Mặc dù Bộ Y tế khẳng định, bệnh nhân không phải chi trả bất cứ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế công lập, nhưng Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM đã “chống lệnh” này.

TP.HCM: Bệnh viện Truyền máu huyết học “chống lệnh” của Bộ Y tế

Hồ Quang | 14/11/2021, 22:01

Mặc dù Bộ Y tế khẳng định, bệnh nhân không phải chi trả bất cứ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế công lập, nhưng Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM đã “chống lệnh” này.

Ngay từ ngày 10.5.2021, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có Công điện 628 /CĐ- BCĐQG quy định đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế nguồn kinh phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại công văn số 1126/ BHXH- CSYT ngày 29.4.2021; các đối tượng còn lại và phần đồng chi trả của người có thẻ bảo hiểm y tế chi từ nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 được các cấp thẩm quyền giao và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

“Lách” quy định để thu phí xét nghiệm COVID-19

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM vẫn thực hiện thu tiền xét nghiệm COVID-19 đối với bệnh nhân. Không những vậy, mỗi cơ sở y tế lại thu một giá xét nghiệm khác nhau, tình trạng “loạn” giá xét nghiệm này khiến không ít bệnh nhân và người dân tỏ ra vô cùng bức xúc.

tphcm-benh-vien-truyen-mau-huyet-huyte-hoc-chong-lai-lenh-cua-bo-y-te-hinh-anh-1(1).png
Khu tiếp nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM (Cơ sở khám bệnh số 1 Trần Hữu Nghiệp, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: PV

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân. Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.

Bộ Y tế khẳng định, người bệnh không phải chi trả bất kỳ khoản kinh phí nào khi được chỉ định xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y tế công lập.

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM công khai giá xét nghiệm tại 169 cơ sở y tế được phép cung ứng dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19, và 59 cơ sở xét nghiệm RT-PCR chỉ để đáp ứng cho người dân có nhu cầu chọn lựa cơ sở y tế để làm xét nghiệm tầm soát khi có nhu cầu.

Do đó hiện nay hầu hết cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP.HCM đã ngưng thu phí xét nghiệm COVID-19 đối với bệnh nhân, nhưng một số ít bệnh viện vẫn cố tình thu phí xét nghiệm bằng cách “lách” quy định của Sở Y tế TP.

tphcm-benh-vien-truyen-mauhuyet-hoc-chong-lenh-cua-bo-y-te-hinh-anh.png
Bệnh viện Truyền máu huyết hoc TP.HCM lập sẵn “Phiếu đồng thuận thực hiện và thanh toán chi phí xét nghiệm test nhanh COVID-19” yêu cầu bệnh nhân ký và ghi đồng ý mới được điều trị - Ảnh: PV

Theo phản ánh của các bệnh nhân, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM (một cơ sở y tế công lập của TP.HCM) đã dùng chiêu “lách” bằng cách bắt bệnh nhân ký vào một tờ giấy có nội dung: “Phiếu đồng thuận thực hiện và thanh toán chi phí xét nghiệm test nhanh COVID-19” với mục đích đưa bệnh nhân vào diện có “nhu cầu” xét nghiệm.

Thanh tra Sở Y tế sẽ điều tra làm rõ

Để làm rõ hơn điều này, ngày 11.11.2021, phóng viên đã theo chân bệnh nhân N.V.H. (63 tuổi, ngụ ở phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM) đến Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM (Cơ sở khám bệnh, số 1 Trần Hữu Nghiệp,  xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) để tái khám căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia).

Khi vừa vào cổng, chúng tôi được nhân viên y tế ở đây đo thân nhiệt và yêu cầu khai báo y tế qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Sau khi xem xong mã khai báo y tế, nhân viên y tế dán một miếng giấy đã khai báo y tế vào vai, trong đó bệnh nhân có ký hiệu: BN, còn người thân có ký hiệu: TN.

Sau đó, chúng tôi đến phòng tiếp nhận bệnh nhân. Tại đây, ông H. nộp sổ khám bệnh của mình rồi chờ số đến số thứ tự (số thứ tự được lấy khi đăng ký khám qua điện thoại trước đó) để đóng tiền tạm ứng 3.000.000 đồng. Thu tiền tạm ứng xong, nhân viên y tế trả sổ khám bệnh kèm theo 2 tờ phiếu (1 phiếu xét nghiệm máu và 1 phiếu khám bệnh có cả số thứ tự).

Ông H. đến phòng xét nghiệm máu trước rồi đến phòng khám số 7 để tái khám. Tại phòng khám số 7, ông H. đưa sổ khám bệnh của mình cho nữ bác sĩ có tên Thu Hà. Sau khi xem xong sổ khám bệnh, bác sĩ Hà liền nói: “Để tôi cho anh truyền máu trước, nhưng trước khi truyền máu phải đi test COVID-19”. Lúc này, ông H. hỏi lại: “Tôi khám sàng lọc thấy bình thường, tại sao phải test nhanh COVID-19 nữa? “Cái này là quy định của Ban giám đốc bệnh viện. Nếu có người nhà đi theo muốn đến Khoa truyền máu thì phải test luôn người nhà”, bác sĩ Thu Hà trả lời.

tphcm-benh-vien-truyen-mau-huyet-huyte-hoc-chong-lai-lenh-cua-bo-y-te-hinh-anh(1).png
Phí xét nghiệm COVID-19 mà bệnh nhân phải trả là 95.000 đồng - Ảnh: PV 

Sau đó, phóng viên để ông H. ra quầy kế bên làm thủ tục test nhanh. Tại đây nhân viên y tế ghi tên và đưa ông H. đến phòng lấy mẫu test nhanh COVID-19. Sau khi lấy mẫu test nhanh COVID-19 xong, ông H. đến khu vực nhà thuốc để chờ lấy kết quả. Khoảng 1 giờ đồng hồ, ông H. có kết quả test nhanh COVID-19 âm tính, sau đó ông ngồi chờ thêm 1 tiếng đồng hồ nữa thì bác sĩ Thu Hà mang sổ khám bệnh ra kèm theo toa thuốc và một tờ giấy có nội dung: “Phiếu đồng thuận thực hiện và thanh toán chi phí xét nghiệm test nhanh COVID-19”. Lúc này bác sĩ Thu Hà đề nghị ông H. ký vào tờ giấy này và ghi : “tôi đồng thuận”, 

Thấy có gì đó bất thường, ông H. hỏi: Sao xét nghiệm COVID-19 lại phải ký Phiếu đồng thuận thực hiện và thanh toán chi phí xét nghiệm test nhanh COVID-19, tôi đâu có nhu cầu test nhanh COVID-19?”. “Đó là chỉ đạo của ban giám đốc bệnh viện, anh không ký đồng thuận thì không được lên lầu 2 của Khoa truyền máu để truyền máu”, bác sĩ Hà trả lời.

Vì buộc phải truyền máu để điều trị bệnh tan máu bẩm sinh, ông H. đành “nhắm mắt đưa chân” ký vào phiếu này và ghi: tôi đồng ý. Ngay sau đó, bác sĩ Thu Hà giữ lại mà không cho ông H. giữ một bản nào.

Điều đáng nói, khi nhận phiếu thanh toán tiền, trong hóa đơn “Thanh toán tiện ích ngoại trú” của bệnh nhân H., bệnh viện ghi rõ: Phí test nhanh COVID-19 là 95.000 đồng cùng với chi phí tiền thuốc, khám bệnh, truyền máu… Tổng cộng các khoản tiền mà ông H. phải thanh toán cho bệnh viện là 2.167.264 đồng. Trừ tiền tạm ứng trước đó là 3.000.0000 đồng, ông H. được bệnh viện trả lại 832.736 đồng.

Có thể thấy, việc bắt bệnh nhân ký vào “Phiếu đồng thuận thực hiện và thanh toán chi phí xét nghiệm test nhanh COVID-19” mà chỉ có bệnh viện giữ, không cho bệnh nhân giữ lại một bản nào, không chỉ để tránh làm rò rỉ thông tin này ra ngoài cộng đồng mà còn là “lá bùa” để bệnh viện làm “bằng chứng trước tòa”, nếu sau này bệnh nhân có thắc mắc, tại sao bắt đóng tiền test nhanh COVID-19.

benh-vien-truyen-mau-huyet-hoc-chong-lenh-bo-y-te-hinh-anh.png
Tổng chi phí  mà  bệnh nhân N.V.H. (63 tuổi, ngụ ở phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM) phải trả  là 2.167.264 đồng, trong đó tiền xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: PV 

Trước hành động “chống lệnh” của Bộ Y tế, phóng viên đã liên lạc với TS.BS Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, ông Dũng cho biết, điều này đã được bệnh viện họp và lấy ý kiến của thân nhân bệnh nhân. Đối với phí xét nghiệm COVID-19, bệnh viện thu đúng theo quy định của nhà nước.

“Trong tuần vừa rồi, nhờ xét nghiệm tầm soát COVID-19 mà bệnh viện phát hiện đến 8 trường hợp dương tính. Bệnh viện chúng tôi toàn là những bệnh nhân ung thư, suy giảm miễn dịch, nếu bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 là rất căng. Việc xét nghiệm này là để đảm bảo an toàn cho bệnh viện và bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân. Chúng tôi cũng đã họp và thống nhất với người bệnh rồi”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên khi phóng viên nhắc lại, Bộ Y tế quy định, bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập không phải trả phí xét nghiệm COVID-19; còn Sở Y tế công bố giá xét nghiệm COVID-19 là giá dịch vụ dành cho những người có nhu cầu xét nghiệm COVID-19, nhưng ở đây bệnh viện bắt bệnh nhân ký vào “Phiếu đồng thuận thực hiện và thanh toán chi phí xét nghiệm test nhanh COVID-19” thì ông Dũng trả lời một cách gọn lỏn: “Tôi sẽ ghi nhận ý kiến này”

Trả lời phóng viên Một Thế Giới về sự việc trên, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ giao cho Thanh tra Sở Y tế điều tra ngay lập tức. “Nếu đúng như vậy, chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại Bệnh viện Truyền máu huyết học”, ông Châu nói.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài liên quan
Bệnh viện Truyền máu huyết học hù dọa, ép bệnh nhân ký cam kết sử dụng thuốc?
Nhiều gia đình bệnh nhân tỏ ra bức xúc trước việc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM ép ký cam kết chịu trách nhiệm sử dụng thuốc bảo hiểm y tế, thậm chí hù dọa và bắt người nhà bệnh nhân ký những nội dung bác sĩ ở đây tư vấn có lợi cho bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Bệnh viện Truyền máu huyết học “chống lệnh” của Bộ Y tế