Ngày 17.5, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với đoàn Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) về chương trình Thành phố xanh quốc tế (OPCC) năm 2023-2024.

Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên làm việc với Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế

Quế Sơn | 17/05/2023, 17:22

Ngày 17.5, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với đoàn Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) về chương trình Thành phố xanh quốc tế (OPCC) năm 2023-2024.

vietnam(1).jpg
Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ môi trường thiên nhiên - Ảnh: WWF

Tại buổi làm việc, đại diện WWF đã trao đổi các nội dung với tỉnh Quảng Trị: Xác nhận tham gia OPCC của lãnh đạo địa phương; cung cấp các dữ liệu về ứng phó biến đổi khí hậu và kiểm kê phát thải khí nhà kính, các dữ liệu về giao thông, năng lượng, chất thải, nước sạch… của tỉnh; kế hoạch của tỉnh trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: Quảng Trị là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ… gây khó khăn đời sống người dân.

Tỉnh đã phát huy nội lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tập huấn, nâng cao năng lực ứng phó của người dân, có kế hoạch trong tổ chức sản xuất, nâng cấp các công trình ứng phó với thiên tai; hướng đến sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, ban hành lịch thời vụ theo các tiểu vùng khí hậu để người dân ổn định cuộc sống, gắn kết hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã ban hành 4 kế hoạch về thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Hà Sỹ Đồng khẳng định tỉnh ủng hộ việc tham gia OPCC tại tỉnh Quảng Trị và kiến nghị WWF hỗ trợ tỉnh một số hợp phần: Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể khi tham gia thành phố xanh OPCC; hỗ trợ kiểm kê về chất thải nhà kính; tổ chức các hoạt động truyền thông, thu hút sự tham gia của cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, phổ biến, cập nhật các kiến thức, thông tin về thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, giảm phát thải ròng bằng 0; đào tạo đội ngũ cán bộ tại địa phương về kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon, bảo vệ tầng ozon…; xây dựng các khuyến nghị, định hướng cho tỉnh trong công tác tứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; kết nổi các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ trong việc phòng chống thiên tai, ứng phó...

UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Tài nguyên - Môi trường là cơ quan đầu mối cùng các sở ngành địa phương xây dựng nội dung hành động cụ thể, có kế hoạch chi tiết để đảm bảo các trình tự, thủ tục trong phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Trước đó, ngày 16.5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Quý Phương đã có buổi làm việc với WWF về chiến lược quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, ông Phan Quý Phương cho biết tỉnh Thừa Thiên-Huế là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng và tác động của các hình thái thời tiết. Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Thừa Thiên-Huế luôn xác định các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển xanh, bền vững; đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, việc thực hiện Ngày Chủ nhật xanh đã lan tỏa trong cộng đồng, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, làm cho môi trường thêm sáng - xanh - sạch - đẹp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với WWF để triển khai các nội dung công việc cụ thể, có kế hoạch chi tiết để đảm bảo các trình tự, thủ tục trong xây dựng chương trình thành phố xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.

Tại các buổi làm việc, đại diện WWF đã trình bày những nội dung về kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, chương trình khí hậu và năng lượng... 

Chương trình thành phố xanh quốc tế (OPCC) do WWF tổ chức lần đầu vào năm 2011 tại Thụy Điển nhằm động viên và phổ biến các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tỉnh thành trên khắp thế giới. Kể từ 2017, OPCC tổ chức định kỳ 2 năm/lần, đến nay đã thu hút sự tham gia từ 280 tỉnh, thành phố của gần 60 quốc gia trên thế giới.

Khi tham gia, các tỉnh, thành phố sẽ nhận được sự hỗ trợ vào mạng lưới OPCC quốc tế, được kiểm kê khí phát thải nhà kính do WWF thực hiện, kết nối tham gia các chương trình của WWF địa phương như biến đổi khí hậu, rác thải nhựa, năng lượng tái tạo, lâm nghiệp… và có các cơ sở dữ liệu để tham gia các chương trình quốc tế liên quan khác.

Tại Việt Nam, từ năm 2015, WWF đã hỗ trợ cho một số thành phố tham gia chương trình OPCC gồm: Huế năm 2015 - 2016; Đà Nẵng, Hội An và Đông Hà năm 2017 - 2018; Đồng Hới và Vinh năm 2019 - 2020; Cần Thơ và Tam Kỳ năm 2021 - 2022. Trong đó, Huế được công nhận là TP xanh của Việt Nam và lọt vào danh sách 18 TP trên thế giới cho danh hiệu Quán quân toàn cầu OPCC 2016.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
1 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên làm việc với Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế