Trong 5 tháng đầu năm, số lượng công trình xây dựng không phép bị xử phạt tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; xây dựng sai phép cũng tăng 6,5%.

Tình trạng nhà xây dựng không phép tiếp tục ‘leo thang’

Phan Diệu | 01/06/2017, 09:58

Trong 5 tháng đầu năm, số lượng công trình xây dựng không phép bị xử phạt tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; xây dựng sai phép cũng tăng 6,5%.

Cụ thể, tại cuộc họp định kỳ hàng tháng của UBND TP.HCM diễn ra gần đây, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM Sử Ngọc Anh cho biết trong 5 tháng đầu năm, TP.HCM đã tổ chức kiểm tra 10.446 lượt công trình xây dựng, đã phát hiện 275 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng. Trong số này, xây dựng không phép chiếm 150/275 trường hợp, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; xây dựng sai phép là 98/275 trường hợp, tăng 6,5%.

Công tác quy hoạch, quản lý đô thị của thành phố trong tháng 5 cũng đã tập trung giải quyết các vướng mắc về thủ tục thanh, quyết toán, chi phí bảo hành, chi phí lãi vay, kết nối hệ thống viễn thông, thông tin liên lạc và tiến độ thực hiện các dự án thuộc chương trìnhxây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư khu đô thị Thủ Thiêm.

TP.HCM còn tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị; ban hành quyết định phê duyệt phương án phá dỡ công trình chung cư cũ số 134A (số cũ 136Bis) Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3.

Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cũng thông tin TP đã ban hành 13 quyết định giao đất cho các nhà đầu tư với tổng diện tích 59.058,4m2; cấp 65 giấy chứng nhận lần đầu và cấp đổi, cấp lại 1.275 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức trên địa bàn; cấp 2.665 giấy chứng nhận lần đầu và cấp đổi, cấp lại 33.776 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân.

Đáng chú ý, trong tháng, thị trường bất động sản TP.HCM đã xuất hiện dư luận về cơn sốt giá ở một vài khu đô thị, thành phố đã có chỉ đạo kịp thời, chấn chỉnh để không diễn ra cơn sốt ảo.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định cơn sốt đất vừa qua là bài học cho thành phố về sự công khai, minh bạch thông tin quy hoạch từ cơ sở, đặc biệt thông tin quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất.

Về tình hình huy động vốn, lũy kế từ đầu năm 2017 đến nay, TP đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 25 dự án, với tổng số 11.782 căn nhà, trong đó có 11.094 căn hộ và 688 căn nhà thấp tầng, tổng giá trị cần huy động là 22.900 tỉ đồng.

Về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã thẩm định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020.

Hiện tại, TP.HCM đang hoàn tất thủ tục chuẩn bị báo cáo Hội đồng nhân dân TP thông qua trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, TP đã tổ chức thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2017 cho 24 quận huyện; trong đó có 22/24 quận huyện nộp hồ sơ thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2017, đã duyệt 19/20 quận huyện.

TP.HCM cũng sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các kiến nghị tại 4 dự án trọng điểm và 9 dự án có khiếu nại đông người, phức tạp. Song song đó là ban hành 13 quyết định giao đất cho các nhà đầu tư với tổng diện tích 59.058,4 m2; cấp 65 giấy chứng nhận lần đầu.

Đồng thời, cấp đổi, cấp lại 1.275 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức; cấp 2.665 giấy chứng nhận lần đầu và cấp đổi, cấp lại 33.776 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tình trạng nhà xây dựng không phép tiếp tục ‘leo thang’