Sáng 14.7, Thành uỷ TP.HCM tổ chức hội nghị Tổng kết thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn TP.HCM từ năm 2000 đến nay.

TP.HCM: Hiến đất, mở hẻm, quyết tâm đến 2025 xóa khu dân cư 'ổ chuột'

Tú Viên | 14/07/2022, 16:25

Sáng 14.7, Thành uỷ TP.HCM tổ chức hội nghị Tổng kết thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm trên địa bàn TP.HCM từ năm 2000 đến nay.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, khi hiến đất mở hẻm, những hộ ở đầu hẻm hoặc có diện tích nhỏ bị ảnh hưởng nhiều hơn, thậm chí diện tích đất gần như mất hoàn toàn. Do đó, địa phương cần tính toán phương án hỗ trợ để hài hòa lợi ích, bù đắp thiệt hại cho người dân.

20200912094623-e2a2.jpeg
Một trong hàng ngàn con hẻm vừa ẩm thấp vừa thiếu an toàn tại TP.HCM - Ảnh: Internet

Giải pháp đầu tiên là tìm sự hỗ trợ từ cộng đồng, ví dụ những hộ ở sâu trong hẻm được lợi vì đường rộng, có điều kiện nên san sẻ, hỗ trợ hộ bị ảnh hưởng nhiều. Sau đó thành phố sẽ tính đến cơ chế tài chính để hỗ trợ người dân, dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích kinh tế các bên.

Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục vận động người dân mở các hẻm nhỏ để chỉnh trang đô thị, hạn chế nguy cơ cháy nổ. "Phấn đấu không còn hẻm chật hẹp, xóa khu dân cư ổ chuột, mất an toàn, cải thiện đời sống người dân", ông nói.

dcphanvanmai_phatbieu_ngbs.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: P.V

"Sở Xây dựng TP.HCM cùng với các sở, ngành liên quan nhanh chóng nghiên cứu, tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM cơ chế tài chính để hỗ trợ người dân. Phải xác định, việc thực hiện chủ trương này không chỉ bằng quyết tâm chính trị, bằng tình cảm hay trách nhiệm mà còn nghiên cứu đến các lợi ích kinh tế của người dân. Coi đây là đầu tư ngân sách của Thành phố cho chi phí chỉnh trang đô thị, đầu tư mang lại môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo.

Song song với vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm, ông Mãi cũng lưu ý các địa phương phải quản lý được các tuyến hẻm hiện hữu để tránh tình trạng lấn chiếm, làm thu hẹp lòng hẻm; tập trung nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng, chỉnh trang đô thị; nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; tham gia phát triển mảng xanh.

Đặc biệt, Quốc hội vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3, ông Phan Văn Mãi yêu cầu các địa phương tập trung hơn nữa cho công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các tổ chức có liên quan nhanh chóng giao đất để Thành phố có mặt bằng triển khai dự án. Đồng thời, tìm giải pháp hiệu quả nhất nhằm đảm bảo bồi thường, hỗ trợ sinh kế để người dân có cuộc sống tốt hơn sau khi giao đất triển khai dự án.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Bạch Mai cho biết, từ năm 2000 đến năm 2021, đã có hơn 168.100 hộ dân tham gia hiến khoảng trên 5,3 triệu m2 đất, ước tính tương ứng số tiền hơn 10.000 tỉ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình. Trong đó, 3.874 công trình mở rộng hẻm, ước tính khoảng 6.600 tỉ đồng, 1.237 công trình mở rộng đường, ước tính hơn 3.300 tỉ đồng và 119 công trình khác, ước tính hơn 48 tỷ đồng.
“Ngoài việc hiến đất để thực hiện các công trình nêu trên, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để thực hiện mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với hơn 458 tỉ đồng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng khu phố văn minh sạch đẹp, cải thiện môi trường sống của từng địa phương trên địa bàn TP”, bà Nguyễn Thị Bạch Mai khẳng định.
Qua 22 năm vận động, quận 12 có tổng giá trị hiến đất mở hẻm cao nhất thành phố với gần 1.800 tỉ đồng cho 285.000 m2. Huyện Củ Chi có tổng diện tích đất hiến lớn nhất với trên một triệu m2, giá trị gần 651 tỉ đồng. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một hẻm rộng dưới hai mét được mở rộng; đẩy nhanh tiến độ mở rộng hẻm, đường có dự án đầu tư.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Hiến đất, mở hẻm, quyết tâm đến 2025 xóa khu dân cư 'ổ chuột'