớt sự tiêu hao năng lượng. Đèn LED được sử dụng thay thế cho đèn sợi đốt, đèn neol, và đèn compact. Đèn LED vừa nhỏ gọn, cùng công suất ánh sáng nhưng mức tiêu thụ về điện chỉ bằng 1/10 so với những loại đèn khác.

Kiến trúc xanh Việt Nam ngoài yếu tố công trình có nhiều cây xanh, thân thiện với môi trường, còn phải sử dụng vật liệu công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nếu trong quá trình xây dựng, công trình này phá vỡ cảnh quan xung quanh khu vực sẽ không phải là một kiến trúc xanh. Tại Việt Nam, Võ Trọng Nghĩa là một kiến trúc sư có số lượng giải thưởng quốc tế lớn nhiều nhất tại Việt Nam, trong đó nhiều giải thưởng liên quan đến công trình xanh. Quan điểm của vị kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa là biến TP.HCM trở thành “thành phố vườn” thứ 2 của châu Á sau Singapore. “Cùng với Singapore, TP.HCM có thể sẽ trở thành thành phố vườn tiếp theo của châu Á”, Võ Trọng Nghĩa trả lời kênh truyền hình Mỹ CNN.

Trong điều kiện diện tích chật chội, dân cư đông đúc, kiến trúc xanh là lời giải cho đô thị hiện tại. Chính vì thế, trong các thiết kế của mình tại Việt Nam, Võ Trọng Nghĩa luôn hướng tới những vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng hoặc những không gian xanh. Chẳng hạn, công trình gần đây của ông là nhà hiệu bộ của Đại học FPT, giành giải Nhất kiến trúc xanh Việt Nam và được vinh danh tại Festival Kiến trúc thế giới. Tòa nhà có 7 tầng với tổng diện tích sử dụng 11.065m2. Mặt tiền được thiết kế ô vuông đặc rỗng so le nhau tạo nhịp điệu đơn giản nhưng ấn tượng. Những mảng xanh xen kẽ nhau giúp bảo vệ tòa nhà cản được ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo tòa nhà đủ ánh sáng tự nhiên, không hao tốn năng lượng như đèn điện vào ban ngày. Thậm chí, cách thiết kế này còn tạo cho tòa nhà một lượng gió tự nhiên rất thông thoáng.

Nhiều thiết kế xanh khác của kiến trúc sư tài năng này đã tạo điểm nhấn ấn tượng với mảng cây xanh và sự thông thoáng như khách sạn Atlas tại Hội An, khu nghỉ dưỡng cao cấp Naman Retreat Resort nằm giữa con đường nối từ thành phố Đà Nẵng với phố cổ Hội An, nhà đá tại Quảng Ninh. Đặc biệt, công trình nhà trẻ xanh Farming Kindergarten ở Biên Hòa, Đồng Nai đã đạt giải Công trình kiến trúc của năm hạng mục Công trình giáo dục do trang kiến trúc uy tín Archdaily (Mỹ) tổ chức.

Một kiến trúc sư nổi tiếng khác của Việt Nam cũng nổi tiếng với xu hướng đô thị xanh, kiến trúc xanh là Hoàng Thúc Hào. Kiến trúc sư này mới giành được Giải thưởng SIA - Getz Architecture 2016. Tất cả các công trình kiến trúc của Hoàng Thúc Hào đều mang tính cộng đồng, kiến trúc xanh, phát triển bền vững, dành cho những người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kém phát triển. Rất nhiều công trình của ông đã đi sâu khai thác xu hướng này như nhà cộng đồng Suối Rè, Tả Phìn (Sapa, Lào Cai), nhà cộng đồng Nậm Đăm (Hà Giang), trường học Lũng Luông (Võ Nhai, Thái Nguyên) rực rỡ như đóa hoa rừng trên đỉnh núi… Ông từng mang ý tưởng trời tròn đất vuông của người Việt áp dụng khéo léo và độc đáo vào thiết kế Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan, khiến giới kiến trúc thế giới phấn khích.

Lễ trao giải thưởng BCI Asia Awards 2016 - giải thưởng về kiến trúc, xây dựng danh giá nhất trong khu vực châu Á - đã được tổ chức tại khách sạn InterContinental Asiana Saigon, TP.HCM. Tại đây, Việt Nam đã giành được 5 giải thưởng đều ở hạng mục Kiến trúc xanh. Việt Nam có ngày càng nhiều giải thưởng về kiến trúc xanh là tín hiệu tích cực từ giới kiến trúc sư. Bởi vì, họ ngày càng quan tâm và đề cao yếu tố thân thiện môi trường trong các dự án của mình.

Giới kiến trúc hiểu rằng, một thiết kế tốt là phải tham gia vào nỗ lực ngăn chặn sự hủy hoại hệ sinh thái và môi trường toàn cầu, vừa tiếp cận giá trị kiến trúc truyền thống của các dân tộc Việt Nam, vừa sáng tạo thêm những giá trị mới phù hợp với cuộc sống văn minh, đồng thời áp dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ tối đa môi trường sống... Qua những tín hiệu tích cực này, tinh thần kiến trúc xanh sẽ lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng

Mai Hân/Nhịp Cầu Đầu Tư
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tín hiệu xanh từ kiến trúc Việt Nam