Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 15.4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo nhanh chóng nghiên cứu và tham mưu cho UBND về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.

TP.HCM có thể kéo dài thời gian cho học sinh nghỉ học

15/04/2020, 23:22

Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 15.4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo nhanh chóng nghiên cứu và tham mưu cho UBND về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.

TP.HCM sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ học - Ảnh: Internet

Theo đó, tại cuộc họp, ông Lê Thanh Liêm cho biết, trước đây TP.HCM kéo dài thời gian cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 19.4. Tuy nhiên, chỉ đạo mới của Thủ tướng kéo dài thời gian cách ly xã hội của TP.HCM đến hết ngày 22.4. Vì vậy, UBND TP.HCM giao Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu, đề xuất để ủy ban quyết định kéo dài thời gian nghỉ học cho phụ huynh và học sinh chủ động, đồng thời lên kế hoạch thời gian đi học cho học sinh.

Cạnh đó, Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Sở Y tế xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm COVID-19 trong các trường học để khẩn trương trình UBND TP. Trong quá trình xây dựng, cần lấy ý kiến các trường và cơ sở giáo dục. Đồng thời, các ngành, cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn… cũng cần xây dựng bộ tiêu chí riêng.

Trong khi đó, ông Liêm còn nói rằng các khách sạn, homestay, các cơ sở lưu trú… trên địa bàn vẫn tiếp tục ngừng nhận khách cho đến khi có chỉ đạo mới.

“Toàn thành phố tiếp tục quán triệt phương châm 5 tại chỗ, tuyệt đối không chủ quan, không lơ là; vừa chống dịch vừa phải đảm bảo cuộc sống người dân và một số hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện có dịch bệnh”, ông Liêm chỉ đạo.

Đáng chú ý, tại cuộc họp này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự chủ động của ngành y tế thành phố trong triển khai kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ, nhà ga, sân bay... Ngành y tế nên coi đây là giải pháp lâu dài trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bí thư TP.HCM cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro về dịch COVID-19 đối với các bệnh viện trên địa bàn thành phố, để tránh khả năng lây nhiễm trong bệnh viện. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và các ngành khác cũng cần xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá riêng, hoàn thành trước 30.4 và bắt đầu triển khai đánh giá từ đầu tháng 5 để sớm ổn định lại đời sống cũng như các hoạt động khác.

Sở Thông tin - Truyền thông được giao triển khai thực hiện đánh giá Bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm đối với doanh nghiệp qua mạng. Đồng thời, phối hợp với các nhà mạng viễn thông hoàn thiện các phương án kỹ thuật triển khai giám sát mật độ thuê bao tại các khu vực cộng đồng, trước mắt có thể thí điểm tại một số quận trung tâm.

Ông Nhân nhấn mạnh tiếp tục giám sát việc thực hiện quy định về cách ly xã hội, phòng chống dịch trên địa bàn thành phố. Trong đó, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; lưu ý tại các địa điểm như siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống…

Đa phần doanh nghiệp có chỉ số rủi ro ở mức cho phép

Thông tin tại cuộc họp, Sở Y tế TP.HCM cho biết đối với việc kiểm tra, giám sát hoạt động đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, theo báo cáo từ 24 quận, huyện, đến ngày 14.4 đã có 6.292 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiến hành tự đánh giá theo Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm coronavirus tại doanh nghiệp.

Kết quả, có 3.727 doanh nghiệp (59,2%) tự đánh giá mức rất ít rủi ro lây nhiễm; 2.483 doanh nghiệp (39,5%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp; 77 doanh nghiệp (1,2%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình; 5 doanh nghiệp (0,1%) có mức rủi ro lây nhiễm cao. Đặc biệt, không có doanh nghiệp nào tự đánh giá có mức rủi ro lây nhiễm rất cao.

Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện và y tế địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc tự đánh giá của các doanh nghiệp và thẩm định các chỉ số đánh giá tại doanh nghiệp.

Kết quả, 758 doanh nghiệp (44,9%) có mức rất ít rủi ro lây nhiễm; 895 doanh nghiệp (53,1%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp; 33 doanh nghiệp (2%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình.

Đối với 22 doanh nghiệp có trên 3.000 lao động: 10 doanh nghiệp (45,5%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp; 11 doanh nghiệp (50%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình; 1 doanh nghiệp (4,5%) có mức rủi ro lây nhiễm rất cao (Công ty Pouyuen).

Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục giám sát các cửa ngõ thành phố, thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 đối với hành khách tại ga quốc nội, ga đường sắt Sài Gòn; công nhân tại các khu lưu trú của khu công nghiệp, khu chế xuất; các nhóm đối tượng có nguy cơ trong cộng đồng.

Ngoài ra, thực hiện kế hoạch tổ chức sắp xếp lại năng lực ứng phó ngành y tế trong phát hiện kiểm soát và khống chế ổ dịch trong cộng đồng; tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng việc thu dung điều trị ở các bệnh viện điều trị COVID-19.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM có thể kéo dài thời gian cho học sinh nghỉ học