Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM gặp khó khăn về đơn hàng đã cắt giảm lao động khiến hàng nghìn lao động rơi vào tình trạng “sống dở chết dở” không biết tìm cách xoay trở thế nào khi “năm hết Tết đến”.
Tạo điều kiện công nhân làm đủ 12 tháng để được bảo hiểm thất nghiệp
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM chiều nay (10.11), ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở lao động - Thương binh xã hội TP.HCM, cho biết hiện số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn TP là 248.897 doanh nghiệp với tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 2.496.211 người, trong đó có 2.447.424 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy so với cùng kỳ năm 2021 số lao động có tham gia bảo hiểm xã hội tăng 345.880 người; so với 6 tháng đầu năm 2022, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tăng 100.101 người.
Qua khảo sát tại 285 doanh nghiệp có số lao động từ 200 người trở lên cho thấy có 159/285 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng 8.232 người, trong đó 22/159 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển trên 100 lao động với tổng số lao động cần tuyển là 4.150 người.
Lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu là dệt may, cơ khí, giao nhận, chế biến thực phẩm… Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động từ này đến cuối năm là 43.000 người, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ Tết.
Bên cạnh một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để hoàn thành tiến độ theo hợp đồng, ông Lâm cho biết còn một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn tìm kiếm đơn hàng để duy trì sản xuất kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động như: Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân)… Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp đã sắp xếp lại thời giờ làm việc hợp lý với nhu cầu sản xuất như không tăng ca, cho người lao động nghỉ thêm thứ 7 hàng tuần nhằm giữ chân người lao động, để có đủ nguồn nhân lực khi có các đơn hàng mới.
Liên quan đến việc Công ty TNHH Việt Nam Samho sẽ cắt giảm hơn 1.400 lao động, ông Lâm cho biết, trong sáng nay (10.11) công ty này đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức đối thoại với công nhân.
Tại đây Công ty TNHH Việt Nam Samho cam kết sẽ cố gắng tạo điều kiện cho người lao động làm việc tại đơn vị chưa đủ 12 tháng tiếp tục làm việc đủ 12 tháng để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. “Đây là việc làm rất tích cực của Công ty TNHH Việt Nam Samho. Ngoài ra một số chế độ liên quan khác của người lao động tại Công ty TNHH Việt Nam Samho sẽ được đơn vị này tiếp tục đối thoại với lao động”, ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, qua khảo sát trên địa bàn huyện Củ Chi có 1.803 lao động bị cắt giảm. Tuy nhiên hiện nay, chính quyền huyện Củ Chi đã tổ chức sàn giao dịch việc làm, số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng có cùng ngành nghề tuyển dụng được 1.500 lao động. “Như vậy cho thấy việc kết nối cung cầu lao động tại chỗ do Phòng lao động tham mưu với UBND huyện Củ Chi phối hợp với Trung tâm giải quyết việc làm kịp thời và đã xử lý được nhu cầu lao động trên địa bàn”, ông Lâm nhấn mạnh.
Đối với Công ty TNHH Tỷ Hùng dự kiến cắt giảm gần 2.000 lao động, Sở lao động – Thương binh xã hội đã chỉ đạo trực tiếp Phòng lao động quận Bình Tân, Trung tâm dịch vụ việc làm, Phòng việc làm phối hợp để xử lý các vấn đề. “Đến thời điểm này vẫn chưa có diễn biến gì phức tạp. Hiện đơn vị này đang tổ chức thực hiện các công việc có liên quan đến quyền lợi người lao động theo quy định”, ông Lâm cho biết.
Giải pháp nào để ổn định tình hình lao động, việc làm?
Cũng theo ông Lâm, hiện Sở đã có chỉ đạo cho phòng lao động của các quận huyện và TP. Thủ Đức nắm kỹ các doanh nghiệp trên địa bàn, phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP để nắm các doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm xã hội mà có khả năng là gián đoạn đơn hàng để có kế hoạch xử lý kịp thời. “Trong sáng nay (10.11) chúng tôi đã báo cáo tình hình này với UBND TP và tiếp tục có chỉ đạo các công việc có liên quan nhằm bảo vệ chính đáng quyền lợi của người lao động và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện tốt trách nhiệm của mình”, ông Lâm thông tin.
Liên quan đến thông tin cho rằng tình hình lao động thất nghiệp trên địa bàn TP đang có xu hướng gia tăng, dự báo sẽ còn gia tăng trong 2 tháng cuối năm, ông Lâm cho biết, qua số liệu cho thấy số lao động thất nghiệp trong tháng 10 giảm 4% so với tháng 9. Cụ thể trong tháng 9.2022, số lao động giải quyết thất nghiệp là 11.590 lao động, đến tháng 10 xuống còn 11.115 lao động. Sở cũng đang tiếp tục theo dõi điều này cũng như cập nhập thường xuyên tình hình lao động thất nghiệp.
Về giải pháp ổn định tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp, nhất là vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ông Lâm cho biết sẽ kiện toàn lại ban chỉ đạo quan hệ lao động hài hòa của từng đơn vị, có phân công cụ thể, có kế hoạch giám sát, nắm chắc tình hình cung ứng sản xuất, trả lương, thưởng tại các doanh nghiệp.
Sở cũng kiến nghị chủ tịch UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo phòng lao động, phòng tài chính kế hoạch, phòng kinh tế, liên đoàn lao động… nắm bắt kịp thời diễn biến quan hệ lao động và tình hình biến động lao động cũng nhu cầu lao động, sắp xếp lại lao động, nhất là những doanh nghiệp có sắp xếp lại lượng lao động lớn.
Song song đó, Sở lao động – Thương binh xã hội tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức theo dõi sát tình hình và phương án sắp xếp lại lao động của các doanh nghiệp; trao đổi với địa phương chủ động nắm bắt tình hình cơ sở để kịp thời tham mưu cho UBND TP; phối hợp với Ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp, khu công công nghệ cao và UBND các quận huyện giám sát việc chi trả thưởng Tết Quý Mão 2023 để ổn định lao động; chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức các sàn giao dịch việc làm…