Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng 8,3% vẫn chưa phải là cao so với tiềm năng của TP.HCM. Thành phố có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều, trên 10%, thậm chí cao hơn.
Năm 2024, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 7,5 - 8 %. Con số này khá lớn nếu biết tăng trưởng GRDP của TP.HCM năm 2023 chỉ là 5,81% (2021 là 5,36%; 2022 là 9%). Mục tiêu này đã được Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định trong cuộc gặp mặt đầu xuân với các cơ quan báo chí.
Khi đó, ông Phan Văn Mãi thừa nhận đây là một chỉ tiêu rất thách thức nhưng thành phố sẽ cố gắng. "Với chỉ tiêu này thì thành phố đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng quý và triển khai các giải pháp, biện pháp thúc đẩy tăng trưởng ngay từ đầu năm. Trong đó, chúng tôi tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cũng như là tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới thông qua việc triển khai Nghị quyết 98; cũng như là xu hướng phát triển mới, các mô hình kinh doanh mới để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, mở rộng thị trường và đa dạng hóa các hình thức thương mại".
Ông Mãi cũng nêu số liệu trong tháng 1.2024, TP.HCM đã có kết quả đáng mừng: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 26,9% so với cùng kỳ; doanh số bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 24,4%; xuất nhập khẩu tăng 23,3%; giải ngân vốn đầu tư công cũng tăng 3,2 lần so với tháng 1.2023. Nhờ vậy, thu ngân sách của thành phố đã đạt được 16,7% so với dự toán.
Trong hội thảo tham vấn quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức vào cuối tháng 2, các chuyên gia cho rằng TP.HCM còn có thể tăng trưởng mạnh hơn. Cụ thể, trong kịch bản phát triển kinh tế, đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn kịch bản cho cả giai đoạn 2021-2030 là tăng trưởng 8,3%/năm. Đơn vị tư vấn lưu ý cần tháo gỡ hiệu quả các điểm nghẽn, tăng cường công nghiệp hóa, dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo để đạt được mục tiêu tăng trưởng này.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng 8,3% vẫn chưa phải là cao so với tiềm năng của TP.HCM. TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị xem xét lại xem mục tiêu này đã tương xứng với vai trò, vị thế của TP.HCM hay chưa. Theo TS Cao Viết Sinh, nếu TP.HCM chỉ chọn tăng trưởng 8,3% - là mức kịch bản trung bình - thì vùng không thể đạt 9% như quy hoạch vùng đã xác định. Ông đề xuất mức hợp lý phải là 9%.
Để có mức tăng trưởng như vậy, TS Cao Viết Sinh đề nghị khi lập quy hoạch cần lưu ý thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành thâm dụng lao động cần hạn chế để tạo không gian phát triển cho các lĩnh vực kinh tế tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. TS Cao Viết Sinh cũng cho rằng cần khắc phục điểm nghẽn về đất đai, tạo thêm không gian phát triển, từ đó có lợi thế thu hút đầu tư.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, TP.HCM có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều, trên 10%, thậm chí cao hơn mà vẫn khả thi vì Hàn Quốc, Nhật Bản… đã có tăng trưởng 10 - 15%/năm liên tục trong 20 - 30 năm.
“Vấn đề là chúng ta có dám chọn, dám có tư duy đột biến, khác biệt, có cơ chế ra quyết định “phi truyền thống” và giải pháp, cách làm khác biệt, quyết liệt hay không. Còn không với thực tế hiện nay thì ngay cả mục tiêu 8,3% cũng khó khăn, bởi vì điểm lại tăng trưởng 3 năm qua thì năm 2021 là 5,36%; 2022 là 9%; 2023 là 5,81%. Nếu muốn đạt mức 8,3% trong giai đoạn 2021-2025 thì tăng trưởng bình quân 2 năm 2024-2025 phải đạt 11,8%; cao gấp đôi so với năm 2023. Nói tóm lại, TP.HCM cần phải có những lựa chọn đột phá thì mới tạo được thành tích như kỳ vọng”, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Tổng thu ngân sách nhà nước tại TP.HCM trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 103.164,322 tỉ đồng, đạt 21,37% dự toán năm và tăng 13,69% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 87.664,290 tỉ đồng, đạt 24,91% dự toán, tăng 25,32% so cùng kỳ nhưng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 15.500 tỉ đồng, đạt 11,85% dự toán, giảm 25,43% so cùng kỳ.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP tăng 4,3% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng 6,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 12,6%; ngành cơ khí tăng 6,7%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 6,4% nhưng ngành sản xuất hàng điện tử giảm 6,3%.