Những nỗ lực lập quan hệ tốt hơn với Nga của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị chỉ trích, nhưng ông đã chuyển qua thái độ đối đầu và trong tuần này, ông đã ghi điểm về an ninh quốc gia và kinh tế.
Ông Trump ghi điểm kinh tế từ việc ép bà Merkel...
Theo báo Washington Times ngày 23.10 (giờ Mỹ), nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa tuyên bố chính phủ của bà ủng hộ việc xây một kho trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập từ Mỹ, có nghĩa Đức chấp nhận yêu sách của ông Trump rằng Đức phải giảm lệ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga.
Đức nay đầu tư 576 triệu USD để xây kho trữ LNG ở vùng sông Elbe gần thành phố Hamburg. Dự án này do ông Trump ép bà Merkel mở cửa thị trường này, gồm cả khả năng trừng phạt dự án tuyến ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga qua Đức. Tuyến ống này có thể củng cố sự thống trị Nga trong việc cung ứng năng lượng cho Đức.
Khi tuyên bố dự án với các nghị sĩ Đức, bà Merkel không mô tả sự thay đổi chính sách là một sự nhượng bộ Mỹ, mà là một quyết định chiến lược, theo báo Wall Street Journal.
Ngày 22.10, khi vận động cho đảng Cộng hòa ở Houston (bang Texas), ông Trump nói dự án trữ LNG nhập từ Mỹ của Đức là “một bước đột phá kinh tế và là tin tốt cho Texas. Việc Đức sẽ mua khối lượng lớn LNG là một tin quá tuyệt cho bang của quí vị”.
Texas là nơi sản xuất LNG hàng đầu ở Mỹ, và đang tranh ưu thế của Nga ở thị trường năng lượng Đức.
Và ghi điểm về an ninh quốc gia
Tiếp đến, ông Trump “đánh” Nga trực tiếp, tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân tầm trung (INF) mà Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbatchev ký năm 1987.
INF nhằm giới hạn số lượng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm trung của cả Mỹ lẫn Nga, và theo tờ báo Mỹ, nó hạn chế việc phát triển và dàn tên lửa hoặc hệ thống phóng có thể đe dọa các nước láng giềng của Nga ở châu Âu.
Ông Trump cáo buộc Nga vi phạm INF từ nhiều năm qua, và hôm 22.10, ông hứa Mỹ sẽ tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân (VKHN) cho đến khi nào các nước khác trên thế giới bắt đầu suy nghĩ thấu đáo hơn: “Cho đến nay, Mỹ vẫn thừa tiền hơn bất cứ nước nào. Và chúng ta sẽ xây dựng kho hạt nhân”, vốn được xem là một tuyên bố sẽ đẩy Mỹ, Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang mới đầy tốn kém.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tỏ ra khó chịu, tuyên bố hành xử của Mỹ là “động thái không khiêu khích nhưng cũng khó gọi là thân thiện”, khi ông tiếp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton.
Ông Putin cũng tuyên bố cần phải mặt đối mặt nói chuyện với ông Trump, người sau đó cho biết cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ diễn ra ở Paris vào tháng 11 tới, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến 2.
Ở cuộc gặp thượng đỉnh Helsinki (Phần Lan) hồi tháng 7, ông Trump từng bị chỉ trích là “yếu kém và nhút nhát” chấp nhận việc ông Putin phủ nhận rằng Nga không hề can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Châu Âu phản đối việc Mỹ rút khỏi INF
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Edward R. Royce nói với báo Washington Times, rằng ông hoan nghênh các bước chống Nga, và kho nhập LNG sẽ giúp Đức “không bị Nga lũng đoạn”.
Ông Royce cùng đảng Cộng hòa với ông Trump, ủng hộ việc ông Trump rút Mỹ khỏi INF: “Nga đã vi phạm thỏa thuận này suốt nhiều năm, khiến thỏa thuận này không thể bền vững. Chúng ta cần những thỏa thuận kiểm soát vũ khí bền vững”.
Tờ báo Mỹ nêu Nga vi phạm INF từ 10 năm qua, chính phủ Tổng thống Barack Obama và lãnh đạo các nước châu Âu đều đã cáo buộc Nga gian lận.
Nhưng có sự chỉ trích việc Mỹ xé bỏ INF sẽ khiến Nga tự do phát triển VKHN tầm trung, và buộc Mỹ phải làm theo và phải dàn tên lửa ở các nước thành viên NATO.
Lãnh đạo các nước châu Âu phản đối việc ông Trump rút Mỹ khỏi INF. Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini tuyên bố “thế giới không cần một cuộc chạy đua vũ trang mới vốn không đem lại lợi ích cho bất kỳ ai, và ngược lại chỉ càng làm gia tăng bất ổn”.
Tom Karato, chuyên gia về an ninh quốc gia và tên lửa phòng thủ ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, Mỹ) nói, Mỹ có lợi thế khi đối đầu với Nga về INF và năng lượng: “Sử dụng mảng năng lượng, một thành tố quan trọng của kinh tế Nga, để buộc họ chú ý và có thể thay đổi hành vi là một điều tốt”.
Ông cũng nói Mỹ kịp thời lên tiếng về một thực tế là Nga vi phạm INF cùng nhiều thỏa thuận khác, nhưng việc này có được ghi nhận là một thắng lợi hay không còn tùy theo Mỹ sẽ làm gì tiếp theo, và liệu Mỹ có thể định hình sự nhất trí hành động ở cả Mỹ lẫn ở các nước NATO.
Vĩnh Thụy (theo Washington Times)