Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu kiểm soát có hiệu quả những vụ chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước.

Ủy ban Kinh tế: Cần tiết giảm mạnh hơn nữa khoản chi thường xuyên

20/05/2020, 12:01

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu kiểm soát có hiệu quả những vụ chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo tại kỳ họp - Ảnh: VPQH

Sáng 20.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra, có thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tăng cao. Một số dịch vụ tài chính như mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tốc độ tăng TFP ở mức thấp trong các nước ASEAN.

Báo cáo cũng nêu rằng các giải pháp về bảo vệ môi trường chưa hiệu quả. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Đề nghị báo cáo rõ hơn việc triển khai Luật Quy hoạch, tiến độ lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; việc triển khai thu phí tự động không dừng không bảo đảm tiến độ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, sau đó lan rộng ra các quốc gia. Tuy nhiên, việc nhất quán quan điểm “chống dịch như chống giặc”, nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”, đề cao truyền thống nhân văn cao cả của dân tộc đã đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội. Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Đối với kinh tế - xã hội, ông Vũ Hồng Thanh nói mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được đánh giá là nghiêm trọng. Trong quý 1, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực nông - lâm - thủy sản gặp khó khăn; các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh; ngành du lịch, giao thông vận tải, kho bãi, giáo dục - đào tạo, y tế, kinh doanh bất động sản… cũng chịu ảnh hưởng lớn.

Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Tín dụng tăng trưởng chậm, nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tháng 4 giảm sâu.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn, trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm 2020; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng yêu cầu kiểm soát có hiệu quả những việc chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước.

Về thu ngân sách nhà nước, cơ quan thẩm tra lưu ý việc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng với các biện pháp ưu đãi về thuế như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cũng đã làm thu ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm giảm 5,9% so với cùng kỳ.

Vấn đề tiếp theo được cơ quan thẩm tra lưu ý là giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên với tiến độ như hiện nay, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia vẫn còn chậm.

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cần chú trọng đến chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn này. Có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công; dự án có vốn tồn đọng, chậm giải ngân sẽ điều chuyển sang các dự án có khả năng giải ngân cao, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh phản ánh.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế yêu cầu có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nội địa; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn.

Đặc biệt, cần tổ chức cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm có tổ chức kiểu xã hội đen, giết người, tội phạm về ma túy, cướp giật, trộm cắp tài sản, tội phạm mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em; giữ gìn an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Khẩn trương thực hiện các thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA, EVIPA. Theo dõi sát diễn biến chính trị quốc tế, đặc biệt sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó có vấn đề thương mại và dịch bệnh. Tăng cường công tác đối ngoại, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới.

Lam Thanh

Bài liên quan
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ủy ban Kinh tế: Cần tiết giảm mạnh hơn nữa khoản chi thường xuyên