Sáng 20.5, Quốc hội họp phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội bằng hình thức họp trực tuyến.

Tình hình quốc tế, trong nước biến động chưa từng có trong nhiều chục năm qua

20/05/2020, 12:41

Sáng 20.5, Quốc hội họp phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội bằng hình thức họp trực tuyến.

Khai mạc Kỳ họp 9 Quốc hội khóa 14 - Ảnh chụp màn hình

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết dịch COVID-19 bùng phát nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; hoạt động xã hội, nhất là y tế, giáo dục và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đến nay, bước đầu Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, những giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

“Thắng lợi bước đầu này là kết quả của tinh thần quyết tâm cao, sự thống nhất trong hành động và ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị; thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước ưu việt của chế độ và tinh thần tương thân tương ái của dân tộc, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Trình bày báo cáo tại kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập niên do tác động của đại dịch COVID-19.

Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái; các nước, đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) ngưng trệ.

“Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện mục tiêu kép - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động KT-XH và bảo đảm đời sống của nhân dân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết COVID-19 là đại dịch đặc biệt nguy hiểm, đã lan rộng ra 213 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần 5 triệu người nhiễm và khoảng 330 nghìn người tử vong, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin, thuốc đặc trị và chưa dự báo chính xác được thời điểm kết thúc dịch. Nước ta có độ mở và mức độ giao lưu quốc tế cao nên nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn. Việc phòng chống đại dịch này là chưa có tiền lệ, đòi hỏi các biện pháp mạnh, đồng bộ, chủ động ứng phó nhanh, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả.

“Quan điểm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc”; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, “khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, kiên quyết cách ly tập trung, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả”, “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân””, Thủ tướng nói.

Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo phòng chống dịch một cách toàn diện theo các kịch bản đề ra, phù hợp với diễn biến tình hình. Các biện pháp ứng phó được triển khai sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); cách ly và giãn cách xã hội được triển khai kiên quyết, kịp thời, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Thủ tướng cho biết ngay từ đầu, Ban Chỉ đạo quốc gia, các lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác đã khẩn trương vào cuộc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, như phát hiện nhanh, cách ly tập trung, xét nghiệm, khoanh vùng, chỉ đạo dập dịch và điều trị hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài, nhất là tại các sân bay, cửa khẩu, đường mòn, lối mở... Toàn tuyến biên giới trên đất liền được chốt chặt bởi trên 1.600 tổ đội, 11 nghìn cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, dân quân.

Đặc biệt, việc thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” đã phát huy được tính chủ động, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống chính trị cơ sở và các lực lượng chức năng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kịp thời xác định những người có nguy cơ lây nhiễm và thực hiện cách ly phù hợp. Vai trò quan trọng của hệ thống y tế công lập ở nước ta được khẳng định.

Kết quả là trong tổng số 324 ca được ghi nhận nhiễm bệnh có 263 ca đã được chữa khỏi và chưa có trường hợp tử vong. Liên tục trong hơn 1 tháng qua, chưa có trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng (các ca nhiễm gần đây đều là người Việt Nam nhập cảnh); trong khi nhiều quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho hay nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực. Từ những cháu bé đến cụ già trên 100 tuổi đã mang những đồng tiền dành dụm được để ủng hộ chống dịch. Đồng bào ở nước ngoài và nhiều người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng tích cực tham gia đóng góp cho công tác phòng chống dịch.

Nhiều doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp của thương binh, người khuyết tật đã quan tâm chăm lo cho người lao động. Những mô hình “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”... đã giúp đỡ thiết thực nhiều người nghèo trong giai đoạn khó khăn…

Thủ tướng cũng nêu, với tinh thần khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba trong thực hiện mục tiêu kép, các địa phương, doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động KT-XH. Hàng triệu công nhân, nông dân vẫn miệt mài lao động sản xuất. Đặc biệt, nông nghiệp, nông thôn một lần nữa là bệ đỡ, là nền tảng cho ổn định đời sống xã hội trong thời kỳ khó khăn.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, trường học đã kịp thời đổi mới phương thức làm việc. Hệ thống thông tin điện tử một cửa, cổng dịch vụ công quốc gia, cấp bộ, ngành, địa phương từng bước phát huy hiệu quả trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh…

Lam Thanh

Bài liên quan
Khởi tố, bắt tạm giam Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà
Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sáng 22.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình hình quốc tế, trong nước biến động chưa từng có trong nhiều chục năm qua