Dự báo các đơn hàng của doanh nghiệp trong quý 2.2023 sẽ khá hơn, nhưng các đơn hàng của ngành mỹ nghệ, và chế biến gỗ sẽ còn giảm mạnh, đến 50-60%.

TP.HCM: 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn

Hồ Quang | 03/03/2023, 18:00

Dự báo các đơn hàng của doanh nghiệp trong quý 2.2023 sẽ khá hơn, nhưng các đơn hàng của ngành mỹ nghệ, và chế biến gỗ sẽ còn giảm mạnh, đến 50-60%.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, trong tháng 2.2023 vừa qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Qua khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất, kinh doanh cho thấy, có đến 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

lao-dong-tro-lai-tp-hcm-lam-viec-sau-tet-cao-ky-luc-880(1).jpeg
Doanh nghiệp tại TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị phải cắt giảm số lượng lớn lao động - Ảnh: PV

Phân tích của ông Nguyễn Phước Hưng – Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho thấy, nguyên nhân khó khăn do thị trường thu hẹp, chiếm 41,2%, hàng tồn kho nhiều, chiếm 30,1%, giá nguyên liệu đầu vào tăng, chiếm 17,6%, khó tiếp cận nguồn vốn, chiếm 40%, lãi suất vay cao, chiếm 43%, thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian, chiếm 38,2%...

Điều này dẫn đến số doanh nghiệp lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Đây là bất thường so với các năm trước, với lý do không có đơn hàng dự trữ.

Bên cạnh đó, khảo sát cho thấy, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý 2/2022 xuống còn 65% của quý này. “Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may khó khăn do ảnh hưởng lãi suất tăng cao, và tỷ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận đầu năm 2023.

Mặc khác, do lãi suất ngân hàng quá cao nên doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cố gắng vượt qua giai đoạn này và hạn chế đầu tư trong năm nay.

Đối với ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ, các đơn hàng đầu năm 2023 vẫn tiếp tục giảm. “Dự kiến còn giảm đến hết quý 2/2023 với mức giảm khoảng 50-60%. Nguyên nhân do thị trường châu Âu, Mỹ sụt giảm tiêu thụ, người dân, doanh nghiệp trong nước hạn chế mua sắm, xây dựng công trình, hoặc hoạt động sửa chữa”, ông Hưng cho biết.

Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, theo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM đây là lĩnh vực đang rất khó khăn và đi vào suy thoái. Thị trường đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần như đóng băng. Một số lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đáo hạn gây áp lực lên thị trường bất động sản.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành vật liệu xây dựng sụt giảm nghiêm trọng, nhất là tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng, doanh nghiệp nợ lẫn nhau. Người lao động bị sa thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống an sinh xã hội.

Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM dự báo trong quý 2/2023 này hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Sức mua của các thị trường toàn cầu ở mức thấp.

Trước tình hình trên, ông Hưng mong muốn Ngân hàng nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước cần khống chế trần lãi suất, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8%-8,5%.

Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm.

Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, quan tâm cơ cấu nợ, giữ nhóm nợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bài liên quan
TP.HCM: Nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn