Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, có thể vừa làm mái che, vừa trồng cây xanh trên tuyến đường Lê Lợi. Tuy nhiên, cây xanh phải có kích thước vừa phải để không ảnh hưởng đến công trình ngầm phía dưới.

TP.HCM: Đường Lê Lợi sẽ được nghiên cứu việc trồng thêm cây xanh

Tú Viên (Tổng hợp) | 29/03/2023, 15:15

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, có thể vừa làm mái che, vừa trồng cây xanh trên tuyến đường Lê Lợi. Tuy nhiên, cây xanh phải có kích thước vừa phải để không ảnh hưởng đến công trình ngầm phía dưới.

Mới đây, đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) về việc xây dựng mái che cho tuyến đường Lê Lợi (Q.1) đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Để người dân hiểu rõ hơn về đề xuất này, Sở QH-KT thông tin thêm rằng, ngoài đề xuất lắp mái che, đoạn đường Lê Lợi sẽ được nghiên cứu trồng thêm cây xanh. Tuy nhiên việc trồng những loại cây to, rễ sâu phải được cân nhắc để tránh ảnh hưởng đến các công trình ngầm bên dưới.

Đại diện Sở QH-KT cho biết hiện nay bên dưới đường Lê Lợi là hệ thống ngầm của tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro số 1), ngoài ra sẽ hình thành hệ thống trung tâm thương mại ngầm trong tương lai.

pho-di-bo-le-loi-7997.jpeg
Đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM là tuyến đường chính thu hút khách du lịch - Ảnh: Internet

“Theo quy hoạch, khu vực bên dưới đường Lê Lợi là không gian ngầm, phía trên là không gian mở. Hiện nay, sau khi tái lập mặt bằng, đoạn đường Lê Lợi đang rất nắng, ảnh hưởng đến người dân và du khách. Việc làm mái che thì các quốc gia khác cũng đã thực hiện. Với quốc gia nhiệt đới như nước ta, việc làm mái che là bình thường. Nếu cơ quan chức năng không làm mái che được, để cho người dân tự làm riêng lẻ thì sẽ thiếu tính đồng bộ, không đảm bảo mỹ quan”- đại diện Sở QH-KT cho biết.

Do đó, sau khi có chủ trương cụ thể, các nhà tư vấn sẽ vào cuộc tính toán việc thực hiện mái che để công trình vừa đẹp, hiệu quả, đảm bảo tính đồng bộ cũng như chi phí hợp lý. Ngoài ra, việc đề xuất này không có ý nghĩa thay thế cây xanh ở khu vực. Trục đường này sẽ được nghiên cứu trồng cây xanh, tuy nhiên việc trồng những loại cây to, rễ sâu thì phải cân nhắc để tránh ảnh hưởng đến các công trình ngầm bên dưới.

Được biết trước đó các đơn vị đã nghiên cứu bố trí vị trí đỗ xe máy, trụ đèn, thảm cỏ ở khu vực đường Lê Lợi sau khi hoàn trả mặt bằng để tạo cảnh quan. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc về việc kinh phí tăng cao, công trình thi công phải đào đường, ảnh hưởng đến công trình metro ngầm nên các phương án này đã được rút lại và chỉ giữ phương án đề xuất làm mái che.

Theo đại diện Sở QH-KT, việc bố trí mảng xanh cho khu vực sẽ được các đơn vị phối hợp, chọn loại cây phù hợp, hài hòa với không gian để tạo cảnh quan phục vụ người dân và du khách.

Đồng tình với đề xuất của Sở QH-KT, TS-KTS Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Quy hoạch, Trường ĐH Kiến trúc TP cho rằng giải pháp này cần làm vì một tuyến phố như Lê Lợi cần có hành lang cho cộng đồng đi lại thuận lợi. Theo ông Tuấn, đường Lê Lợi là tuyến phố thương mại, dịch vụ, có rất nhiều hoạt động thu hút người đi bộ.

Vì vậy, việc ra một hành lang có che mưa che nắng cho cộng đồng là cần nhưng làm như thế nào để vừa hiệu quả vừa thẩm mỹ về mặt cảnh quan thì phải tính đến. “Cái khó của mình là hiện nay các công trình ở tuyến này đã hình thành rồi và nó không đồng bộ như các tuyến phố mới, cho nên giải pháp thiết kế về mái che như thế nào để hài hòa và hấp dẫn về mặt không gian là cần tính toán” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, cần phải có ý tưởng và mô hình cho không gian đó, không nhất thiết phải là mái che liên tục kéo dài cả tuyến (sẽ tạo cảm giác cứng nhắc, khô khan) mà cần cộng với cả giải pháp về cây xanh kết hợp.

Còn TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM) cho rằng việc làm mái che cần phải có sự phân tích, so sánh lợi và hại, cái nào lớn hơn thì mới quyết định. Theo TS Nguyên, mục đích của việc làm mái che là để thúc đẩy người dân đi bộ ở các ga metro, che nắng che mưa, tạo ra nơi buôn bán sầm uất hơn. Tuy nhiên, nếu làm ở tuyến này thì cũng phải xem xét đến các tuyến khác.

“Câu chuyện tạo ra chỗ làm ăn buôn bán sầm uất hơn thì có mâu thuẫn với việc giải phóng vỉa hè, quy định lại trật tự vỉa hè không?” - TS Nguyên nêu vấn đề.

Về thiết kế công trình, ông Nguyên cho rằng nếu làm mái che bằng tôn thì không khí sẽ nóng hơn, gây “hiệu ứng mái tôn” vì dưới mái tôn bao giờ cũng nóng hơn. Theo ông, giải pháp trồng cây xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn, mát hơn, cây xanh còn lọc khí và cản bụi, cây xanh cũng có thể trồng ngay cây lớn cao 2 - 3m.

Ngoài ra, TS Nguyên cũng đề nghị cần xem xét việc làm mái che có cấp bách so với các nhu cầu khác như xây dựng nhà vệ sinh công cộng không…

Sở QH-KT TP.HCM cho biết, về biện pháp kỹ thuật, vỉa hè mỗi bên trung bình 5,5 - 6m; bố trí mái che nắng che mưa vươn ra 4m. Vật liệu được sử dụng gồm các chất liệu đẹp, bền vững với chi phí tiết kiệm, kết hợp các loại vật tư có màu sắc nhẹ nhàng, có thiết kế hài hòa với cảnh quan chung của khu vực.

Kinh phí ước tính sơ bộ ban đầu khoảng 20 - 30 tỉ đồng (gồm chi phí vật tư, nhân công, thi công…). Về kinh phí, UBND quận 1 xem xét, xin ý kiến UBND TP về nguồn xã hội hóa…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Đường Lê Lợi sẽ được nghiên cứu việc trồng thêm cây xanh