Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc còn làm qua loa; tình trạng thiếu tự giác, đổ lỗi cho khách quan hoặc nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi.
Ngày 12.6, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa 12 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa 13 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.
Báo cáo khẳng định, 5 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện; tạo ra những thay đổi tích cực trong toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Việc xây dựng cam kết, kế hoạch rèn luyện, tu dưỡng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm nêu gương được triển khai đồng bộ, sâu rộng. Việc này góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Việc học tập và làm theo Bác được các cấp ủy, tổ chức đảng xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, gắn với phong trào thi đua, cải cách hành chính, xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ, với nhiều nội dung sáng tạo có tính đột phá, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Công tác giáo dục, tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo Bác ngày càng đổi mới, phong phú, đa dạng, có sức hấp dẫn, lôi cuốn, lan tỏa trong xã hội.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ được quan tâm thường xuyên. Nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên triển khai đồng bộ, có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thực hiện Chỉ thị số 05 vẫn còn không ít hạn chế, cần được khắc phục.
Đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa kịp thời, chưa sát thực tế, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiệu quả chưa cao. Việc xác định khâu đột phá có nơi còn lúng túng.
Cùng với đó, việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc còn bị động; việc phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác chưa kịp thời, chưa đầy đủ; việc tuyên truyền, quảng bá, cổ vũ những gương người tốt, việc tốt nhiều lúc còn thiếu sức thuyết phục.
Ngoài ra, công tác đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ; việc tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc còn làm qua loa, chiếu lệ, hình thức.
Tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm, đổ lỗi cho khách quan hoặc nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; phạm vi, đối tượng còn hẹp; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm chưa cao...
Theo Tổng bí thư, sau 35 năm đổi mới, từ một nước nghèo, cơ sở vật chất-kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, trình độ thấp, Việt Nam đã vươn lên đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp, cấp bách hơn đối với công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước.
Tổng bí thư cho rằng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã cảnh báo vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Các thế lực thù địch tìm mọi cách tăng cường chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, hòng lật đổ Đảng ta, chế độ ta...
Tổng bí thư cho rằng mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân.
"Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, nhu cầu văn hoá tinh thần trong Đảng, tạo dấu ấn rõ rệt về xây dựng văn hoá Đảng, để Đảng ta thật sự "là đạo đức, là văn minh", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Trong quá trình thực hiện ba nhiệm vụ nêu trên, Tổng bí thư nhấn mạnh cần kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống", trong đó "xây" là cơ bản, chiến lược; "chống" là quan trọng, cấp bách. Đề cao tinh thần "nói đi đôi với làm", "rèn luyện suốt đời", thường xuyên "tự soi", "tự sửa".
Bên cạnh đó, việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất cứ tổ chức, cá nhân không trong sáng nào.