Trung Quốc đang theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra khi các nước xung quanh mở cửa trước khi quyết định phải làm gì.

Toan tính của Trung Quốc trong việc ngồi chờ các nước xung quanh mở cửa lại

Anh Tú | 01/11/2021, 11:35

Trung Quốc đang theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra khi các nước xung quanh mở cửa trước khi quyết định phải làm gì.

Mọi pháo đài đều mở cửa, trừ Trung Quóc

Từ Úc đến Hàn Quốc và trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, các pháo đài cuối cùng của "zero-COVID" đang nới lỏng các hạn chế và mở cửa biên giới trong tâm thế chuẩn bị chung sống với vi rút - ngoại trừ một nơi.

Đó là Trung Quốc, quốc gia khởi phát dịch COVID-19 gần hai năm trước. Trung Quốc vẫn quyết tâm loại bỏ vi rút bên trong biên giới của mình và không có dấu hiệu lùi bước bất chấp thế giới thay đổi.

Mặc dù đã tiêm phòng đầy đủ cho hơn 75% dân số của mình, Trung Quốc vẫn tuân thủ chiến lược zero-COVID nghiêm ngặt, gồm đóng cửa biên giới, thực hiện các biện pháp kiểm dịch kéo dài đối với tất cả những người đến quốc tế và phong tỏa địa phương khi bùng phát dịch bệnh.

Đầu tuần trước, thành phố Lan Châu phía tây bắc Trung Quốc, với dân số hơn 4 triệu người, đã bị phong tỏa sau khi họ ghi nhận được có mỗi 6 ca nhiễm COVID-19. Cách tiếp cận này dường như vẫn được duy trì, ít nhất là cho đến bây giờ. Và cho dù một số quan chức y tế Trung Quốc đã đề nghị nới lỏng tạm thời hoặc một phần khi tỷ lệ tiêm chủng đạt 85%, các nhà phân tích tin rằng hầu hết các hạn chế khó có thể nới bớt trong vòng 12 tháng tới.

Tuy nhiên, ở các nước láng giềng của Trung Quốc, mọi thứ lại hoàn toàn khác. Kể từ 1.11, Hàn Quốc sẽ bắt đầu sống chung với vi rút mặc dù có hàng nghìn ca nhiễm mới được xác nhận mỗi tuần. Các biện pháp mới sẽ cho phép 10 người gặp nhau trong các cuộc họp trên toàn quốc, trong khi hầu hết các doanh nghiệp sẽ được phép mở cửa hoàn toàn trở lại khi lệnh giới nghiêm kết thúc.

Và ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, lệnh giới nghiêm đã được dỡ bỏ đối với các quán bar và nhà hàng vào cuối tháng trước, bất chấp hàng trăm ca nhiễm mới trên khắp đất nước được ghi nhận mỗi ngày.

Trong khi cả Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục duy trì kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, gồm cả kiểm dịch đối với hầu hết khách quốc tế thì từ hôm nay 1.11, Thái Lan sẽ chào đón du khách từ 45 quốc gia, những người chứng minh được họ đã được tiêm phòng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Và 1.11 hôm nay, Úc cũng bắt đầu mở lại một phần biên giới cho những công dân được tiêm chủng đầy đủ, chấm dứt chế độ đóng biên giới nghiêm ngặt đã khiến các gia đình chịu cảnh ly tán trong gần hai năm.

Phần lớn điều này là nhờ tỷ lệ tiêm chủng nói chung cao trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù bắt đầu triển khai chậm, các quốc gia như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore hiện đang có tỷ lệ tiêm chủng đầu người hàng đầu thế giới.

Khi zero-COVID trở nên lỗi thời

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên hứng chịu đợt bùng phát lớn của COVID-19, với hàng trăm ca nhiễm mới mỗi ngày kể từ tháng 3.2020. Họ cũng như nhiều nước Châu Á - Thái Bình Dương khác, đã sớm thành công trong việc kiểm soát các đợt nhiễm bệnh ban đầu. Thời điểm 2020 trong khi châu Âu và Bắc Mỹ bùng phát dịch lớn, các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Úc đã cố gắng kiểm soát tối đa vi rút.

Nhưng sự bùng phát của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao vào giữa năm 2021 đã khiến số ca nhiễm tăng vọt trong khu vực và khiến hầu hết các quốc gia thay vì zero COVID đã phải quay sang tập trung vào việc tiêm phòng và sống chung với vi rút.

Zhengming Chen, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford, cho biết: “Với biến thể Delta, hầu như không thể diệt trừ được. Kinh nghiệm ở Úc và New Zealand cho thấy họ đã rất cố gắng, nhưng khi bạn đã đạt đến điểm tới hạn thì bạn không thể tiếp tục tình trạng phong tỏa. Nó sẽ lặp đi lặp lại".

Hôm 29.10, với ít nhất 73% dân số Hàn Quốc hiện đã được tiêm phòng đầy đủ, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết đã đến lúc đất nước này "thực hiện bước đầu tiên để khôi phục lại cuộc sống bình thường của chúng ta."

Lệnh giới nghiêm 10 giờ tối đối với các doanh nghiệp, gồm cả nhà hàng và quán bar, đã được dỡ bỏ, trong khi các cuộc tụ tập hàng loạt lên đến 499 người có thể diễn ra nếu tất cả mọi người đều được tiêm chủng. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, tất cả học sinh sẽ đi học trở lại từ ngày 22.11.

