Ngày 8.12, kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa 10 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, GD-ĐT, TT-VH.
Theo danh mục, có 41 dự án được kêu gọi đầu tư. Trong đó, y tế 6 dự án, GD-ĐT 12 dự án, TT-VH 23 dự án.
HĐND giao UBND TP tổ chức thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Nghị quyết 98 và quy định của pháp luật có liên quan, thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin về dự án để thuận lợi cho nhà đầu tư và người dân giám sát.
UBND TP cho biết 41 dự án được đề xuất mời gọi đầu tư là những dự án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như tính khả thi, sự phù hợp với quy định pháp luật về PPP, có chọn lọc, không trùng lặp với dự án PPP đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt.
Theo UBND TP, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách TP nhất là trong điều kiện nguồn ngân sách TP còn hạn chế để thực hiện các dự án đầu tư công vì giai đoạn 2021-2025 đầu tư công trong lĩnh vực GD-ĐT chỉ chiếm 7,17%; y tế 8,61%; thể thao văn hóa 2,28%.
Trong quá trình triển khai, căn cứ vào tính cấp thiết của các dự án, tình hình quan tâm của các nhà đầu tư và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách TP, UBND trình HĐND TP việc đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công hoặc hình thức khác phù hợp theo quy định pháp luật.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp diễn ra vào ngày 7.12, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ chuẩn bị kỹ quy trình hồ sơ, trên tinh thần đầu tư theo hình thức PPP phải nhanh hơn đầu tư công, bởi vừa qua TP đã lên danh mục 197 thu hút đầu tư nhưng chưa đạt kết quả.
“Có những dự án chúng ta thấy có nhu cầu và nêu ra mà chưa rà soát quy hoạch, xem có phù hợp quy hoạch không, đất đai sẵn có hay không, các điều kiện pháp lý khác ra sao…, nên khi nhà đầu tư tìm hiểu sâu mất rất nhiều thời gian. Nếu muốn làm thì phải điều chỉnh quy hoạch, giải quyết thủ tục đất đai trong khi các cơ chế cho nhà đầu tư chưa chuẩn bị kịp”, ông Mãi nêu thực trạng.
Do đó, đối với danh mục 41 dự án lần này, TP đã rút kinh nghiệm, tính toán nhu cầu, rà soát quy hoạch và vận dụng cơ chế theo Nghị quyết 98 để tăng tính khả thi. “Làm sao khi triển khai dự án theo hình thức PPP phải nhanh gọn hơn là đầu tư công. Phải tập trung những dự án có thể làm ngay, làm được thì dứt điểm sớm”, ông Mãi nhấn mạnh.
Trong danh mục kêu gọi đầu tư có rất nhiều dự án trong lĩnh vực y tế và thể thao có tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất là xây dựng mới sân vận động với sức chứa 50.000 chỗ ngồi có mái che và đường chạy điền kinh với tổng mức đầu tư là 7.000 tỉ đồng.
Dự án xây dựng mới nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời, tổng mức đầu tư 4.000 tỉ đồng.
Một số dự án khác có tổng mức đầu tư khá lớn như: Xây dựng mới học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời với số vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng; xây dựng mới nhà thi đấu quần vợt và cụm sân quần vợt ngoài trời tổng mức đầu tư 1.000 tỉ đồng; xây dựng mới cụm hồ bơi thi đấu và tập luyện tổng mức đầu tư 1.000 tỉ đồng.
Đối với lĩnh vực y tế, trong tổng số 6 dự án thì có 5 dự án tổng mức đầu tư đều vượt 1.000 tỉ đồng như Khu khám điều trị dịch vụ (khu 2), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng; xây dựng Bệnh viện đột quỵ TP.HCM tổng mức đầu tư 1.500 tỉ đồng…