Trong quý 2/2020, TP.HCM chỉ có 3 dự án đất nền ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 193 nền khiến nguồn cung đất nền giảm 34% cùng kỳ năm trước. Dù khan hiếm nhưng đất nền vẫn tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu của nhiều người.

TP.HCM: Đất nền khan hiếm nguồn cung, giá tăng cao

09/07/2020, 07:05

Trong quý 2/2020, TP.HCM chỉ có 3 dự án đất nền ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 193 nền khiến nguồn cung đất nền giảm 34% cùng kỳ năm trước. Dù khan hiếm nhưng đất nền vẫn tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu của nhiều người.

Nguồn cung đất nền TP.HCM đang khan hiếm - Ảnh: Phan Diệu

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu - Phát triển thị trường DKRA Việt Nam, trong quý 2/2020, đất nền tại TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung. Trong quý 2/2020, phân khúc đất nền chỉ có có 3 dự án ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 193 nền, tăng 10% so với nguồn cung mới của quý 1/2020, song chỉ bằng 66% cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 53%, bằng 73% so với quý 1 và bằng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hoàng cho biết 100% nguồn cung mới lẫn tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới của quý thuộc về khu tây, chủ yếu tập trung ở các quận huyện vùng ven như Bình Tân. Đáng chú ý, mặt bằng giá sơ cấp của đất nền tại TP.HCM vẫn ở mức cao. Hiện tại, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư mới với các sản phẩm đất nền vùng ven có mức giá phù hợp. Trong khi đó, giá bán thứ cấp không có nhiều biến động, cục bộ ghi nhận mức giảm nhẹ từ các nhà đầu tư cần bán gấp phục vụ nhu cầu tài chính.

Ở thị trường căn hộ, ông Hoàng thông tin là cả quý ghi nhận 15 dự án mở bán, bao gồm 5 dự án mới và 10 dự án trước đó triển khai giai đoạn tiếp theo, cung cấp ra thị trường khoảng 2.425 căn, tăng 56,8% so với quý 1 nhưng giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới tích cực, đạt khoảng 72.8% (1.765 căn), tăng 54% so với quý 1 nhưng giảm khoảng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Căn hộ hạng B tiếp tục có sự sụt giảm so với quý trước nhưng vẫn là phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường khi chiếm đến 56% cơ cấu nguồn cung mới. Khu đông tiếp tục là khu vực dẫn đầu thị trường về nguồn cung và lượng tiêu thụ. Giao dịch thứ cấp duy trì mức thanh khoản khá thấp và tập trung chủ yếu ở những dự án đã bàn giao nhà, giá trị dao động 1,8 – 2,5 tỉ đồng/căn 2 phòng ngủ.

Đối với phân khúc nhà phố, biệt thự, ông Hoàng nói rằng toàn thị trường có 8 dự án được mở bán, số lượng nguồn cung mới 729 căn, giảm nhẹ 3% so với quý 1 nhưng tăng 88% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 70% nguồn cung mới (khoảng 509 căn), tăng 42% so với quý 1 và tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.

“Khu đông tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới và sức cầu, chiếm 74% cơ cấu nguồn cung mới và 85,7% lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới. Giao dịch thứ cấp kém sôi động và tiếp tục xu hướng giảm nhẹ so với quý trước”, ông Hoàng nói.

Dự báo về thị trường bất động sản trong 6 tháng cuối năm, ông Hoàng cho rằng đất nền vẫn tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu. Nguồn cung mới tiếp tục duy trì sự khan hiếm, các dự án được triển khai đa phần có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9…

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ tăng nhẹ so với quý 2, dao động ở mức 4.000 – 5.000 căn. Sức cầu chung toàn thị trường có thể duy trì xu hướng tăng như ở quý 2/2020. Khu đông và khu nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Căn hộ hạng A và hạng B tiếp tục dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung căn hộ hạng C vẫn duy trì sự khan hiếm.

“Nguồn cung mới phân khúc nhà phố, biệt thự có thể sẽ giảm nhẹ so với quý 2/2020, dao động ở mức 400 - 600 căn. Khu đông tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung của phân khúc này. Sức cầu thị trường có thể duy trì xu hướng hồi phục từ cuối quý 2 nhưng khó có sự gia tăng đột biến.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới condotel có thể sẽ tăng đạt mức 1.000 – 1.500 căn, trong khi biệt thự biển duy trì mức tương đương như quý 2, dao động từ 100 - 200 căn. Các dự án đa phần tập trung ở Bình Thuận, Phú Quốc, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp và chưa có sự thay đổi đột biến trong ngắn hạn”, ông Hoàng dự báo.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Đất nền khan hiếm nguồn cung, giá tăng cao