Việc loại bỏ các hạn chế được đưa ra bất chấp các trường hợp COVID-19 gia tăng trong tuần qua. Hôm Chủ nhật, Hàn Quốc báo cáo có 1.686 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 366.386 người kể từ khi đại dịch bắt đầu. Cho đến nay, đã có 2.858 người chết ở Hàn Quốc vì căn bệnh này.

Thủ tướng Kim cho biết đây không phải là sự kết thúc của cuộc chiến chống lại COVID-19, "mà là một sự khởi đầu mới". Bộ trưởng Y tế nước này cũng cảnh báo các ca nhiễm có thể sẽ gia tăng do việc mở cửa trở lại.

Các quốc gia khác trong khu vực cũng đang làm theo, bất chấp sự bùng phát của vi rút tại địa phương. Trong tuần qua, Thái Lan đã báo cáo trung bình gần 9.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày. Mặc dù tỷ lệ lây nhiễm cao, quốc gia này đang tiến tới mở cửa trở lại cho du khách quốc tế.

Từ 1.11, công dân từ hàng chục quốc gia "có nguy cơ thấp", trong đó có Úc, Đức, Anh và Mỹ có thể đến Thái Lan mà không chịu các biện pháp kiểm dịch. Trong một tuyên bố ngày 12.10, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết nước này không thể bỏ lỡ kỳ nghỉ lễ tháng 12. Ông nói: “Chúng ta phải nhanh chóng hành động nhưng vẫn thận trọng và không bỏ lỡ cơ hội thu hút khách du lịch vào mùa nghỉ lễ cuối năm và đầu năm mới”.

Quyết định của Thái Lan cho thấy họ đã quá sốt ruột trước thời gian dài đóng cửa không làm ăn gì được. Chính vì vậy, họ quyết định mở cửa ngay cả khi chưa đến một nửa, tức chỉ khoảng 42% dân số đã tiêm cả hai liều vắc xin.

Đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, từ bỏ zero-COVID là một thử nghiệm để xem liệu các cộng đồng trước đây từng ủ tỷ lệ lây nhiễm thấp và theo đuổi chiến lược zero-COVID có thể chuyển sang sống chung với vi rút một cách an toàn hay không.

Hai tiểu bang lớn nhất của Úc, New South Wales và Victoria, đã từ bỏ chiến lược zero-COVID bắt đầu sống chung với vi rút sau khi hơn 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ.

Cho đến nay, tỷ lệ lây nhiễm vẫn chưa tăng và từ 1.11, biên giới giữa các bang được chỉ định ở Úc sẽ lần đầu tiên mở cửa trở lại cho công dân di chuyển trong nội địa.

Giáo sư Chen cho biết trong khi các ca bệnh chắc chắn gia tăng, việc tiêm chủng đã làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của COVID-19 đối với nhiều bệnh nhân và cho các quốc gia cơ hội mở cửa trở lại.

"Ở một số giai đoạn bạn phải mở, bạn phải thực sự cho phép số ca tăng lên nhưng theo cách có thể kiểm soát được. Bạn không thể chỉ phong tỏa vĩnh viễn chỉ vì vi rút đang xuất hiện ở đó".

Trung Quốc toan tính gì mà chưa từ bỏ zero-COVID

Nhưng Trung Quốc không có dấu hiệu nới lỏng cách tiếp cận cứng rắn đối với COVID-19. Hiện tại, biên giới của Trung Quốc hầu hết vẫn đóng cửa, với lượng du lịch hàng không bị giảm sút nghiêm trọng cũng như du học sinh và khách du lịch nước ngoài bị cấm nhập cảnh. Công dân Trung Quốc và một số du khách quốc tế khác có thể nhập cảnh, nhưng họ phải cách ly ít nhất hai tuần.

Ở trong nước, ngay cả một số ít các trường hợp trong một thành phố cũng dẫn đến các vụ phong tỏa nhanh chóng, quy mô.

Một phần lý do đằng sau việc Trung Quốc miễn cưỡng mở lại biên giới là Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 sắp tới, dự kiến ​​bắt đầu vào tháng 2.2022. Sau khi chứng kiến ​​sự trì hoãn dẫn đến sự cập rập trong công tác tổ chức Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020, chính phủ Trung Quốc không muốn lặp lại điều này.

Hơn nữa, đã bắt đầu xuất hiện ý kiến ủng hộ loại bỏ chiến lược của Trung Quốc hiện giờ. Gao Fu, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, hồi tháng 10 cho biết một khi nước này đã tiêm chủng đầy đủ cho 85% dân số, có lẽ vào đầu năm 2022, thì đó sẽ là lúc an toàn để nới lỏng các hạn chế.

Chen, từ Đại học Oxford, cho biết có khả năng Trung Quốc đang theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra ở phần còn lại của khu vực trước khi quyết định phải làm gì. Nếu có ít vụ bùng phát lớn ở các quốc gia Châu Á Thái Bình Dương khi chuyển sang sống chung với COVID, thì có thể Bắc Kinh sẽ cân nhắc việc mở cửa sớm hơn. Ông nói: “Điều đó mang lại cho Trung Quốc sự tự tin để bình thản”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Toan tính của Trung Quốc trong việc ngồi chờ các nước xung quanh mở cửa lại