Ngày 16.10, Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất TP.HCM đã có báo cáo thẩm định dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020/QĐ-UBND ngày 16.1.2020 của UBND TP.HCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM.
Hạ tầng và bất động sản

TP.HCM: Giá đất cao nhất dự kiến hơn 687 triệu đồng/m2

Ánh Dương 16/10/2024 21:30

Ngày 16.10, Hội đồng Thẩm định Bảng giá đất TP.HCM đã có báo cáo thẩm định dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2020/QĐ-UBND ngày 16.1.2020 của UBND TP.HCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, so với giá đất quy định tại quyết định số 2/2020, giá đất điều chỉnh dự kiến sẽ tăng từ 4-38 lần nếu chưa tính đến hệ số điều chỉnh K. Tuy nhiên, có những vị trí lại giảm hơn 2 lần so với dự thảo vào tháng 7 trước đó.

Đối với đất phi nông nghiệp có mặt tiền đường, giá đất sẽ được áp dụng cho tất cả các thửa đất, khu đất tiếp giáp trực tiếp với đường. Đối với các vị trí tiếp theo không tiếp giáp mặt tiền đường, thửa đất nằm sâu trong hẻm rộng từ 5m trở lên, giá đất sẽ bằng một nửa so với thửa đất mặt tiền.

Thửa đất nằm trong hẻm hẹp hơn, từ 3-5m, giá đất sẽ bằng 80% so với thửa đất ở vị trí 2. Còn thửa đất nằm ở các vị trí còn lại, giá đất sẽ thấp nhất trong các vị trí đã nêu.

z5876022601818_16d2cb1f7588cf851cadacaa4685adcf.jpg
Một khu chung cư tại quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Ánh Dương

Trong trường hợp thửa đất có chiều sâu từ mép trong của đường vượt quá 100m, giá đất sẽ được giảm 10% so với giá đã quy định cho từng vị trí cụ thể.

Như vậy, theo dự thảo mới, giá đất cao nhất được ghi nhận tại các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, có thể lên đến 687 triệu đồng/m2, thay cho mức 810 triệu đồng/m2 ở dự thảo trước đó.

Giá đất dự kiến tại các tuyến đường lân cận như đường Đông Du, Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng có giá dao động từ 350-450 triệu đồng/m2, đã tăng từ 3-4,5 lần so với giá hiện hành theo quy định. Tuy nhiên, so với dự thảo trước, giá đất tại các tuyến đường này đã giảm từ 100-200 triệu đồng/m2.

Trong đợt điều chỉnh bổ sung này, giá đất tại 5 huyện vùng ven đã giảm đáng kể. Một số tuyến đường ở vùng ven có mức giá đề xuất mới giảm từ mức đề xuất cũ hồi tháng 7 khoảng 5-6 lần.

Đất nông nghiệp tại TP.HCM được chia thành 3 khu vực chính, gồm trung tâm thành phố (khu vực 1), vùng ven trung tâm (khu vực 2) và vùng ngoại thành (khu vực 3), để tính giá.

Theo đó, giá đất trồng cây hàng năm tại khu vực 1 có giá dự kiến dao động từ 432.000 - 765.000 đồng/m², khu vực 2 có giá từ 416.000 - 650.000 đồng/m², còn khu vực 3 sẽ là từ 400.000 - 625.000 đồng/m².

Đối với đất trồng cây lâu năm, ở khu vực 1, giá đất sẽ từ 518.000 - 810.000 đồng/m2. Khu vực 2 có giá dự kiến từ 499.000 - 780.000 đồng/m2 còn khu vực 3 là từ 480.000 - 750.000 đồng/m2.

Như vậy, sau gần 3 tháng lấy ý kiến đóng góp và trải qua nhiều cuộc thảo luận, dự thảo mới đã điều chỉnh giá đất giảm so với phương án ban đầu.

Bảng giá đất điều chỉnh mới, nếu được phê duyệt, sẽ có hiệu lực đến hết năm 2025. Cuối năm 2025, cơ quan chức năng sẽ tiến hành đánh giá lại để đảm bảo giá đất phù hợp với tình hình thực tế. Từ năm 2026, thành phố sẽ chuyển sang áp dụng bảng giá đất hàng năm theo quy định của Luật Đất đai.

UBND TP.HCM khẳng định quá trình xây dựng bảng giá đất điều chỉnh tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật. Các bước từ lập đề xuất, lấy ý kiến rộng rãi đến thẩm định đều được thực hiện đầy đủ. Các ý kiến đóng góp của người dân và các tổ chức đã được Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kỹ lưỡng và phản ánh trong dự thảo cuối cùng.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Tài chính Lê Tấn Cận, việc các giao dịch đất đai nghẽn đã ảnh hưởng đến thu ngân sách của thành phố, khiến 9 tháng đầu năm, địa phương này có mức thu xếp sau Hà Nội. Cụ thể, thu sử dụng đất của Hà Nội trong 9 tháng đạt gần 33.000 tỉ đồng, còn TP.HCM chỉ khoảng 5.900 tỉ đồng, tức thấp hơn khoảng 27.000 tỉ đồng. Theo ông Cận, khi TP.HCM ban hành được bảng giá đất điều chỉnh sẽ giúp thành phố có những triển vọng, phát triển tốt hơn để có nguồn thu ngân sách đảm bảo theo dự toán.

Bài liên quan
Thứ trưởng Lê Minh Ngân: ‘Một số đối tượng đấu giá đất chỉ để đầu cơ, thao túng giá chứ không có nhu cầu về đất ở’
Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho hay một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ
40 phút trước Sự kiện
Trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 16.10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri Cần Thơ là cán bộ, hội viên Hội Nông dân, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Giá đất cao nhất dự kiến hơn 687 triệu đồng/m2