Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng quy định việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản nhưng không mua tài sản (phạt bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả) là một giải pháp hiệu quả, có khả năng thi hành cao.
Trả giá cao ngất ngưởng rồi bỏ cọc
Qua 5 năm thực hiện, một số quy định của Luật Đấu giá tài sản (năm 2016) đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập; có khá nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
Thảo luận tại Quốc hội về Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu cho biết thực tế đang xảy ra tình trạng trục lợi trong đấu giá tài sản. Có những tài sản của người dân bị dìm giá, để bán đấu giá với giá thấp hơn giá trị thực, gây bức xúc trong dư luận; hoặc có trường hợp tài sản công của nhà nước khi bán đấu giá thành công nhưng kết quả số tiền thu về thấp hơn số tiền người trúng đấu giá phải trả. Lý do là người trúng đấu giá còn phải trả thêm một khoản tiền phi chính thức cho một nhóm người khác, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Ngược lại, các đại biểu cũng cho rằng tình trạng người trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc, bỏ hợp đồng, hay đấu giá biển số xe gần đây sẽ dẫn đến không bảo đảm quản lý nhà nước trong đấu giá, cũng như trong thực hiện quan hệ kinh tế giữa các bên liên quan. Do vậy, cần bổ sung một điều về phạt hợp đồng trong những trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc và không thực hiện được hợp đồng. Việc bỏ cọc đã làm "tan" cả cuộc đấu giá được cơ quan chức năng chuẩn bị kỹ.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (TP.HCM) cho rằng có những doanh nghiệp “hứng lên thì bỏ giá thoải mái, vượt xa giá trị của tài sản đấu giá, vượt xa khả năng tài chính của họ để mua được”. Thực tế mục đích của họ không hẳn là mua được tài sản đấu giá mà là mục đích khác như thao túng hình thành mặt bằng giá mới hoặc phô trương thanh thế…
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình bày tại Quốc hội, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường. Nếu quá thời gian này mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì hủy kết quả đấu giá.
Đặc biệt, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản. Cụ thể, quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả.
Ủy ban Kinh tế cho rằng với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường.
Phạt 50% giá người trúng đấu giá trả
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng quy định việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản nhưng không mua tài sản bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả là một giải pháp hiệu quả, có khả năng thi hành cao.
“Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường; đồng thời, ngân sách nhà nước được đảm bảo, có thể bù đắp được các chi phí đấu giá, mục tiêu của việc đấu giá được đảm bảo”, ông Hùng nói.
Dù vậy, dư luận cũng lo ngại sẽ khó khăn trong việc thực thi nếu bên đấu giá không có tiền để nộp phạt, hoặc cố tình chây ì nộp phạt.
Nói về điều này, ông Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định: Nếu giải pháp phạt này được thông qua, người đấu giá không có tiền nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể áp dụng các hình thức xử lý như cưỡng chế tài sản, cấm tham gia các hoạt động đấu giá.
“Thậm chí có thể xem xét hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu, đấu giá, cố tình lũng đoạn, ảnh hưởng thị trường để khởi tố hình sự trong trường hợp người tham gia đấu giá tài sản không có tài sản để trục lợi”, ông Hùng nói.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng lấy ví dụ, biển số 51K-888.888 được trúng đấu giá hơn 32 tỉ đồng, nếu người trúng đấu giá bỏ cọc sẽ bị phạt 30%, tương ứng hơn 9 tỉ đồng. Làm như vậy mới đủ răn đe và cũng không ảnh hưởng đến những người thực sự muốn đấu giá.
Nói tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng thời gian vừa qua đã xảy trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc không nộp tiền để nhận tài sản trúng đấu giá, đặc biệt là đối với các tài sản có giá trị rất lớn, ví dụ như với biển số xe "đẹp" và bất động sản.
Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, đại biểu Yến đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định các tài sản do Nhà nước quản lý khi đấu giá, thì không được bỏ cọc. Nếu có người bỏ cọc thì cần bổ sung, điều chỉnh sửa chế tài về hành vi bỏ cọc này. Có biện pháp phạt tiền gấp nhiều lần so với tiền cọc, để tránh đấu giá thành rồi bỏ cọc.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay theo thông lệ thế giới, thì có những loại tài sản không quy định về tiền đặt trước. Mặt khác, dự thảo luật cũng đã nâng mức tiền đặt trước với đấu giá quyền sử dụng đất lên tối thiểu là 15%, tối đa là 20%.
Do vậy, theo Bộ trưởng Long, không thể tiếp tục nâng mức tiền đặt trước. Nếu tăng nữa thì đã biến chất, không phải đấu giá nữa, thậm chí nếu tăng tiền đặt trước lên 50% hay 100% giá trị tài sản để chống những trường hợp "xù", thì đã trở thành mua bán tài sản.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở nghiên cứu thông lệ thế giới, cơ quan soạn thảo đã cố gắng tăng lên các mức tiền đặt trước như thể hiện tại dự thảo luật. Với mức tăng hiện nay khi đấu giá tài sản lớn, thì cũng đã trở thành hàng rào kỹ thuật để hạn chế những doanh nghiệp nhỏ.