Theo báo Guardian ngày 20.6, Tổng thống Mỹ Donald Trumplàm Tổng thống Ukraine "mất mặt" vì không được chủ Nhà Trắng tiếp đón.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đến thăm Dinh Tổng thống Mỹ ngày 20.6 (giờ Mỹ). Thế nhưng ngay cả khi ông rời Kiev ngày 19.6, cuộc gặp giữa ông với chủ nhân Nhà Trắng vẫn chưa được xác định. Các quan chức Mỹ - Ukraine tiếp tục thương lượng với vị lãnh đạo Mỹ đầy miễn cưỡng.
Chỉ ghé qua Phòng Bầu dục chốc lát để “nhìn thấy” chủ Nhà Trắng
Ban đầu, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho các nhà báo biết: ông Poroshenko sẽ chỉ gặp phó Tổng thống Mike Pence. Cuối cùng, các quan chức Mỹ - Ukraine đạt được một sự nhượng bộ: ông Pence sẽ đón tiếp Tổng thống Ukraine, rồi hai ông “ghé qua” Phòng Bầu dục trong chốc lát để hỏi thăm ông Trump và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster.
Theo cách “ghé qua” này, ông Trump không phải đứng cạnh ông Poroshenko (một chuẩn mực dành cho các lãnh đạo nước ngoài đến thăm Mỹ) rồi hai vị chủ - khách ra tuyên bố về quan hệ song phương. Như vậy, cuộc “ghé qua” của ông Poroshenko sẽ không có câu trả lời cho các câu hỏi về việc chính phủ Mỹ có đứng cạnh Ukraine hay không.
Cho đến nay, ông Trump tránh đề cập việc Nga can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine và sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Ông Trump giao nhiệm vụ lập chính sách về Ukraine cho Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.
Theo báo Guardian, một vấn đề chính trong chuyến thăm Nhà Trắng của ông Poroshenko, sẽ là việc chính phủ Trump có duy trì sức ép trừng phạt Nga, để Nga tuân thủ thỏa thuận Minsk trong cuộc giải quyết vụ nổi dậy ở đông Ukraine và rút quân Nga khỏi khu vực này.
Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, Nhà Trắng của ông Trump tìm hiểu các cách dở bỏ lệnh cấm vận Nga,theo tờ báo Anh. Nhưng tuần rồi,Thượng viện Mỹ thông qua luật tăng cường cấm vận Nga, giật quyền nới lỏng hoặc dở bỏ lệnh cấm vận khỏi tay Tổng thống Trump.
Tổng thống Ukraine không được Mỹ trọng thị bằng Ngoại trưởng của ông
Vẫn theo tờ báo Anh, cách tiếp đón ông Poroshenko sẽ bị Ukraine, phần còn lại của châu Âu và nhiều người ở Washington xem là “làm mất mặt” Tổng thống Ukraine, vì từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump đã tiếp nhiều lãnh đạo nước ngoài. Và còn vì tầm quan trọng chiến lược của Ukraine như một chiến tuyến, trong việc phương Tây “đấu ý chí” với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc tiếp đón lãnh đạo Ukraine không thể bì với cách nhiều lãnh đạo nước ngoài được Nhà Trắng tiếp đón trọng thị. Ngày 19.6, tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tiếp ông Jan Carlos Valera, Tổng thống Panama. Hai vị ngồi cạnh nhau, ông Trump thể hiện tính thích khoe khang của ông: “Kênh đào Panama hoạt động tốt. Tôi nghĩ chúng ta xây nên nó là một việc hay,đúng không. Một việc rất hay”.
Tổng thống Panama đáp đùa: “ Vâng, nhưng hồi 100 năm trước cơ”.
Việc tiếp đón ông Poroshenko ở Washington cũng được so sánh với cuộc gặp vui vẻ tại Phòng Bầu dục ngày 10.5, giữa ông Trump với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kilyak. Cuộc gặp vui vẻ ấm cúng này diễn ra 1 ngày sau khi Tổng thống Trump sa thải giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey.
Từ đó, mối quan hệ của ông Trump với Điện Kremlin càng bị “soi kỹ”, với việc Bộ Tư pháp chỉ định cựu giám đốc FBI George Muller làm công tố viên đặc biệt, giám sát cuộc điều tra của FBI về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2016 để giúp ông Trump trúng cử.
Trong cùng ngày của cuộc gặp Ngoại trưởng Nga ở Phòng Bầu Dục, ông Trump cũng có cuộc gặp (không có tuyên bố) với Ngoại trưởng Pavlo Klimkin của Ukraine. Sau đó, ông Trump tuyên bố: “Kiến tạo hòa bình nào!”.
“Tôi nghĩ Poroshenko đến Mỹ với kỳ vọng cũng có cuộc gặp giống như Klimkin”, là nhận định của Alexander Vershbow, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và từng là phó tổng thư ký NATO. Ông nói tiếp: “ Ông Poroshenko sẽ phải thuyết phục ông Trump thể hiện sự ủng hộ Ukraine, xem Ukraine là đối tác quan trọng ở nơi Nga phá vỡ trật tự quốc tế”.
Trung Trực (theo Guardian)