Cảm xúc là thứ quý giá mà con người được tạo hóa ban cho. Cũng chính cái gọi là cảm xúc ấy đã biến cuộc sống của con người trở nên vô cùng thú vị, nhiều màu sắc. Tình yêu, sự căm giận, ghét bỏ, buồn, vui… được con người áp đặt lên nhiều thứ. Bóng đá cũng không ngoại lệ.
Bóng đá được xem là thứ có thể lôi cuốn, xóa bỏ khoảng cách giữa người và người nhanh chóng nhất. Chính tình yêu và sức hút mãnh liệt ấy khiến không ít người trở nên đam mê nó đến cực đại. Bóng đá thể hiện điều đó rất rõ, một người có thể rất yêu đội bóng này nhưng lại căm thù đội bóng kia đến điên dại.
Có thể định nghĩa về tình yêu bóng đá và văn hóa anti như sau:
Tình yêu bóng đá thật sự, đơn thuần chỉ là sự thưởng thức những trận cầu hay, đẹp mắt. Đặt trọn niềm tin vào đội bóng, cầu thủ con cưng, song vẫn phải thừa nhận những mặt yếu kém của họ chứ không yêu theo kiểu cuồng si, khi nào đội bóng, cầu thủ mình yêu quý cũng là số một. Nếu vậy, họ là những fan chân chính mà bất kì đội tuyển, câu lạc bộ nào cũng muốn có.
Trái ngược với những fan có tình yêu bóng thật sự, anti fan luôn gây ra xung đột, mẫu thuẫn giữa các fan khác nhau. Anti fan thường ghét những câu lạc bộ, đội tuyển hay cầu thủ là đối trọng nặng kí của đội bóng, cầu thủ mình thích. Những hành động khiêu khích, soi mói những điều không hay về các đội bóng khác, thậm chí phóng đại nó lên. Mục đích của họ là làm xấu đi hình ảnh đội bóng khác, tô vẽ làm sao cho đội bóng mình yêu mến đẹp hơn mà thôi.
Còn nhớ năm 2008, Việt Nam lần đầu tiên vô địch giải bóng đá Đông Nam Á - AFF Suzuki Cup, mọi người Việt gần như vỡ òa trong vui sướng. Chúng ta lên ngôi theo kịch bản hoàn hảo nhất về mặt cảm xúc. Mọi người dân Việt đã chờ đợi quá lâu cho thành tích cao nhất cấp khu vực. Mọi con tim như lặng xuống khi thời gian trôi về cuối, ai cũng ngỡ trận đấu sẽ giải quyết bằng hiệp phụ. Song trong phút bù giờ kịch tính ấy, Công Vinh đã làm cho sân Mỹ Đình nổ tung với bàn thắng quý hơn vàng. Chúng ta đã lên ngôi.
Ở cấp độ câu lạc bộ, những ai yêu mến Arsenal, vốn đã trắng tay 8 năm qua, thì đa phần đều là những người yêu câu lạc bộ thật sự chứ không phải vì những chiếc cúp. Một fan của Arsenal đã có dòng tâm sự sau trận thua Liverpool, khi có quá nhiều người chỉ trích thậm tệ thầy trò HLV Wenger :
“Ừ, 1-5 thì sao. Sa thải Wenger ư? Bạn biết gì về người đàn ông bạn đòi thải? Bạn từng thấy một vị HLV nào với phong thái điềm tĩnh, khoác lên mình chiếc áo vest sang trọng, nhưng vẫn có thể bật khóc khi đội nhà thua cuộc không? Bạn gọi đó là sự yếu đuối? Ttôi gọi nó là tình yêu. Thứ tình yêu mãnh liệt của Wenger giành cho đội bóng. Đó cũng là thứ tôi trao cho Arsenal”
Câu lạc bộ nước ngoài được nhiều fan bóng đá Việt Nam yêu thích nhất chính là Man United. Thế nhưng, chính câu lạc bộ giàu thành tích nước Anh lại bị anti nhiều nhất trên cộng đồng mạng Việt Nam. Họ luôn cho rằng thành công Man United có được chỉ là nhờ sự may mắn. Nếu không, đó chỉ là do trọng tài mang lại dưới sức ép của Sir Alex. Những anti fan Man United có thể mang mọi chuyện, tình huống trong sân đấu cho đến ngoài lề để hạ bệ hình ảnh của Man United.
Phần lớn không thích Man United bởi lẽ đó là câu lạc bộ đối trọng của đội bóng mình yêu mến. Một phần khác anti Man United chỉ để… trả thù, vì đội bóng mình bị fan Man United soi mói. Trên Facebook xuất hiện nhiều trang anti Man United thu hút hàng trăm ngàn lượt like, theo dõi như “Hội Anti MU, Anti Fan Man United”…
Thế nhưng tình yêu bóng đá và anti bóng đá, bỏ cái nào và chọn cái nào? Bóng đá cần cả hai. Thử hỏi, những trận đấu Real - Barcelona, Liverpool - Man United… sẽ ra sao nếu không có đồng thời cả hai yếu tố trên.
Một tình yêu chân chính dành cho bóng đá là rất đáng khen, nhưng chính cái gọi là anti bóng đá cũng góp phần làm cho bóng đá thêm thú vị. Bóng đá đầy hấp dẫn, kịch tính nhờ có đóng góp rất lớn nhờ hai yếu tố này.