Sáng 3.10, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo Sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Bùi Phạm Khánh, chủ trì hội thảo.

Tính chuyện giải quyết hơn 13,6 triệu tấn tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện

03/10/2017, 14:05

Sáng 3.10, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo Sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Bùi Phạm Khánh, chủ trì hội thảo.

Quang cảnh cuộc hội thảo

Buổi hội thảo do Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực phối hợp tổ chức. Hội thảo nhằm giải quyết vấn đề sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL.

Theo báo cáo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tại khu vực ĐBSCL có 3 cụm nhiệt điện chính thức sử dụng công nghệ đốt than phun PC. Đó là Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), Nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng) và Nhiệt điện Sông Hậu (Hậu Giang). Trong đó các nhà máy đang vận hành gồm Nhiệt điện Duyên Hải I và III đã vận hành từ năm 2016 với tổng công suất phát điện là 1.445MW, mỗi năm thải ra 1,8 triệu tấn tro, xỉ.

Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, 2; Sông Hậu 1,2. Còn Nhà máy Duyên Hải III mở rộng hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 5.505MW. Mỗi năm các nhà máy này tiêu thụ khoảng 16,52 triệu tấn than và thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.

Từ sau năm 2020 đến năm 2030 sẽ có thêm 9 nhà máy hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 54,68 triệu tấn than và thải ra ngoài khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao.

Thực trạng trên sẽ tạo ra những thách thức khu vực ĐBSCL, phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác. Nguy cơ nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế. Do đó, việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao là yêu cầu hiện hữu cấp thiết.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Xây dựng xây dựng đề án Đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.

Theo đó, định hướng phát triển xử lý và sử dụng tro, xỉ nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng được xây dựng theo 2 hướng: Những loại tro, xỉ có hàm lượng than chưa cháy thấp sẽ sử dụng làm phụ gia cho xi măng và bê tông cốt thép. Những loại tro, xỉ có hàm lượng than chưa cháy lớn sẽ xử lý giảm than chưa cháy để sử dụng cho xi măng, bê tông hoặc không xử lý để sử dụng cho sản xuất bê tông không cốt thép, gạch nung, gạch không nung, san lấp.

Vấn đề trên được giải quyết, sẽ làm giảm áp lực cho các nhà máy nhiệt điện về vấn đề bãi chứa, công chôn lấp các chất thải xỉ, tro, thạch cao. Đồng thời tạo ra nguồn vật liệu dồi dào để sản xuất vật liệu xây dựng.

Về vấn đề này, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: hiện nay, chi phí sử dụng đất và chi phí làm bãi chôn lấp bao gồm bờ bao, san ủi… ước tính khoảng 1 triệu đồng/m2; chi phí xử lý tro, xỉ, vận hành bãi chôn khoảng 120.000 đồng/tấn chất thải. Như vậy, với lượng thải hàng chục triệu tấn thì chi phí cho việc này tiêu tốn cả nghìn tỉ đồng mỗi năm. Đó là chưa tính tới các hệ lụy về môi trường, xã hội tại khu vực.

Ước tính ở nước ta, lượng tro, xỉ được sử dụng làm vật liệu xây dựng chỉ mới đạt khoảng 10%, còn lại là chôn lấp gây ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các quốc gia khác đạt khoảng 80 - 90%.

Đối với ĐBSCL, hiện khu vực này đang triển khai nhiều dự án trọng điểm kết nối giao thông liên vùng, hiện có 26 dự án được đầu tư với tổng vốn khoảng 88.910 tỉ đồng. Bên cạnh đó, còn 27 dự án quan trọng cấp bách dự kiến triển khai giai đoạn 2017- 2020 với tổng kinh phí 67.000 tỉ đồng. Việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình bằng cách giảm chi phí vật liệu xây dựng khoảng 3 - 5% sẽ góp phần tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng.

Việc tái sử dụng nguồn nguyên liệu tro, xỉ, để sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường ĐBSCL không chỉ có tác động tích cực đến môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế trong đầu tư xây dựng do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thay thế những loại vật liệu truyền thống có giá thành cao do nguồn cung khan hiếm, và chi phí vận chuyển cao.

Thanh Nguyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
một giờ trước Thị trường và chính sách
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tính chuyện giải quyết hơn 13,6 triệu tấn tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện